Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thành phố Lạc Đà

Lâm Viên

(VNTB) – Nếu chính quyền địa phương theo đuổi định hướng phát triển đô thị bền vững, hãy kịp thời trả những không gian công cộng như công viên Ðồi Cù trở về cho bản thân Ðà Lạt, người Ðà Lạt và du khách

 

“Mở rộng Đà Lạt là đầu bài quan trọng và bài giải chúng tôi đang thực hiện. Dù bài giải như thế nào cũng phải xoay quanh định hướng: đô thị di sản, đô thị xanh và lấy văn hóa bản địa làm nền tảng”.

Một quan chức trong ngành xây dựng của tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ quan điểm cá nhân với giới thân hữu báo chí có văn phòng đại diện tòa soạn tại thành phố Đà Lạt.

Trong quy hoạch Đà Lạt từ thời Pháp thuộc, khoảng trống (espaces libre) và khu vực bất kiến tạo (zone non ædificandi) là những yếu tố được tính toán, chú trọng thiết lập dựa trên cơ sở khoa học về môi trường sinh thái cho đến nguyên tắc thẩm mỹ, tạo dựng cảnh quan đô thị. Những khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt trên thực tế, vì chúng là điều kiện tiên quyết để tạo ra hình thái không gian, khung cảnh chung cho một thành phố thư nhàn.

Liệu Đà Lạt với quy hoạch được Chính phủ phê duyệt là sẽ mở rộng gấp 4 lần so hiện tại có thể vẫn gìn giữ được sắc thái mà người Pháp đã quy hoạch?

Một nhà khảo cứu về Đà Lạt nhận xét: “Trong thời chiến tranh, không có một bản đồ án quy hoạch chỉnh trang nào được thực hiện, dù ý định mở rộng thành phố để giãn dân cư đã từng được đưa ra vào năm 1968, nhưng những nguyên tắc nền tảng cho một thành phố có khoảng không, công viên không cho phép xây dựng nhân tạo nối liền với hồ nước để tạo nên cảnh sắc đặc thù luôn được nhất quán trong tầm nhìn của nhà chức trách.

Ðáng tiếc, những nguyên tắc đó không được giữ để bảo tồn và phát triển Ðà Lạt giai đoạn về sau. Nếu chính quyền địa phương theo đuổi định hướng phát triển đô thị bền vững, hãy kịp thời trả những không gian công cộng như công viên Ðồi Cù trở về cho bản thân Ðà Lạt, người Ðà Lạt và du khách”.

Không gian cần trả lại ấy trước khi bước vào mở rộng gấp 4 lần thành phố này theo quy hoạch, đó là trả lại hai vùng tài sản công và tư, chung và riêng ở Ðồi Cù có tổng diện tích 71,5 ha đã bị “gộp” lại, kéo rào chắn biến thành một sân golf lớn. Người dân và du khách mất đi một “Jardin Public” để dạo chơi, tận hưởng. Và như vậy, Ðà Lạt đã bị truất hữu một không gian thư nhàn công cộng mà người Pháp đã quy hoạch cho đô thị này.

Những hình ảnh những đôi tình nhân hò hẹn, những gia đình dạo chơi ngày nghỉ, những nhóm bạn quây quần, những du khách tự do dạo bước lên đồi, dưới những tán thông xanh mướt của công viên Ðồi Cù đã thuộc về một quá khứ xa mờ.

Việc trả về không gian vườn Bích Câu cho cộng đồng mới đây đã không xảy ra tương tự ở Ðồi Cù.

Vẫn theo nhà khảo cứu – một “nhà Đà Lạt học” kể trên, cũng cần đặt lại câu hỏi, vì sao khu vực Ðồi Cù ngày nay được định hình là khoảng trống hay bất kiến tạo; nó có ý nghĩa gì về cảnh quan và những vùng môi trường cảnh quan liên đới? Vì sao trong giai đoạn 1954 – 1975, các công trình lớn về giáo dục, khoa học phục vụ cho mục tiêu phát triển Ðà Lạt đưa Ðà Lạt lên tầm vóc quốc tế như Viện Ðại học, Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Ðà Lạt hay Giáo Hoàng Học viện Thánh Pio X…, tất thảy đều giữ khoảng cách, không thể xâm phạm vào vùng bất kiến tạo và khoảng trống này?

Kiến trúc sư Trần Đức Lộc, cựu trưởng phòng quy hoạch – kiến trúc, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho rằng mở rộng Đà Lạt, sáp nhập với Lạc Dương có thể là câu chuyện ngày mai cũng có thể rất lâu sau này. Nhưng đó là vấn đề hành chính.

Còn trong quy hoạch, Đà Lạt không là thành phố Đà Lạt. Đà Lạt là cả vùng cao nguyên Langbiang rộng lớn, trong đó có Lạc Dương. Đà Lạt là vùng chuyển tiếp quan trọng của nhiều vệ tinh xung quanh. Tự thân Đà Lạt chưa bao giờ là đủ.

“Cho nên nói về Đà Lạt, chúng ta có thể quên địa giới hành chính để có thể nhìn rộng ra vùng Langbiang mênh mông, tài nguyên khí hậu, đất đai, văn hóa bản địa còn dồi dào hơn cả Đà Lạt”, ông Lộc nhìn nhận với những ngôn từ hoa mỹ; và qua đó cho thấy rất cần làm rõ một điều, đó là “văn hóa bản địa” sẽ được gìn giữ ra sao khi mà người ta bắt đầu tiến hành mở rộng thành phố Đà Lạt ra đến tận Lạc Dương?


Tin bài liên quan:

VNTB – Hồ sơ: Những thế lực ngầm khuynh đảo đất đai Bảo Lộc

Phan Thanh Hung

VNTB – Thu hồi đất, thu hồi cả tài sản của dân có vi hiến?

Phan Thanh Hung

VNTB – Người nghèo bán vé số dạo đang ngơ ngác…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo