VNTB – Nếu Thảo Cầm Viên Sài Gòn đóng cửa vì lỗ?

VNTB – Nếu Thảo Cầm Viên Sài Gòn đóng cửa vì lỗ?

Diệp Chi

(VNTB) – Ngày 17 tháng 2 năm 1869, phó đô đốc G. Ohier, quyền Thống đốc Nam Kỳ, ký nghị định số 33 thành lập Ủy ban thường trực do Philastre làm chủ tịch, để giám sát việc chi tiêu tại Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn.

Vào thời điểm này, chi phí hàng năm cho nơi đây đã được nâng từ 21.000 quan Pháp lên 30.000 quan Pháp/năm, ngân sách thuộc địa cấp. Cũng theo nghị định trên, đúng ngày Quốc khánh của Pháp 14 tháng 7 năm 1869, Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn – lúc ấy gọi là Vườn Bách Thảo mở cửa thường trực cho công chúng vào xem.

Tuần lễ gần đây, nhiều bài viết đăng trên nhiều tờ báo nói về tình hình Thảo Cầm Viên Sài Gòn (người dân quen gọi bằng cái tên Sở thú), nửa năm qua đã lỗ gần 20 tỷ đồng. Khó khăn chồng thêm khó khăn khi trong mùa dịch Covid-19 đợt trước, Thảo Cầm Viên đã phải đóng cửa từ ngày 20/3 – 14/5. Đến giai đoạn bình thường mới, theo ghi nhận, đúng là có một số lượng khách đến với Sở thú, song chưa được bao lâu, lại bị ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ hai.

Cũng theo một số thông tin trên mạng, trên các báo điện tử, để vẫn duy trì đầy đủ lượng thức ăn cũng như dinh dưỡng cho những động vật nơi đây; bên cạnh sự quyên góp, đón nhận ủng hộ từ đồng bào; các nhân viên của Sở thú chấp nhận giảm 30% số lương.

Có ý kiến cho rằng, ắt hẳn, nhân viên ở Thảo Cầm Viên phải lãnh lương con số kha khá nên mặc dù trong mùa dịch Covid-19, nhiều người khó khăn, vẫn vui vẻ chấp nhận giảm lương. Nếu thật sự đúng như vậy, thật ra cũng không có gì phải bàn cãi, bởi công việc của họ, có yếu tố nguy hiểm nhất định. Đặc biệt là chăm sóc các loại thú hung dữ như cọp, sư tử…. Mặc dù chúng bị nhốt trong lồng, phần nào kiềm hãm sự hung dữ, song đó vẫn là bản chất. Khó ai có thể lường trước được hết tất cả các rủi ro.

Một câu hỏi đặt ra, nếu cứ theo đà ‘thiếu tiền’ này, liệu Thảo Cầm Viên sẽ đóng cửa? Nếu đóng cửa, dân Sài Gòn sẽ mất gì?

“Với những con vật nơi đây, nên trả chúng về với tự nhiên, nếu có con vật thì cũng chỉ nên là vật nuôi, đã thuần hóa, được thả tự do trong công viên, được vệ sinh sạch sẽ”. Có thể nói đây là một ý kiến lý thuyết khá quen thuộc đối với các loài thú, về việc con người không nên giam cầm loài thú.

Thế nhưng, liệu điều đó có phù hợp với Việt Nam? Nếu thả những loài thú về với tự nhiên thì sẽ thả ở đâu? Và ai là người có thể đảm bảo chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng săn, bắn trái phép, nhất là đối với các loài thú có nguy cơ tuyệt chủng.

Có thể nói, những con thú ở Sở thú Sài Gòn tuy đang “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”, song với chúng vẫn an toàn hơn khi ra ngoài tự nhiên. Chí ít, chúng cũng sẽ không bị như trường hợp của con voi mẹ bị gài ăn trúng quả thơm có chứa chất nổ như tin tức báo chí đăng tải.

Bên cạnh nuôi những con thú, Thảo Cầm Viên còn là nơi có nhiều cây xanh. Trong thời buổi gọi là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lượng công viên có nhiều cây xanh ở Sài Gòn, có lẽ còn không nhiều.

Nếu đóng cửa với tính cách ‘cáo chung’ Thảo Cầm Viên, rồi đây những cây xanh trong đó sẽ như thế nào? Hàm lượng ô nhiễm không khí ở Sài Gòn sẽ gia tăng? Con người sẽ phải “cháy da” dưới những cái nắng gắt – như ở tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…? Nếu điều đó xảy ra, có lẽ, sẽ có những tuyên bố mấy cây đó đem đi trồng nơi này nơi nọ, nhưng câu hỏi đặt ra: tôi có thể lấy cái gì để tin? Làm sao tôi có thể kiểm tra được có đúng hay không?

Đó là chưa kể, nếu thua lỗ, không cầm cự nổi, tệ hại nhất là dẫn đến đóng cửa, điều đó cũng đồng nghĩa với việc gần 300 nhân viên nơi đây thất nghiệp. Dù có trong dịch Covid-19 hay không, điều đó cũng hoàn toàn là một sức ép cho nhiều người trong việc tìm kiếm công việc mới.

Tôi thì không rõ có đúng như suy đoán của một facebooker về việc “Đây là chiêu dọn đường, chuẩn bị dư luận thuận tiện cho việc dời Thảo Cầm Viên đi nơi khác để chiếm khu đất vàng rất lớn giữa quận 1” hay không? Nhưng thiết nghĩ, đây không chỉ là một trong những nét văn hóa lâu đời của Sài Gòn, mà còn là nơi lưu giữ kỷ niệm của biết bao người, là một trong những mảng xanh của thành phố, là nơi ở của nhiều con thú cũng như là “chén cơm” của nhiều lao động bình dân.

Hồi đó tôi thường được nghe nói: “Phá thì dễ, chứ xây thì khó lắm”. Sài Gòn đã mất đi nhiều công trình mang dấu ấn, hy vọng rằng chính quyền sẽ có phương pháp nào đó giúp đỡ Thảo Cầm Viên vượt qua giai đoạn khó khăn. Bởi lẽ, người dân đã và đang chung tay cứu Sở thú. Không lẽ chính quyền lại làm ngơ, không có một hành động nào trong việc giúp đỡ, dù là nhỏ nhất?

Hiện nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế như: Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA), Liên đoàn Thế giới Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN), Hiệp hội Giáo dục Bảo tồn các Vườn thú trên Thế giới (IZEA)…

Uống nước nhớ nguồn. Nhà thực vật học Jean Baptiste Louis Pierre (1833 – 1905) là người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Là một nhà thực vật học suốt đời tận tụy cho sự nghiệp khoa học, ông đã đưa nhiều cây rừng về trồng kể cả một số loài đại mộc từ các lục địa khác, và cây ăn trái từ những khu vực khác ở Đông Nam Á. Cây được ươm trồng, nhân giống, và từ đó tạo cơ sở cho những giống cây trái ngon nay phổ biến ở Việt Nam.

Trong 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn (1865 – 1877), ông để lại một di sản quý giá là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ tại Bảo tàng thực vật thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, và hàng ngàn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn…

Để tưởng nhớ và ghi công ông, vào tháng 2 năm 1933, Hội đồng khoa học Pháp đã cho xây dựng một cột bia, bằng đá hoa cương đặt phía sau khu vườn kiểng. Trên mặt cột bia, ghi lại câu nói của ông trước khi qua đời: Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật, chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc đời thì quá ngắn ngủi.

Với giá trị lịch sử lể trên, chắc chắn khó vườn bách thảo nào trên đất nước Việt Nam có thể so sánh được. Và điều đó cho thấy thật đau lòng khi báo chí đưa tin những công nhân nơi đây đã phải trích 30% tiền lương ở mùa dịch Covid khốn khó này để ‘góp tiền ăn’ cho các con thú ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Mê Linh 4 years

    Thảo Cầm Viên không chỉ của Sài gòn mà là tài sản của cả nước .Hãy bớt các tượng đài cổng chào ,rút bớt tiền thu hồi tham ô tham nhũng duy trì và phát triển Thảo Cầm Viên Sài Gòn . Có thể thay một Giám đốc khác có đủ nhiệt tình ,nặng lực hơn ông hiện tại vì Thảo Cầm Viên . Nếu “bỏ lụi” Thảo Cầm Viên thì khó mà loại trừ âm mưu cố tình cho “chết ” để biến khu đất vàng này thành Dự án đặc biệt có môi trường cây xanh lâu năm tuyệt vời thành chỗ chỉ những đại gia ,kẻ có quyền lực bước vào. Có những hoạt động đừng lấy thước đo thu chi tiền để giữ lại hay loại bỏ . Tạm thời khi đang có dịch ở đâu chẳng khó khăn ! Yêu cầu dừng ngay các khoản tượng đại ,cổng chào ,tham quan , hội hè vô bổ để nuôi thú và chăm sóc Vườn thực vật di sản quý giá này cho mai sau !