VNTB – Thao túng thị trường là hệ lụy của nền kinh tế định hướng XHCN?

VNTB – Thao túng thị trường là hệ lụy của nền kinh tế định hướng XHCN?

Thạch Hãn

 

(VNTB) – Hàng loạt quan chức cấp cao ở bộ ngành dân sự lẫn quân sự đang xộ khám là một dẫn chứng cho vấn nạn thao túng cả thị trường chính trị.

 

Mặt trái của “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” đã và đang tạo nên những hệ lụy, hậu quả nặng nề cản trở sự phát triển đất nước, là vấn đề được đề cập nhiều trong các văn kiện của Đảng và được dư luận xã hội quan tâm.

Theo nguyên nghĩa, “lợi ích nhóm” là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó.

Xét về mục đích và tính chất, “lợi ích nhóm” có thể phân chia thành hai loại: “Lợi ích nhóm” tích cực và “lợi ích nhóm” tiêu cực.

“Lợi ích nhóm” theo hướng tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhóm người. Trong xã hội tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khác nhau, việc hình thành lợi ích nhóm là một nhu cầu khách quan, tự nhiên, tạo động lực thúc đẩy hoạt động.

“Lợi ích nhóm” tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp, phù hợp, không mâu thuẫn với lợi ích của dân tộc, quốc gia, hướng tới và hài hòa với lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc và quốc gia.

“Lợi ích nhóm” theo hướng tiêu cực là lợi ích cục bộ của những đơn vị, địa phương, của những nhóm người, xung đột, mâu thuẫn và gây thiệt hại lợi ích chung của nhân dân, của xã hội và quốc gia, dân tộc, cản trở quá trình phát triển kinh tế, xã hội, làm suy giảm hiệu quả quản lý nhà nước…

“Lợi ích nhóm” theo hướng tiêu cực dễ xảy ra hơn khi đảng phái chính trị đang cầm quyền thiếu hẳn động lực trong cạnh tranh về quyền lực quản trị quốc gia. Ví dụ như trong nền kinh tế thị trường, cho đến nay có mỗi Việt Nam là thêm yêu cầu chính trị vào đó, với tên gọi đầy đủ trong các văn kiện Đảng: nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.

Định hướng này được một nhóm lợi ích đặt ra, và lằn ranh tích cực hay tiêu cực công tâm mà nói là khó thể phán xét về lý thuyết kinh tế học phổ quát chung ở toàn cầu không có nghiên cứu nào liên quan cho cái gọi là “nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Có thể dẫn chứng từ vấn đề thời sự trên diễn đàn Quốc hội: thao túng thị trường chứng khoán.

Thao túng trên thị trường chứng khoán được mô tả là việc sử dụng gian lận nhằm tạo cung cầu giả tạo ảnh hưởng đến giá chứng khoán để đánh lừa các nhà đầu tư.

Thao túng thị trường là một hình thức lạm dụng thị trường, chẳng hạn như lan truyền thông tin sai lệch thị trường, nhập lệnh mua và bán cho cùng một mã chứng khoán ở cùng một mức giá, che giấu tỷ lệ sở hữu khi luật pháp yêu cầu báo cáo.

Thao túng thị trường gây bất lợi cho các bên tham gia và cả tổng thể thị trường do ảnh hưởng trực tiếp đến hình thành giá khiến khó phân tích và phát hiện các khoản đầu tư tốt nhất, khiến doanh nghiệp khó có thể quy tụ được vốn, trì hoãn các dự án hay hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, cuối cùng làm giảm công ăn việc làm và làm chậm hoạt động của nền kinh tế.

Thao túng thị trường là bất kỳ sự can thiệp nào trong cơ chế thị trường ngăn cản việc xác định giá hợp lý, cũng như bất kỳ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu giả tạo.

Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) đã xác định các thao túng thị trường như sau: hành vi cố ý và được lập sẵn để kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến thị trường bảo mật đặc biệt của các nhà đầu tư.

Thao túng thị trường thường đề cập đến các hoạt động có thể gây trở ngại cho cung – cầu cổ phiếu. Các nhà hoạt động mô phỏng và tạo ra giá giả cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, cuối cùng dẫn đến lừa dối người tham gia thị trường.

Các nghiên cứu đều cho rằng có ba loại thao túng, cụ thể: Đầu tiên là hành vi cố gắng thay đổi giá của cổ phiếu bằng cách thực hiện tác động giá thực tế nhằm thay đổi dòng tiền tương lai, ví dụ như bán một chi nhánh của doanh nghiệp mà không thông báo cho các cổ đông.

Để ngăn chặn loại hành vi này, các cơ quan quản lý thường đưa ra quy định giám đốc và người nội bộ bị cấm thực hiện các giao dịch sử dụng thông tin chưa được công bố công khai trên thị trường. Quy định thời gian nắm giữ cổ phiếu của các đối tượng này trong một thời gian nhất định kể từ ngày cổ phiếu giao dịch.

Thứ hai, thao túng dựa trên thông tin để thay đổi giá thông qua việc đưa ra các tin đồn hoặc thông tin sai lệch. Để hạn chế vấn đề này, cơ quan quản lý thường quy định tổ chức phát hành phải thường xuyên công bố thông tin ra công chúng theo nội dung luật định.

Thứ ba, thao túng dựa trên các giao dịch, xảy ra khi nhà đầu tư cố gắng thao túng giá bằng cách đơn giản mua và bán cổ phiếu, mà không thực hiện bất kỳ hành động công bố công khai nào về việc thực hiện giao dịch. Loại này khá khó để có thể ngăn chặn bởi các thao tác dựa trên hành động chủ yếu liên quan đến các hành động diễn ra bên ngoài thị trường, để xác định hành vi cấu thành thao túng là rất khó.

Ở Việt Nam, khi với một nền kinh tế mà số liệu được định hướng xấu – đẹp tùy vào thời gian nhiệm kỳ mà người đứng đầu Đảng quyết định, thì chuyện thao túng từ quyền lực nhóm là dễ hiểu, nhất là có thể vịn vào yêu cầu của “định hướng xã hội chủ nghĩa” để chính trị hóa quyết định nào đó có lợi ích cho nhóm quyền lực nào đó của Đảng.

Hàng loạt quan chức cấp cao ở bộ ngành dân sự lẫn quân sự đang xộ khám là một dẫn chứng cho vấn nạn thao túng cả thị trường chính trị, chứ đừng nói chi mỗi chuyện chứng khoán.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)