Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thật đáng lo cho sức khoẻ tổng bí thư

Mai Lan

(VNTB) –  Xuất hiện tại Quốc hội sáng 15-1-2024, dường như Tổng bí thư đã không còn hoạt bát như trước.

Báo chí tập trung đưa hình ảnh về sự hiện diện của Tổng bí thư như minh chứng cho câu bỡn cợt cửa miệng “Tau khỏe mà có chi mô” hồi nào của ông Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015).

Đồng ý là thông tin về sức khỏe lãnh đạo là bí mật, thế nhưng người dân được quyền phải biết rõ là thời điểm hiện tại, sức khỏe của Tổng bí thư có đủ kham nỗi việc quản trị quốc gia. Bởi đây còn là vấn đề nhân quyền, là quyền được nghỉ ngơi theo pháp luật dân sự. Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ rất dễ vấp tai tiếng về ‘tham quyền cố vị’ nếu như với tình trạng sức khỏe đã không còn minh mẫn của tuổi tác, song vẫn cố bám chức quyền; đặc biệt là về nguyên tắc thì ông đã vi phạm quy định của Điều lệ Đảng trong việc ‘ba nhiệm kỳ’ liên tiếp giữ ghế Tổng bí thư.

Về quy định pháp luật, theo Điều 1 Quyết định 1295/QĐ-TTg năm 2020 ban hành Danh mục Nhà nước lĩnh vực y tế, Bí mật nhà nước độ Tối mật gồm: (1). Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. (2). Tên, nguồn gốc, độc lực, khả năng lây lan, đường lây của vi sinh vật mới phát hiện chưa xác định được có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội.

Như vậy về công khai, người dân không đòi hỏi về tìm hiểu “hồ sợ bệnh án”, mà ngay lúc này với quá nhiều đồn đoán, người dân cần một cam kết trên căn cứ pháp lý về việc bảo đảm yếu tố sức khỏe lãnh đạo của Tổng bí thư theo nội dung của Quy định số 90-QĐ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 04-8-2017.

Theo Quy định số 90-QĐ/TW thì Tổng bí thư cần có đầy đủ sức khỏe – đặc biệt là sức khỏe tâm thần với yêu cầu sự minh mẫn để “nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc” – trích điều 2.3.

Trong một trao đổi mang tính chuyên môn về chủ đề “các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi”, bác sĩ thần kinh học L.Q.N., cho biết theo một ghi nhận của bệnh viện Bạch Mai, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, kéo theo những chuyển dịch về gánh nặng bệnh tật. Sa sút trí tuệ là một trong những bệnh điển hình nhất mà người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc phải.

“Số liệu thống kê dịch tễ học của y văn thế giới cho thấy tỷ lệ sa sút trí tuệ khoảng 1% của quần thể người từ 60 tuổi đến 64 tuổi và bằng 30-50% trong quần thể người trên 85 tuổi.

Trong sức khỏe tâm thần lão khoa, sự đa nghi, suy nghĩ nhiều là nguyên nhân của sự lo lắng và tính nóng nảy. Người già rất mẫn cảm với tất cả mọi thứ như một sự khủng hoảng tâm lý khiến sức khỏe suy giảm. Điều này đặc biệt cần quan tâm với ông Nguyễn Phú Trọng, khi ông luôn ở tâm lý nhìn đâu cũng thấy thù địch. Đặc biệt là thời gian rất dài ông đã cố gắng tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng nào của hy vọng.

Tất cả dồn nén cùng áp lực của thời gian còn lại ở nhiệm kỳ thứ ba, nên bước vào tuổi 80, tôi nghĩ cái đối mặt lớn nhất lúc này mà ông Nguyễn Phú Trọng nên chấp nhận mà không tránh né, đó là độ mẫn tiệp chắc chắn rất khó dù dân gian ví von ‘gừng càng già càng cay’.

Chuyển giao quyền lực trong êm đẹp, có lẽ đó là điều mong mỏi lúc này nhìn từ giác độ y khoa cho vấn đề sống khỏe hơn ở phần đời còn lại của một cụ ông đã bước vào ngưỡng 80” – bác sĩ L.Q.N., chia sẻ cảm xúc cá nhân như vậy trong tư cách thân hữu trang Việt Nam Thời Báo.


Tin bài liên quan:

RFA – Thượng bất chính, hạ tắc loạn

Phan Thanh Hung

VNTB – Toàn dân sử dụng smartphone: sức khỏe tâm thần sẽ như thế nào?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tượng đài Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.