VNTB – Thất nghiệp và tinh giản biên chế

VNTB – Thất nghiệp và tinh giản biên chế

Thới Bình

 

(VNTB) – Thất nghiệp là chuyện của nền kinh tế thị trường, có lên thì ắt có xuống. Còn tinh giản biên chế thì đó là câu chuyện của khi đảng thích thì…

 

Đảng ở đây là Đảng cộng sản Việt Nam.

Nghị quyết – Nghị quyết – Kết luận

Năm 2015, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” yêu cầu sau sáu năm, đến năm 2021, biên chế của bộ, ban ngành bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải giảm 10%. Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng phải tự bố trí nguồn thu ngoài ngân sách của mình để trả cho ít nhất 10% số lượng viên chức trong tổ chức của mình. (*)

Đến năm 2017, Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục yêu cầu mạnh mẽ hơn, nhưng hướng đến các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu. Theo đó, nghị quyết đặt ra một lộ trình nghiêm khắc: đến năm 2021, cả nước phải giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập và giảm tối thiểu 10% số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đến năm 2025, những con số này phải giảm 10% so với năm 2021 và đến năm 2030, phải giảm tiếp số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025. (**)

Vào tháng bảy vừa qua, trong Kết luận 40-KL/TW, việc giảm biên chế lại được nhắc đến với yêu cầu không phân biệt trung ương hay địa phương, không phân biệt tổ chức nhà nước hay sự nghiệp công lập, không phân biệt công chức hay viên chức mà là của toàn hệ thống chính trị.

Theo văn kiện mới nhất đó của đảng do Thường trực Ban Bí thư ký ban hành, thì chuyện tinh giản biên chế được Đảng giới hạn như sau:

“Trước mắt giữ ổn định số lượng biên chế công đoàn địa phương đã giao vượt so với biên chế được giao. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp uỷ, tổ chức đảng liên quan tiến hành kiểm tra, tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình quản lý và giao biên chế công đoàn làm cơ sở tham mưu, hướng dẫn việc giao biên chế đối với cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện.

Sau khi có hướng dẫn giao biên chế đối với cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện thì ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ thực hiện giao biên chế công đoàn theo quy định trong tổng số biên chế được giao.

Biên chế được giao giai đoạn 2022 – 2026 không bao gồm lao động hợp đồng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Bộ Chính trị uỷ quyền cho Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định sử dụng biên chế dự phòng khi cần thiết (biên chế dự phòng khoảng 0,5% tổng biên chế). Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước quản lý biên chế các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền” (***).

Chính sách – Cơ cấu – Chỉnh đốn Đảng

Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị “về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026” là văn bản nằm trong lĩnh vực được gọi là “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” là văn bản được đảng quy định là nằm trong lĩnh vực “Cơ cấu – Tổ chức” với người ký ban hành là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, là văn bản nằm trong lĩnh vực “Chính sách”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Từ ba văn bản có cùng nội dung nhưng thuộc ba lĩnh vực khác nhau theo cách nhìn của Đảng cho thấy cái gọi là tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tức năng lực kém để rồi hiện tại người đứng đầu Đảng đang kêu gọi những trường hợp là cán bộ cấp cao nên tự nguyện từ chức, vẫn là loay hoay theo định hướng từng giai đoạn khác nhau về thời thế trong chính bộ máy Đảng.

Tạm gác qua yếu tố cạnh tranh giữa những đảng chính trị ở quốc hội, có thể thấy rằng các quốc gia phương Tây trong hàng thập kỷ qua đã xây dựng một nền công vụ, mà tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên năng lực (merit-based), nên họ không phải giải quyết vấn đề năng lực kém của cán bộ.

Còn ở Việt Nam thì “bổ nhiệm” căn cứ vào “cơ cấu nhân sự” do Đảng sắp xếp trước với những quy định thuần chính trị như để là bộ trưởng thì người đó phải trải qua thời gian nhất định nào đó ở ghế phó bí thư tỉnh, phó chủ tịch hay chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh thì mới “đủ chuẩn chính trị” để “hoàn tất thủ tục” cho việc ngồi vào ghế bộ trưởng.

Như vậy ở cả ba văn bản gọi là “tinh giản biên chế”, cho thấy để Việt Nam giải quyết được vấn đề năng lực cán bộ, thì việc phân loại, đánh giá và sắp xếp mới chỉ là bước đầu. Việt Nam vẫn cần phải xây dựng một nền tuyển dụng dựa hoàn toàn trên năng lực, không phân biệt lý lịch chính trị, tôn giáo.

 

Chú thích:

(*) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-39-nqtw-ngay-1742015-cua-bo-chinh-tri-ve-tinh-gian-bien-che-va-co-cau-lai-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-173

(**) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-19-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-tiep-tuc-doi-moi-he-3635

(***) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-40-kltw-ngay-1872022-cua-bo-chinh-tri-ve-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-bien-che-cua-he-thong-chinh-8690


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)