Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thấy gì ở ổ dịch Hải Dương?

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương, đây là ổ dịch có tính chất phức tạp.

 

Hiện Hải Dương có 5 ổ dịch lớn gồm: TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương.

Trong thời gian diễn ra đại hội Đảng thứ 13, Việt Nam xuất hiện một vài ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tưởng rằng sẽ dừng lại ở một vài ca, nhưng không, vì là chủng mới biến thể ở Anh, tốc độ lây lan nhanh, liên tục trong những ngày kế tiếp có những ca nhiễm trong cộng đồng.

Càng gần Tết Tân Sửu, tin tức về những ca nhiễm cộng đồng càng làm cho nhiều người phải lo lắng. Lo hơn nữa, các ca nhiễm tiến dần vào Nam. Từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương rồi Hà Nội, Gia Lai, sau đó là Bình Dương, TP.HCM.

Người dân lo lắng không biết sẽ như thế nào khi cái Tết đang cận kề. Đó không chỉ đơn thuần là việc đi lại, ở lại nơi mình đang tạm trú ăn Tết hay về quê mà còn là suy nghĩ, tính toán xem khi mình trở lại Bình Dương hay TP.HCM liệu chăng sẽ bị cách ly hay không? Cũng chính vì lẽ đó, nhiều người đã chấp nhận ở lại thành phố, không chỉ vì bản thân mà còn là vì bà con, hàng xóm, láng giềng ở quê.

Là một trong những tỉnh, thành có số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thuộc loại cao nhất nhì Việt Nam, không mang yếu tố kỳ thị hay phân biệt, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân địa phương, hai thành phố lớn của đất nước quyết định xét nghiệm toàn bộ người về từ Hải Dương từ ngày 2-2 đến 16-2 (Hà Nội); người từng đến Hải Dương từ ngày 3-2 sẽ được cách ly tập trung (TP.HCM)

Trong một bài viết của giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nói về tình hình dịch bệnh Covid19, “Với dân số 1,9 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Hải Dương là 19 người đang được điều trị ở các bệnh viện. Ngày 27-1-2021 xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được phát hiện, thì chỉ sau 1 ngày đã có thêm 72 ca lây nhiễm cộng đồng, tổng cộng có 77 người nhiễm phải được điều trị, lớn gấp 4 lần ngưỡng an toàn dịch. Tức là Hải Dương là tỉnh có dịch Covid-19”.

Một diễn biến khác, trong bài viết của báo Nhân dân: “Trước ngày 9-2, thành phố chỉ có bốn ca mắc bệnh, tuy nhiên, trong một tuần qua đã có thêm 19 ca nhiễm SARS-CoV-2 (trong đó có tám ca mắc cộng đồng).

TP Hải Dương đã xuất hiện nhiều ổ dịch mang tính chất phức tạp, thành phố đã thiết lập 11 vùng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”.

Với một loạt những dẫn chứng nói trên cộng với tình hình thực tế về những ca nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Hải Dương, nói theo kiểu của giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, tính đến ngày 18-2-2021, không hiểu sao vẫn chưa thấy thông tin công bố tỉnh Hải Dương là tỉnh có dịch?

Điều này rất dễ dẫn đến sự chủ quan của một bộ phận người dân trong việc phòng chống dịch. Đó là chưa kể đến việc, theo báo Hải Dương online, dẫn lại nguồn từ Vietnamnet, bí thư Thành ủy Hải Dương cho rằng: “Ngành y tế đã quá lo lắng, cho đây là yếu tố tạo ra chùm ca nhiễm đầu tiên, đưa TP Hải Dương vào nguy cơ báo động. Họ cảnh báo chùm lây nhiễm này sẽ khiến thành phố thành ổ dịch phức tạp hơn ở huyện Cẩm Giàng. Bộ Y tế đã đề xuất phương án phong toả thành phố ngay trong thời gian toàn tỉnh đang cách ly xã hội…”.

Người Việt Nam hay nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Với tính kỹ lưỡng truyền từ bao đời nay, người Việt thường cẩn thận trong mọi việc, huống chi đây lại là vấn đề về dịch bệnh. Cho nên, việc ngành y tế đã thận trọng trong việc đề xuất phương án phong tỏa thành phố, thiết nghĩ, cũng là vì cái lợi ích chung, không chỉ cho người dân thành phố Hải Dương mà còn cho tỉnh Hải Dương cũng như những tỉnh thành khác.

Mặc dù có thể đúng là đã tìm ra nguồn lây Covid-19 của chùm ca bệnh song có lẽ cũng không nên có thái độ chủ quan trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trước những ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn đó trong tỉnh Hải Dương.

Biết rằng việc phong tỏa thành phố như vậy sẽ gây ra nhiều vấn đề; ảnh hưởng đến đi lại, kinh tế, song nếu không dập dịch nhanh chóng, kéo dằng dai sẽ còn ảnh hưởng hơn rất nhiều. Có sức khỏe sẽ có thể làm lại, chẳng lẽ là một Bí thư Thành ủy lại không hiểu vấn đề này?

Thực tế cho thấy, nhiều nơi, nhiều khu vực ở các tỉnh thành cũng từng bị phong tỏa. Người dân cũng khó khăn trong vấn đề đi lại, ăn uống, sinh hoạt, công việc; họ vẫn chấp nhận, vì an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Việt Nam đã trải qua nhiều đợt lây nhiễm trong cộng đồng. Từ ca số 17 cho đến ca số 34, rồi ở Đà Nẵng, TPHCM, Bộ y tế đã có những quyết sách hiệu quả cùng với sự chung tay từ chính quyền địa phương.

Bộ y tế mà nói một đằng, chính quyền lại muốn đi một nẻo, e rằng sẽ khó hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tập Cận Bình thiệt xứng danh ‘lãnh đạo nhân dân’

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Ngài Tổng bí thư mắc vạ miệng

Phan Thanh Hung

VNTB – Búa dí đầu, Liềm kề cổ – Đảng Cộng sản Việt Nam yếu hơn người ta tưởng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.