Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thế giới nên học Việt Nam chống dịch?!

Kỳ Anh 

(VNTB) – Có lẽ nếu mang mô hình chống dịch từ Việt Nam để áp dụng cho các quốc gia phương tây thì có lẽ sẽ chỉ mang tới xung đột lớn vì những gì được áp dụng ở Việt Nam sẽ được coi là vi phạm nhân quyền ở các nước phương tây.

Một số các quốc gia châu Âu đã lại phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm khắc hơn trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh trở lại sau một thời gian mở cửa tự do cho du khách đi du lịch lại vào mùa hè rồi.

Nhiều thành phố sau hai tháng du lịch cao điểm cũng là hai tháng nóng nắng nhiều nhất trong năm – tháng Bảy và tháng Tám – đã lại phải buộc đóng cửa hoặc thắt chặt lại các biện pháp phòng dịch. Các thành phố từng tưởng như được hồi sinh lại phần nào trong hai tháng mùa hè giờ lại trở nên đìu hiu. Nỗi đau kinh tế lại càng ngấm sâu hơn bên cạnh cơn khủng hoảng sức khoẻ chưa bao giờ được hồi phục.

Chính phủ các quốc gia châu Âu vẫn đau đầu với những người biểu tình bất chấp dịch bệnh. Người dân các nước dân chủ, ngoài các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ủng hộ phòng trào Black Lives Mater, thì dân chúng lại đi biểu tình vì hai lẽ trái ngược nhau: hoặc vì chính phủ quá nghiêm ngặt với các quy định phòng chống dịch, hoặc vì chính phủ còn chưa đủ mạnh tay với các biện pháp phòng dịch.

Trong khi đó Việt Nam lại làm được “điều kỳ diệu” khi lại chiến thắng được đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai ở Đà Nẵng với chưa tới 1000 ca bệnh lây nhiễm cộng đồng và dưới 30 ca tử vong.

Báo chí phương tây còn nói rằng nếu Mỹ áp dụng phương pháp phòng chống dịch như Việt Nam thì có lẽ số người chết sẽ dưới 100 vì cách làm ít tốn kém nhưng lại có hiệu quả cao.(1)

Nhưng có lẽ nếu mang mô hình chống dịch từ Việt Nam để áp dụng cho các quốc gia phương tây thì có lẽ sẽ chỉ mang tới xung đột lớn vì những gì được áp dụng ở Việt Nam sẽ được coi là vi phạm nhân quyền.

Quyền riêng tư – đi lại bị xâm phạm

Từ khi dịch bệnh bùng phát, quyền riêng tư của những người bệnh bị vi phạm nghiêm trọng.

Danh tính bệnh nhân được công khai trên báo chí cho tới khi bệnh nhân 21 xuất hiện. Sau đó, báo chí chỉ còn sử dụng chữ viết tắt hoặc số hiệu bệnh nhân. Tuy nhiên trong những thông báo, công văn, tên người bệnh vẫn được thể hiện.

Tất cả những ai dương tính với Covid-19 đều được cả khu phố họ đang sinh sống biết đến theo cách này hay cách khác khi đột nhiên cả khu phố bị cách ly với các nhân viên công lực dựng rào chắn cấm người qua lại mà không cần phải giải thích.

Bên cạnh đó là hàng chục ngàn người bị buộc đi vào trại cách ly y tế hoặc tự cách ly ở nhà.

Quyền riêng tư của người bệnh lại một lần nữa bị bỏ qua khi có các trường hợp tử vong vì Covid-19. Báo chí và cơ quan y tế đã khai thác tối đa tiểu sử bệnh lý và công bố công khai trên báo chí. Các cơ quan y tế đã sử dụng các “bệnh nền” để làm nhẹ tối đa nguyên nhân tử vong vì Covid-19.

Nếu những việc xâm phạm quyền riêng tư như vậy xảy ra ở các quốc gia phương tây thì có lẽ các đơn kiện chính quyền và cơ sở y tế sẽ không thể nào đếm hết được. Khi đó, chính phủ có khi phải đối diện với các cuộc biểu tình lớn phản đối các biện pháp phòng chống dịch chỉ có thể áp dụng được ở các quốc gia độc tài.

Cái giá nhân quyền

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra ở Việt Nam, 619 người đã bị phạt đến cả hơn 20 triệu đồng, triệu tập, thẩm vấn thậm chí bắt giam đến 9 tháng vì các bài viết trên mạng xã hội liên quan đến dịch bệnh.

Cách tiếp cận cứng rắn của Việt Nam đã khiến người dân phải trả một cái giá khác về nhân quyền.

Các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động liên tục bị bắt đồng thời các tổ chức phi chính phủ và nhân quyền trên thế giới đã yêu cầu chính phủ Việt Nam thả những tù nhân lương tâm vì lý do nhân đạo. Nhưng những yêu cầu này không được đáp ứng.

Trong cả hai đợt dịch bùng phát vào tháng 4 và tháng 9, gia đình và người thân của tất cả tù nhân đều không được thăm gặp hay gởi tiếp tế thức ăn, thuốc men mà có thể được xem như là một “chiến thuật y tế công độc tài”.

Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 1 năm 2021, chính quyền Việt Nam đã thắt chặt các chính sách đàn áp đối với giới bất đồng chính kiến ​​và truyền thông tự do”, Giám đốc điều hành Diễn đàn Nhân quyền và Phát triển Châu Á, Shamini Darshni Kaliemuthu cho biết. (2)

Le lói hi vọng hồi phục kinh tế

Đỉnh dịch đã đi qua, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hơn bao giờ hết mong hồi phục lại được nền kinh tế để có thể đạt được phần nào mục tiêu tăng trưởng dù đã phải giảm mục tiêu đã đặt ra.

Theo Ngân hàng Phát triển Á Châu con số tăng trưởng Việt nam chỉ có thể đạt ở mức 1,8% so với con số mục tiêu 2,5% do chính phủ Việt Nam. Dù ở mức nào thì nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức tăng trưởng dương trong khi hầu hết các quốc gia khác trên thế giới không đạt được mức tăng trưởng hoặc tăn trưởng âm và rơi vào suy thoái. (3)

Dù EVFTA đã có hiệu lực vào đầu tháng 8, và một số mặt hàng nông sản đã được xuất đi dưới hiệp định này nhưng ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày da, may mặc còn lâu mới có thể hồi phục khi châu Âu lại rơi vào đợt bùng phát dịch thứ hai và dịch bệnh ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chính phủ vẫn nôn nóng mở cửa lại nền kinh tế, mong muốn nối lại các đường bay quốc tế tới các thị trường nhiều khách du lịch tiềm năng đến Việt Nam như Tokyo, Seoul, Đài Bắc, và Quảng Châu.

Đây sẽ là con dao hai lưỡi khi làn sóng du lịch tràn vào Việt Nam lại có thể kéo theo nguy cơ lây nhiễm tăng cao trở lại trong khi mong muốn vực lại du lịch trong nước.

_____________

Ghi chú: 

(1) https://baoquocte.vn/giao-su-dai-hoc-massachusetts-neu-my-xu-ly-covid-19-nhu-cach-cua-viet-nam-thi-so-nguoi-chet-se-khong-len-den-100-122192.html

(2)https://www.abc.net.au/news/2020-09-23/how-did-vietnam-get-on-top-of-coronavirus-yet-again/12683008

(3) https://www.adb.org/countries/viet-nam/economy

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam thoả thuận đình chiến với COVID -19

Phan Thanh Hung

VNTB – Thượng Nghị sỹ Mỹ yêu cầu giám đốc WHO từ chức

Phan Thanh Hung

VNTB – Từ trì hoãn đến tuyệt vọng: chuyện bài trung và vắc xin COVID-19 ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.