Đông Đô
(VNTB) – Ít nhất hai thế lực được gọi là thù địch với Đảng và Nhà nước: một số chức sắc tôn giáo; và một số đảng viên quyền thế.
Vụ án Đồng Tâm được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí dẫn chứng trong báo cáo như trường hợp “điển hình” cho việc các thế lực thù địch kích động biểu tình, chống phá Đảng, Nhà nước.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2020 gửi tới Quốc hội.
Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh, trong đó, nổi lên là các thế lực thù địch và tổ chức phản động tiếp tục lôi kéo những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, lợi dụng triệt để sơ hở, thiếu sót của cơ quan Nhà nước để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; kích động biểu tình, chống đối, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.
Báo cáo dẫn chứng việc một số chức sắc tôn giáo lợi dụng việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa xả thải gây ô nhiễm ven biển một số tỉnh miền Trung đã kích động, xúi giục giáo dân biểu tình, chống đối, bắt giữ người trái pháp luật…
Báo cáo cũng nêu rõ, “điển hình là vụ giết người, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội” (*).
Như vậy, theo như những gì mà báo chí lược thuật tóm tắt báo cáo của ông Lê Minh Trí, có thể thấy ít nhất hai thế lực được gọi là thù địch với Đảng và Nhà nước: thứ nhất, một số chức sắc tôn giáo; thứ hai, một số đảng viên quyền thế.
Ông Lê Minh Trí bắt đầu sự nghiệp trong ngành công an. Ông là thư ký của Võ Viết Thanh (Bảy Thanh, là tướng công an) khi ông Thanh làm Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.
Trở lại với vụ án Đồng Tâm. Báo cáo của ông Lê Minh Trí được báo chí thuật lại, có câu “điển hình là vụ giết người, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội”. Câu này muốn diễn giải hai vụ việc với hai thời điểm khác nhau, cùng ‘động cơ gây án’ cũng khác nhau.
Tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm, được biết đến trên các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2017, là vụ việc tranh chấp đất đai giữa một số người dân và chính quyền Hà Nội. Vụ việc gồm 2 sự kiện là “bắt giữ con tin” chiến sĩ công an vào năm 2017, và “trấn áp bạo lực” năm 2020.
Thảo luận giữa người dân và chính quyền tiếp tục duy trì từ 2017 đến 2019, nhưng không có kết quả. Vào lúc 3 giờ rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, phía chính quyền sử dụng vũ khí và lực lượng công an vũ trang tấn công vào gia đình ông Lê Đình Kình đưa đến 4 cái chết, gồm 3 công an và một người dân là ông lão có 57 năm tuổi đảng.
Đúng như báo cáo đầy ẩn tình của ông Lê Minh Trí, trong vụ án Đồng Tâm có khởi thủy là “người dân đã bắt giữ người trái pháp luật”, để vài năm sau đó gần như là cuộc trả đũa bằng vụ “giết người” đến từ họng súng của công an vũ trang Hà Nội.
Củng cố cho góc nhìn trên đó là vào ngày 3 tháng 3 năm 2020, bà Dư Thị Thành chính thức làm đơn tố giác tội phạm gởi tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi giết chồng của bà là ông Lê Đình Kình, theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong đơn, bà tả chi tiết những vết tích trên thân thể của ông Lê Đình Kình khi gia đình nhận xác về, như: “Đầu bị bắn một viên đạn, ngực bị bắn một viên đạn, đầu gối bị bắn rất nhiều viên đạn khiến chân như gần đứt lìa, bụng và ngực ông bị mổ toang như để khám nghiệm dù không ai trong gia đình tôi được chứng kiến việc đó…”. Bà cũng trình bày rõ mọi việc diễn ra từ lúc 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1 như thế nào ngay tại nhà bà.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: “… sự cục cằn, thô bạo của những người nông dân này chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Đằng sau lớp vỏ đó là những tâm hồn rất dễ bị tổn thương, là những nỗi niềm chất chứa không có cách gì giãi bày cho hết. Đó là những con người vừa mới quát tháo, nhưng lập tức nghẹn ngào trình bày những oan ức của mình khi được lắng nghe… Hiện nay, cả chính quyền và cả những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức đều cần một lối thoát. Lối thoát đó chính là đối thoại”.
Thế nhưng kết cuộc thì phía chính quyền đã sử dụng sức mạnh của lực lượng vũ trang súng ống thay cho đối thoại, và chính điều đó đã tạo nên những thù địch mà nói như nhận định của luật sư Lê Đức Tiết – Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Pháp luật, Dân chủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
“Trong việc xử lý, giải quyết khiếu kiện liên quan đến đất đai, cơ quan chức năng không điều hòa được 3 lợi ích: quốc gia, tập thể và cá nhân.
Thực tế cho thấy nhiều sự việc nóng liên quan đến đất đai xảy ra do cơ quan chức năng phủ nhận một trong 3 lợi ích trên. Hiện nay, việc quản lý của luật pháp đất đai có 3 cách: quản lý bằng luật hành chính, dân sự và hình sự.
Tuy nhiên, nhiều việc đáng lý chỉ dùng biện pháp hành chính thì chính quyền lại dùng luật pháp hình sự và ngược lại. Điều này gây bức xúc dư luận. Không phải riêng sự việc ở Đồng Tâm mà nhiều vụ khác đó đã chứng minh điều này. Nếu chúng ta không giải quyết những nguyên nhân trên thì thời gian tới sẽ còn nhiều vụ Đồng Tâm xảy ra”.
… Ở đoạn cuối câu chuyện tình Trọng Thủy – Mỵ Châu, sử xưa chép rằng, khi quân giặc đã đến sát chân thành, An Dương Vương mới sai đem nỏ thần ra bắn thì thấy không hiệu nghiệm nữa.
Thành vỡ, quân tan, lửa cháy ngút ngàn… nên An Dương Vương vội vã đưa con gái là Mỵ Châu cưỡi ngựa chạy trốn cùng với mình. Ngồi sau lưng cha, Mỵ Châu bứt lông ngỗng ở áo rắc làm dấu trên đường.
Khi chạy đến núi Dạ Sơn gần biển thì quân giặc đã đuổi gần đến. Không còn lối thoát, An Dương Vương hướng ra biển khấn thần Kim Quy giúp cho mình. Vua vừa khấn xong thì Thần Kim Quy hiện lên, bảo An Dương Vương rằng “Giặc ở đằng sau lưng nhà vua đấy!”. An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mỵ Châu, rồi nhẩy xuống biển. Rùa Thần rẽ nước đưa nhà vua đi…
Thông điệp từ bài học lịch sử quá rõ ràng: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.
Cựu Thường trực Ban Bí thư, ông Trần Quốc Vượng đã nhìn nhận như trên trong phát biểu ở Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
______________
Chú thích: