Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thế nào là hiểu đúng về vụ chính quyền sách nhiễu nhà thờ ở Kontum?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Tổ chức sinh hoạt tôn giáo mà không có sự đồng ý của chính quyền là vi phạm pháp luật

 

“Việc đoàn công tác đến kiểm tra khi việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật là việc làm đúng. Tuy nhiên, trong xử lý, một số thành viên đã có những hành động bột phát, phản cảm, nhất là trong nhìn nhận của cộng đồng Công giáo là việc mà các cơ quan chức năng tỉnh, huyện đã thường xuyên quán triệt phải lưu tâm” – trích nội dung tại cuộc họp chiều ngày 24/3, UBND huyện Ngọc Hồi đã đánh giá vụ việc, và sẽ nhanh chóng xem xét có hình thức kỷ luật thích đáng theo quy định của pháp luật đối với cán bộ đoàn công tác vi phạm.

Theo ghi nhận về giải trình tại cuộc họp chiều ngày 24/3 của UBND huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, để chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ Phục sinh, ngày 22/3, tại nhà ông Vũ Văn Huân, Linh mục Lê Tiên – Chánh xứ Nhà thờ Đăk Giấc đã đến chủ trì làm “lễ mùa chay” cho khoảng 30 giáo dân.

Sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, khoảng 17g00 ngày 22/3, UBND xã Đăk Nông đã cử đoàn công tác đến làm việc tại địa điểm tổ chức sinh hoạt tôn giáo chưa được cấp phép này; thời điểm đó, Linh mục Lê Tiên đang chủ trì lễ cho bà con giáo dân. Đoàn công tác đã đề nghị Linh mục Lê Tiên chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, dừng việc sinh hoạt tôn giáo vì đây là sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật. (dừng trích)

Trong khi đó thì theo clip đang lan truyền trên mạng xã hội, có đoạn như sau:

“Mời ông này về xã làm việc”, một người mặc thường phục lớn tiếng chỉ đạo các công an, dân phòng. “Tôi, Thạch, Phó chủ tịch xã nè, chịu trách nhiệm buổi làm việc hôm nay nè. Tôi tôn trọng mời ông xuống xã làm việc nè”, người đàn ông này tự xưng.

“Ông này ở đâu ra? Tôi hỏi ông này ở đâu?”, “Giấy phép đâu?”…, người đàn ông tự xưng tên Thạch tiếp tục quát vào linh mục dâng lễ và các giáo dân.

Trong khi đó, vị linh mục được cho biết là Linh mục Lê Tiên nhỏ nhẹ yêu cầu “các anh muốn làm gì thì đợi sau thánh lễ”, và “các anh cứ lập biên bản đi rồi chúng tôi ký”, nhưng một phụ nữ đã sỗ sàng xông lên bàn thờ, đóng sập cuốn sách lễ linh mục đang đọc và đem đi, trong khi một người đàn ông khác trong nhóm cán bộ đi ra phía cột cắm điện rút các dây điện ra.

Các đoạn video còn cho thấy bất chấp lời yêu cầu ôn tồn của linh mục, người đàn ông tên Thạch tiếp tục tỏ thái độ hung hăng và quát “Kệ ông, tui đang làm việc…”, và la lối chỉ đạo cán bộ “đưa ông này về xã làm việc”, không quên khẳng định nhiều lần rằng tôi “mời lịch sự”.

Giáo phận Kontum cũng là nơi đã xảy ra vụ sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh vào đầu năm 2022 gây chấn động dư luận.

Cùng với các khu vực như Nghệ An, Phú Yên, Đắk Lắk…, Kontum được xem là “điểm nóng” liên tục xảy ra những vụ trấn áp tôn giáo, không chỉ riêng Công giáo, mà còn đối với các nhóm tôn giáo Tin Lành, Phật giáo… do các hoạt động về tôn giáo, truyền giáo phát triển khá mạnh.

Khoảng 10g30 ngày Chủ nhật 26/3, trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Kon Tum có bài viết “Cần hiểu đúng về vụ việc xảy ra tại xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi)”. Theo đó ở phần mở đầu được viết đầy hăm dọa:

“Việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật, lan tỏa thông tin với nhiều nội dung sai sự thật bản chất vụ việc trên một số trang mạng xã hội nhằm kích động, gây phản ứng gay gắt trong dư luận tín đồ Thiên chúa giáo nói riêng và quần chúng nhân dân nói chung cũng cần được lên án”.

Phía Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum cho rằng thời gian qua, vào các ngày thứ tư hàng tuần, tại nhà ông Vũ Văn Huân (trú tại thôn Dục Nội, xã Đăk Nông), ông Trần Khắc Châu (thôn Nông Nội, xã Đăk Nông) – Trùm trưởng Giáo họ Phaolô thường tổ chức sinh hoạt tôn giáo cho khoảng 30 giáo dân khi chưa xin phép chính quyền địa phương.

“Mặc dù đã được chính quyền thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các giáo dân chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, không sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự khi chưa được chính quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Xét về mong muốn có điểm sinh hoạt tôn giáo tại địa bàn xã Đăk Nông của giáo họ Phaolô, chính quyền địa phương đã nhiều lần hướng dẫn các quy định, thủ tục để có cơ sở đề xuất, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân” – trích bài viết trên trang của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum.

Như vậy, ngay cả khi biện minh của cơ quan Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum là đúng, thì cái sai lớn nhất ở đây là vẫn thiếu sự minh bạch và những chậm trễ đầy khó hiểu của chính quyền tỉnh này trước vụ việc.

Bởi nếu tình tiết chỉ đơn giản là sinh hoạt tôn giáo chưa được xin phép, tức thủ tục hành chính chưa tuân thủ, vậy thì biên bản xử phạt vi phạm hành chính cần được lập theo trình tự, thay vì lớn giọng sách nhiễu như những gì mà clip ghi nhận.

Ngoài ra vì sao ngay hôm sau đó, chính quyền tỉnh Kon Tum không phát hành một thông cáo báo chí để nói rõ toàn bộ vụ việc? Chính sự im lặng đầy khó hiểu của các cấp quyền lực ở tỉnh Kon Tum mới là duyên cớ tạo nên sự kích động rất đáng tiếc về quyền tự do tín ngưỡng, tự do biểu đạt chính trị của công dân.

Vậy thì ở đây ai là những người mới đáng bị lên án nhất, bởi chuyện chính quyền sách nhiễu nhà thờ ở Kontum như những gì thể hiện trong clip mà mạng xã hội đăng tải, là có thật.


Tin bài liên quan:

VNTB – F1 nên ở nhà hay ở trại cách ly tập trung?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Đi tu” là… đi đâu?

Do Van Tien

VNTB – Quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam bị dựng “hàng rào thủ tục”

Baraju T. Ogelefecejo

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 28.03.2023 2:06 at 14:06

“Thế nào là hiểu đúng về vụ chính quyền sách nhiễu nhà thờ ở Kontum?”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho Ta 1 ví dụ về “hiểu đúng” khi ông phát biểu rằng Cải cách ruộng đất đã trả lại ruộng cho dân cày, tạo niềm tin cho dân dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Đồng vào Đảng, vào Chính phủ . Nhờ vậy mà VNDCCĐ đã có thể tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, dựa vào Liên Sô & Trung Quốc, làm cơ sở tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, xây dựng nền dân chủ dân tộc sau này

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo