VNTB – Thế nào là thành công?

VNTB – Thế nào là thành công?

Ngọc Lan

(VNTB) – Thành công được trả giá bằng hơn 16 ngàn ca tử vong vì COVID-19 tại TP.HCM trong hai tháng  “chống dịch như chống giặc”

 

 

Kênh truyền hình VTV1 tối 18-10-2021 phát sóng việc nhìn nhận lại thành công của chống dịch tại Sài Gòn. Theo đó, phía nhà đài dẫn lời quan chức trung ương rằng có hai vấn đề đến nay được xem hiệu quả, là xét nghiệm diện rộng được triển khai nhanh chóng có lúc lên đến 1,8 triệu mẫu/ ngày, và mô hình tháp 3 tầng thành công mỹ mãn…

Thực tế, nên nhìn đây là thất bại để biến bất thường thành phi thường trong chống dịch. Trong tháng 8-2021, tỉ lệ tử vong/ ca nhiễm tại Sài Gòn có lúc đã lên đến trên 3,7%, thì cũng nên nhìn nhận lại lổ hổng từ mô hình tháp 5 tầng, cũng như việc không triệt để huy động y tế tư nhân ngay từ đầu đợt dịch lần 4. Đây chính là thất bại lớn nhất của chính quyền.

“Có những lúc, mỗi ngày tôi đều đưa con số tử vong/ ca nhiễm của Sài Gòn và Bình Dương, chỉ để thức tỉnh phần nào cách quản lý và triển khai trong công tác giám sát, theo dõi điều trị F0 giai đoạn sớm nhằm tránh triệt để diễn biến nặng quá tải không xử lý kịp ở tuyến trên. 16 ngàn ca tử vong cũng là con số không nhỏ cho thành công đánh giặc Covid của Sài Gòn, để bình yên sớm ngày hôm nay. Mừng cho Sài Gòn lại kẹt xe, nhưng cũng nên làm một nơi tưởng niệm những linh hồn đã bị Covid lấy đi trong vô vọng” – bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, chua chát nhận xét.

Thật ra còn một thất bại nữa mà nếu ai đó cứ kiên trì đeo bám để viết, và viết thì rất dễ sẽ bị chụp chiếc mũ hình sự của án an ninh quốc gia.

Trong ngày tháng được gọi là ‘chống dịch’ như ‘chống giặc’ của cả hệ thống chính trị, người ta đã chứng kiến nhiều ‘đầy tớ’ ở một xã nọ cho người phá cửa, trói và đưa người phụ nữ là F1 đi cách ly tập trung. Rồi ở một phường kia, lực lượng chống dịch phá khóa vào nhà, “lôi” một phụ nữ xuống sân, bẻ quặt tay bà để xét nghiệm Covid-19.

Ở nơi khác, người ta khóa trái cửa toàn bộ nhà của cư dân là F2 trong một ngõ.

Ở nhiều nơi trong thành phố mệnh danh hoa lệ, hàng loạt “chiến lũy” xấu xí được dựng lên đầu các ngõ hẻm, nhiều nơi dùng cả dây thép gai và bê-tông. Hàng triệu con người bị nhốt trong những khoảng không gian chật hẹp suốt mấy tháng… Dẫu biết rằng đó là vì chống dịch, nhưng những hành động, hình ảnh như vậy vẫn làm cho chúng ta không khỏi đau và buồn. Tự hỏi, liệu có cách nào khác để vừa bảo vệ được sinh mệnh, vừa không làm phẩm giá con người tổn thương?

Người ta thường nói, mỗi nền văn minh chỉ cách sự mọi rợ dăm ba bữa.

Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, nhân phẩm được nâng lên thành giá trị pháp lý tối cao của nhân loại vì kinh nghiệm xương máu từ hai cuộc thế chiến thảm khốc và các chế độ cực quyền nửa đầu thế kỷ 20. Từ đó mà hàng loạt văn kiện quốc tế ra đời và đã ghi nhận trực tiếp hoặc gián tiếp về nhân phẩm: Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945; Tuyên bố phổ quát về quyền con người năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

Ở Việt Nam, quyền tự do đi lại được ghi nhận trước hết trong Hiến pháp với tư cách là một quyền cơ bản của con người, công dân. Cụ thể, Điều 23 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”.

Như vậy, quyền tự do đi lại theo Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam cũng có nội dung tương đồng với văn bản về quyền con người của luật pháp quốc tế, đó là: tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ nước mình, quyền ra nước ngoài (quyền xuất cảnh) và quyền trở lại nước mình (quyền nhập cảnh).

Nếu chính quyền muốn hạn chế đi lại của công dân bằng việc dựng lô-cốt, thì cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Bởi lẽ, tình trạng khẩn cấp là tình trạng bất thường, không thể lấy các quy định của pháp luật bình thường để điều hành và quản lý, cũng như người dân không thể thực hiện quyền và tự do của mình theo quy định của pháp luật.

Một khi không có bất kỳ ban bố nào về tình trạng khẩn cấp, thì cũng nên nhớ rằng Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rất rõ ràng tại điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Thế nhưng giờ đây nhìn lại cho cái gọi là “thành công chống dịch”, tiếc rằng ngôn ngữ hiến định rất nhân văn, tiến bộ này của Việt Nam chưa được hiện thực hóa bằng một cơ chế hiệu quả trên thực tế.

Quy định của Hiến pháp chưa được áp dụng trực tiếp, tạo cơ sở pháp lý cho mỗi công dân có thể sử dụng để bảo vệ nhân phẩm của mình khi cần thiết. Nếu có một cơ chế như vậy, những người bị phá cửa, bị trói mang đi cách ly, bị lôi xuống sân và bẻ quặt tay để xét nghiệm có thể đâm đơn kiện; cơ quan bảo hiến sẽ xem xét quy định pháp luật nào điều chỉnh các hành vi xâm phạm nhân phẩm này và sẽ ra phán quyết tương xứng.

Và có lẽ khi ấy người ta sẽ không còn dám ngạo nghễ rằng “thành công chống dịch”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)