VNTB – Thèm được như cử tri xứ Huê Kỳ

VNTB – Thèm được như cử tri xứ Huê Kỳ

Tư Hoài Lang

(VNTB) – Cử tri xứ Huê Kỳ sướng vì được tự tai mình nghe, và tự tay mình gạch lá phiếu để chọn ai sẽ là tổng thống.

 

Người miền Nam trước tháng tư, 1975 vẫn quen thuộc hình ảnh cứ chuẩn bị bầu cử là ôi thôi các vị ứng viên thi nhau mà đưa ra những chính sách an dân để hy vọng tìm kiếm nhiều hơn “phổ thông đầu phiếu”.

Cũng dễ hiểu, vì có quá nhiều đảng phái chính trị cùng thượng đài để so kè từng lá phiếu cử tri dân chúng từ bờ Nam Bến Hải vào tận mũi Cà Mau kia mà.

Một vài lát cắt hồi ức của người miền Nam:

+ Tháng Tư năm 1961, Việt Nam Cộng hòa mở cuộc bầu cử tổng thống, có 3 liên danh tranh cử, gồm: Liên danh Khóm trúc với hai ông Ngô Đình Diệm – Nguyễn Ngọc Thơ (đắc cử); Liên danh Con trâu với hai ông Nguyễn Đình Quát – Nguyễn Thành Phương; Liên danh Bông sen với hai ông Hồ Nhật Tân – Nguyễn Thế Truyền.

Ba ứng cử viên chính nhập cuộc là Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đình Quát, và Hồ Nhựt Tân. Kết quả với 75% cử tri đi bầu là liên danh Ngô Đình Diệm – Nguyễn Ngọc Thơ tái đắc cử với 88% số phiếu; liên danh Hồ Nhựt Tân – Nguyễn Thế Truyền 7%; và Nguyễn Đình Quát – Nguyễn Thành Phương 4%.

+ Bầu tổng thống Việt Nam Cộng hòa, nhiệm kỳ 1967 – 1971, có 11 liên danh tranh cử gồm: Liên danh 1 Trâu Cầy là Phan Khắc Sữu – Phan Quang Đán; Liên danh Bông Lúa với Hà Thúc Ký – Nguyễn Văn Định; Liên danh Căn Nhà Bình Dân với Hoàng Cơ Bình – Lưu Quang Khình; Liên danh Bồ câu trắng có Trương Đình Dzu – Trần Văn Chiêu; Liên danh Người gieo mạ có Trần Văn Hương – Mai Thọ Truyền; Liên danh Hoa Lư với Phạm Huy Cơ – Lý Quốc Sĩnh; Liên danh Cái Lư Hương với Trần Văn Lý – Huỳnh Công Đương; Liên danh Ngôi Sao trắng với Nguyễn Hòa Hiệp – Nguyễn Thế Truyền; Liên danh Bản đồ Việt Nam gồm Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ; Liên danh Bó Đuốc gồm Vũ Hồng Khanh – Dương Trung Đồng; và Liên danh Con Trâu với Nguyễn Đình Quát – Trần Cửu Chấn.

Kết quả: Ngày 03-9-1967 Liên danh Bản đồ Việt Nam đắc cử với 1.649.562 phiếu/ 4.868.266, khoảng 35%.

Tính đến năm 1970 thì chính trường Miền Nam có 9 chính đảng hoạt động chính thức. Đó là: 1. Việt Nam Nhân xã Cách mạng Đảng; 2. Lực lượng Đại Đoàn kết; 3. Đại Việt Cách mạng Đảng; 4. Việt Nam Quốc Dân Đảng, Xứ Đảng bộ Miền Nam; 5. Việt Nam Quốc dân Đảng Thống Nhất; 6. Mặt trận Nhân dân Cứu nguy Dân tộc; 7. Phong trào Quốc gia Cấp tiến; 8. Tập đoàn Cựu Chiến sĩ Hòa Hảo Dân xã; 9. Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng.

Nói thêm, chuyện tranh cử với phổ thông đầu phiếu ở miền Nam khi ấy, còn là các ứng viên thoải mái phê phán chính phủ quân quản ở nhiều phương diện, trong khi bản thân họ cũng đại diện cho các nhóm chính trị đa dạng tại miền Nam Việt Nam: từ các chính trị gia cấp tiến chủ hòa ở đồng bằng sông Cửu Long cho đến những nhóm quân nhân Công giáo tị nạn với lời kêu gọi đưa quân “giải phóng” miền Bắc. Không khí thảo luận chính trị đa nguyên, đa dạng và được tôn trọng.

Giờ thì mọi chuyện đã quá khứ mà vài năm nữa đã là nửa thế kỷ của giấc mơ tự do phổ thông đầu phiếu.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây, đối thủ chính trị thuộc đảng Dân Chủ là ông Biden đã hứa sẽ không “nhẹ tay” với Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của mình nếu đắc cử tổng thống. Điều này cho thấy, tuy chính sách cho từng vấn đề có sự khác biệt giữa hai đảng, nhưng chính sách chống lại sự bành trướng của Trung Quốc đã là một chính sách lưỡng đảng.

Ông Trump hoặc ông Biden đắc cử đều không thể thay đổi được chính sách mang tính cách nền tảng trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc. Có lẽ chỉ khác nhau về giải pháp thực hiện và mức độ mà thôi. Và xem ra, với sự chắc chắn về kết quả đó, thì việc ông Trump hay ông Biden đắc cử làm ông chủ nhà trắng nhiệm kỳ sau đã không còn mấy ý nghĩa đối với sự trông đợi của người Việt mang tâm trạng bài Trung nữa.

“Tuy nhiên, không vì thế mà nỡ khuyên rằng người Việt trong nước không nên đeo đuổi những cuộc tranh cãi về cuộc bầu cử mà không ai trong số họ có quyền bỏ phiếu chọn lựa… Vì lẽ, một khi sự thèm thuồng chính đáng về một cuộc bầu cử tự do chưa được thỏa mãn, thì cứ nhìn sang nước Mỹ mà tranh cãi, mà ước ao vậy. Âu đó cũng là một sự tập dượt dân chủ cho mai hậu…” – luật sư Đặng Đình Mạnh, cảm thán.

Bởi, trong thể chế dân chủ, không ai có thể tự coi mình là đại diện của dân, là hành xử quyền cho dân, nếu không được đa số dân chúng đồng thuận trao quyền bính bằng lá phiếu.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)