Cảnh Chân
(VNTB) – Chính cái bằng tiến sĩ luật đó lại thành cây gậy đập vào lưng hắn, vạch mặt toàn bộ sự dối trá, lừa đảo của hắn từ trước tới nay.
Ngạn ngữ Nhật có câu “lúa chín cúi đầu”, nghĩa đen là bông lúa càng chín thì càng trĩu hạt, nghĩa bóng tức là người càng học nhiều thì càng khiêm tốn. Người Việt mở rộng ra thành câu “sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu. Nó cũng là một quy luật của sự phô trương rằng càng thiếu thứ gì người ta càng khoe thứ ấy. Người không có tiền thì thường tỏ ra giàu có, người không có học vấn thì thường hay khoe kiến thức.
Trường hợp ông Vương Tấn Việt (tên thật của gã thợ tu Thích Chân Quang) cũng vậy. Chưa tốt nghiệp bổ túc cấp 3 (và cũng có thể là chưa học xong cấp 2), nhưng cố tỏ ra có nhiều kiến thức. Từ việc lập chùa, xưng thầy, dạy đệ tử; tới mở võ quán, sáng lập môn phái Phật Quang Quyền; rồi viết sách, viết nhạc, viết cả kịch bản phim. Tất cả chỉ để tỏ ra là kẻ tài ba, văn võ song toàn, hơn người trong mọi lĩnh vực.
Mọi thứ nếu chỉ dừng lại trong phạm vi ngôi chùa mà hắn ta trụ trì thì có lẽ đã không ai quan tâm. Nếu yên vị làm vua trong cái chùa kia thì tới giờ chắc cũng không ai biết hắn là ai. Nhưng cái bệnh phô trương nó chỉ có nặng hơn chứ không bao giờ tiết chế lại được. Nhất là với những kẻ không có năng lực thật sự thì họ không bao giờ có thể tự nhìn lại bản thân. Càng tự ti thì họ càng muốn thể hiện bản thân với khao khát được mọi người công nhận.
Mở khóa tu, lập võ đường, viết sách viết nhạc viết thơ viết kịch bản mà không có bằng cấp thì cũng chỉ là ba hoa khoác lác. Vương Tấn Việt muốn chứng minh cho cả thiên hạ thấy rằng hắn thật sự là một người cháu vĩ đại của Hồ Chí Minh chứ không phải chỉ là con cháu máu mủ ruột rà thông thường. Cho nên hắn phải cố gắng tìm cách lấy cho được cái bằng tiến sĩ để về nhà thờ tổ họ Hồ vinh quy bái tổ, nhận là cháu ruột Hồ Chí Minh.
Riêng chuyện thừa nhận bản thân là cháu ruột ông Hồ cũng đã cho thấy cái thói hống hách, ngạo mạn của gã thợ tu này rồi. Ngay cả con ruột Hồ Chí Minh như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tất Trung còn không dám nhận cha. Hoặc Nguyễn Sinh Hùng lên làm tới chủ tịch quốc hội cũng chưa hề dám đứng trước truyền thông tự nhận là họ hàng với Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Hồ Chí Minh).
Mà chính vì nhận họ hàng với ông Hồ thì lại càng làm rõ vấn đề tự ti, thiếu bản lĩnh của Vương Tấn Việt. Không tốt nghiệp bổ túc văn hóa, không có kiến thức chính quy, nên mới phải dùng chiêu “cáo mượn oai hùm” này. Chỉ có ỷ vào thế ông Hồ thì hắn mới có thể được đại học Luật Hà Nội ưu tiên đặc cách cho học nhanh, học lẹ, học vượt quy trình mà không cần kiểm tra lại bằng cấp đầu vào. Nhắc tới chuyện đại học Luật ưu ái, nịnh bợ dòng họ ông Hồ, thì lại thành ra dài dòng.
Quay lại cái bằng giả của gã họ Vương (nhưng cháu họ Hồ, bà con họ Nguyễn, pháp danh họ Thích). Nếu là một thầy tu, quên hết chuyện sân si với đời, có lẽ hắn đã không rơi vào cái bẫy do chính hắn tạo ra ngày hôm nay. Hắn định dùng cái bằng tiến sĩ luật để hợp pháp hóa cái mớ lý luận luân hồi, đầu thai chuyển kiếp mà hắn thường khua môi múa mép với con nhang. Nhưng rồi chính cái bằng tiến sĩ luật đó lại thành cây gậy đập vào lưng hắn, vạch mặt toàn bộ sự dối trá, lừa đảo của hắn từ trước tới nay.
Sống trong sự tôn sùng, ca ngợi suốt một thời gian dài, hắn nghĩ rằng chẳng ai biết hắn xảo trá, lưu manh, xài bằng giả. Giống như con ếch dưới đáy giếng. Để rồi khi nhận bằng tiến sĩ luật, cũng là lúc con ếch nhảy lên miệng giếng, thấy được bầu trời bao la; và nhất là trên trời có con cò, con vạc đang chờ thịt con ếch. Khoe cái bằng với đệ tử con nhang mê muội thì không sao, chứ khoe ra xã hội thì người ta phát hiện ngay.
Phân tích câu chuyện Thích Chân Quang để thấy rằng hiện nay đảng cộng sản cũng không khác gì gã thợ tu hám danh này. Năng lực không có, rồi lại tự ti, tự sướng với các “thần dân” mãi, thì thành ra tự cao tự đại, được tôn nịnh riết thì tự mãn, rồi cuối cùng thành bệnh vĩ cuồng, ảo tưởng bản thân là vĩ đại, tự tôn sùng tôn vinh mình, nào là đạo đức cách mạng, nào là là vĩ đại, quang vinh muôn năm… Kẻ càng nói chuyện đạo lý, càng tỏ ra đạo đức thì càng sống thiếu đạo đức, người dân chưa nói không có nghĩa là người dân không biết. Hãy nhớ rằng “tôn nịnh đại suy”!