Quang Nguyên
(VNTB) – Thích Nhật Từ sử dụng ngôn từ tạo ra ảo giác, hay dấu diếm, đánh tráo, lừa người khác, làm sự thật mất biến và kéo ra những lời nói dối tinh vi.
Ảo thuật gia là người tạo ra những tình huống và hiệu ứng tưởng như thật mà không phải thật, gây kinh ngạc và thích thú, có khi rất đáng sợ cho khán giả từ con nít đến người lớn. Xem ông Thích Nhật Từ qua bài giảng hơn 2 giờ đồng hồ cho vài chục vị tu sĩ già, thấy nên cho ông này cái tên nghề nghiệp “Nhà-Ảo-Thuật-Ngôn-Ngữ”.
Thích Nhật Từ sử dụng ngôn từ như một nhà ảo thuật dùng các chiêu trò tạo ra ảo giác, hay dấu diếm, đánh tráo, lừa người khác. Thay vì làm biến mất một lá bài, ông ta làm sự thật mất biến và sau đó thay vì kéo một con thỏ ra khỏi mũ, ông kéo ra những lời nói dối tinh vi.
Không rõ do năng khiếu thiên phú hay do tu tập nhuần nhuyễn nên Thích Nhật Từ áp dụng “ảo thuật ngôn từ” như nói nửa vời, nửa sự thật, lập luận vòng vo, hoặc sử dụng từ ngữ mơ hồ, công kích, gán ghép của mình, đã khiến một số người nghe phải trố mắt, vểnh tai.
Giấu nhiều thứ lạ lẫm quái quỷ trong hai tay áo cà sa thùng thình, ông ta có thể biến những điều phức tạp trở nên đơn giản, và ngược lại. Ông ta có thể biến một vật thẳng thành cong, một sự thật thành dối trá. Ông ta sử dụng những chiêu trò “ngụy biện” và “tạo khói” để đánh lạc hướng dư luận. Những lời nói của ông ta như một tấm lưới, phủ lên việc ông ta trình bày một lớp sương mù dày đặc, khiến người ta khó lòng nhận ra sự thật trần trụi.
Qua video “Chiến Lược Cải Đạo Thiên Chúa Giáo, Tin Lành” đủ thấy nhiều mánh lới sử dụng ảo thuật ngôn ngữ che dấu dưới những nụ cười gượng và những cái giật mình vô thức phản ứng trên ghế của Thích Nhật Từ.
Tiếc thay, nhà-ảo-thuật-ngôn-từ, mà tôi đặt ‘nghiệp danh’, có tên tục là Trần Ngọc Thảo này chỉ là tay mơ khiến chiêu trò của ông ta dễ bị lật tẩy dưới con mắt và suy luận của những người bình thường.
Phút 52:30 trong video, Thích Nhật Từ dùng trò nói úp mở, nửa thật, chuyển hướng chú ý khán giả vào những điều dối trá không nói ra. Ông ta nói, “Hầu như việc mở cửa cho phượng tây vào chúng ta mất đi rất nhiều giá trị gốc, giá trị văn hóa dân tộc, giá trị đạo Phật, giá trị đạo đức và nhiều giá trị tinh thần khác”
Câu nói của Nhật Từ có phần đúng trong quá khứ. Trong thời kỳ thuộc địa Pháp, văn minh tây phương đã mang lại nhiều thay đổi trong xã hội Việt Nam, nhạt nhòa có, sâu đậm có về văn hóa, xã hội, tinh thần, và các giá trị truyền thống của dân tộc. Đạo đức và các tín ngưỡng, trong đó gồm cả Phật Giáo, Khổng, Lão giáo, đạo thờ ông bà tổ tiên, và các chuẩn mực xã hội, phải đối mặt với sự thách thức và mai một phần nào do ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa người Pháp mang đến.
Tuy nhiên, Thích Nhật Từ đã che dấu sự thật. Văn minh phương Tây mà lúc đó người Pháp đại diện và Thiên Chúa Giáo đã mang đến không ít điều làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Ngay bước đầu truyền đạo, các giáo sĩ Thiên Chúa giáo đã phát minh và phát triển chữ mà ngày nay gọi là chữ quốc ngữ, dù họ cố ý hay không, dần thay chữ Hán, chữ Nôm, góp phần phát triển dân trí mau chóng.
Từ đầu thế kỷ XX các phong trào duy tân chống Pháp, cứu nước đã tích cực cổ động học chữ quốc ngữ. Cho đến nay, giáo hội Phật giáo đang nỗ lực phiên dịch các đại tạng kinh điển, luật ra chữ quốc ngữ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho tăng ni và cư sĩ. Nhờ các bản dịch này, người đọc có thể tiếp cận và hiểu sâu hơn các giáo lý và kinh điển của Phật giáo mà không gặp rào cản ngôn ngữ, giúp phổ biến và truyền bá giáo lý Phật giáo rộng rãi hơn trong cộng đồng.
Có một suy nghĩ; trong miền Nam, ảnh hưởng Pháp thuộc nặng nề hơn hai miền Bắc và Trung, nhưng nơi đây lại phát sinh ra nhiều tôn giáo dù ít nhiều mang ảnh hưởng Phật giáo nhưng lại mang đặc tính dân tộc rất đậm đặc. Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. cả ba tôn giáo này phát triển rực rỡ từ thời Pháp cho đến thời VNCH và bị đàn áp khốc liệt dưới thời cộng sản mà ông Từ là công cụ.
Ông Nhật Từ phải hiểu việc “mở cửa cho phương Tây” không đồng nghĩa với việc mất đi giá trị gốc, giá trị văn hóa, đạo đức hay tinh thần.
Một nền văn hóa bị thay đổi hoặc mất đi là một quá trình phức tạp, không đơn giản chỉ phụ thuộc vào sức mạnh của một nền văn hóa khác, lại càng không vì lý do thứ văn hóa đó của thế lực mạnh hơn đem đến. Văn hóa Việt Nam, với lịch sử lâu đời và sự giao lưu rộng rãi với các nền văn hóa khác, đã chứng minh được khả năng thích nghi và phát triển.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả xã hội. Sức mạnh của một nền văn hóa không chỉ nằm ở kinh tế, quân sự mà còn ở sức ảnh hưởng văn hóa, tinh thần. Ngày nay Việt Nam đang tự hào ‘mạnh mẽ nhất trong các thời đại’ nhưng ông Nhật Từ thử nhìn xem những giá trị gốc, giá trị đạo đức tinh thần đang như thế nào?
Tinh thần dân tộc mất dần chỉ mới 50 năm dưới chế độ vô thần cộng sản từ khi chiếm được cả nước, kéo theo văn hóa, đạo đức suy giảm đến nỗi nhà nước phải có kế hoạch bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ để phục hồi, chấn hưng văn hóa.
Khi hai nền văn hóa tiếp xúc, chúng sẽ có sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau và có thể hình thành nên một nền văn hóa mới, kết hợp những giá trị tốt đẹp của cả hai, hoặc dẫn đến sự lụn bại như ngày nay tại Việt Nam. Nhà nghiên cứu Đào Tiến Thi viết, “Một bộ phận sỹ phu nước ta lúc đó do tiếp xúc với “Tân thư” qua sách báo Trung Quốc đã nhận ra mình là ai, Tây là ai, vì sao ta thua, Tây thắng. Là vì trong thế giới “cạnh tranh sinh tồn” (mà kết quả bao giờ cũng là “ưu thắng liệt bại”) này ta yếu hèn. Mà yếu hèn là do không lo học lấy văn minh *
Lịch sử giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài hàng nghìn năm dưới sự đô hộ, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong văn hóa Việt Nam. Sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chữ viết, tư tưởng, nghệ thuật. Tuy nhiên, văn hóa Việt Nam vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng biệt, thể hiện sự sáng tạo và thích nghi của người Việt.
Văn hóa là một quá trình tương tác và biến đổi. Khi tiếp xúc với văn hóa khác, các giá trị có thể được làm mới hoặc thậm chí trở nên mạnh mẽ hơn. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn giữ được bản sắc dân tộc dù đã hội nhập sâu vào văn hóa phương Tây. Sự “mất đi giá trị” nếu có thường bắt nguồn từ nội tại, không phải là tác động đơn thuần từ bên ngoài.
Nhật Từ nói “cái mà ta đạt được là vật chất vốn phương Tây xem như rác rưởi” là một đánh giá cảm tính, thiếu chính xác. Sự phát triển công nghệ, khoa học và tiện ích vật chất từ phương Tây đã góp phần làm tốt hơn đời sống hàng tỷ người trên thế giới. Gọi mọi vật chất từ phương Tây là “rác rưởi” hoặc “vô giá trị” là chụp mũ đầy ác ý và thiển cận bởi điều này bỏ qua những lợi ích thiết thực mà chúng mang lại, như y tế, giáo dục, và công nghệ.
Toàn cầu hóa không phải là “xóa sổ” văn hóa, mà là sự trao đổi, hòa nhập và sáng tạo. Cả thế giới và cả người Việt, cả ĐCSVN đều mong muốn có sự toàn cầu hóa. Những quốc gia biết cách bảo tồn bản sắc trong bối cảnh toàn cầu hóa không những chỉ giữ được giá trị truyền thống mà còn làm nó nổi bật trên trường quốc tế. Đạo Phật ngày nay lan rộng ra toàn cầu cũng nhờ cơ hội này.
Một nhà phê bình trên mạng Youtube có hàng trăm ngàn người theo dõi gọi ông Thích Nhật Từ là thích chất thải, điều này có lẽ đúng bản chất của Thích Nhật Từ. Trong lớp học dành cho quý tăng ni lớn tuổi, ông ta nói ở phần sau,“Cái mà ta đạt được là vật chất hay là thế giới vật dụng vốn phương Tây xem nó như là rác rưởi. Họ đi tìm cái mảnh đất tâm linh của châu Á để đầu tư và biến các mảnh đất châu Á mời gọi họ trở thành là chỗ phóng thải của các cái nền công nghiệp hiện đại. Tại vì trước đây họ đi xâm lăng để tóm góp về các tài nguyên thiên nhiên thì bây giờ toàn cầu hóa mang các giá trị kinh tế để xóa sổ các giá trị văn hóa gốc mà thường những đứa nghèo có mặc cảm tâm lý trong nước là nhược tiểu,’
Thích Nhật Từ, không thể có ái ngữ của Phật tử, nhất là lại của một nhà sư khi nói những lời như “xóa sổ các giá trị văn hóa gốc”, “phóng thải nền công nghiệp hiện đại”, và “nhược tiểu” đẩy người nghe vào cảm giác tiêu cực với phương tây, kẻ mang Thiên Chúa Giáo đến, như kẻ thù thống trị, áp bức dân thuộc địa.
Khi diễn đạt rằng phương Tây mang lại toàn “rác rưởi” và biến châu Á thành nơi “đầu tư tâm linh” để thỏa mãn mục đích cá nhân, câu nói này bỏ qua những đóng góp tích cực của phương Tây và tập trung vào khía cạnh tiêu cực. Điều này có thể khuyến khích một số người nghe phát triển thành kiến hoặc cảm xúc thù địch.
Ông Nhật Từ có nhận ra ông và người trong lớp học của ông đang thoải mái trên và chung quanh đống chất thải, rác rưởi như quạt điện, máy lạnh, loa phóng thanh, điện thoại thông minh từ sự phát triển công nghệ, khoa học và tiện ích vật chất của phương Tây không? Những chất thải này làm tăng công suất bài giảng và hiệu quả của nó với người nghe. Việc sử dụng các sản phẩm công nghiệp hiện đại, từ ngoại nhập cho đến nội địa học theo làm ra không phải là điều xấu, mà phụ thuộc vào cách con người sử dụng và quản lý. Lời của vị tu hành chân chính phát ra từ cái micro nghe chân thật, dịu dàng khác lời dối trá, xuyên tạc.
Ông Nhật Từ phải tránh quy chụp mọi vật chất từ phương Tây là “rác rưởi” hoặc “vô giá trị”, bởi điều này bỏ qua những lợi ích thiết thực mà chúng mang lại, như y tế, giáo dục, và công nghệ. Thứ rác rưởi, cặn bã mà phương Tây phóng thải đang được chính ông nhuần nhuyễn áp dụng cho trang Web Đạo Phật Ngày Nay.
Ông Nhật Từ nên hiểu sâu hơn một chút để thấy Phương Tây tìm kiếm tâm linh phương Đông không nhất thiết là một hành động chiếm đoạt hay bóc lột. Triết lý Đông phương và Phật Giáo có vô số giá trị vượt trội mà phương Tây cần học. Và họ đã học được trong việc cân bằng vật chất và tinh thần.
Câu nói trên, và toàn bài giảng này, của Thích Nhật Từ có thể bị cho là ngầm ý kích động sự thù ghét đối với văn hóa phương Tây dẫn đến tâm lý bài ngoại hoặc nghi ngờ tất cả những gì đến từ phương Tây trong đó có Thiên Chúa Giáo. Dựa trên một số thực tế như Pháp xâm lược mang theo văn hóa, nhưng khuếch đại những xấu xa và sự mất mát một chút văn hóa nội địa tạo tâm lý ghê sợ Tây Phương và văn hóa của họ như “đạp c*t”-chữ của ông Thích Nhật Từ chỉ Thích Thái Trúc Minh.
Đây là một trong những trò ảo thuật lố lăng đầy thù hận, thiển cận và đe dọa trong video diễn tuồng này.
Hai anh em họ Trần, Thích Nhật Từ- Trần Ngọc Thảo và Trần Nhật Quang có mỹ danh Quang Lùn, đồng hình, đồng dạng, cũng từng gây cho khán giả nhiều trận cười đến đau bụng. Hai anh em này tài nói năng, ngụy biện giống y xì nhau. Người anh già Trần Nhật Quang từng tự nhận danh hiệu là trùm dư luận viên. Người em được thăng Thượng tọa. Xem như huề nhau trên đường danh vọng. Nhưng nếu thi nhảy cao thì có lẽ em thắng vì có bằng tiến sĩ danh dự của trường đại học Apollos của Mỹ lận, bất chấp Quang Lùn có cao hơn anh một chút.
Bài tiếp: Thích Nhật Từ và hai nhóm đặc tình việt cộng Giao Điểm, Sách Hiếm
_______________
Tham khảo:
https://vietnamthoibao.org/vntb-diem-danh-mot-so-nguy-tu-si-o-viet-nam-bai-2/
*(Đào Tiến Thi) http://vanhoanghean.com.vn/chi-tiet-tin-tuc/12274-chu-quoc-ngu-voi-cac-phong-trao-duy-tan-dat-nuoc-dau-the-ky-xx.