Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên đường khởi nghiệp quan chức = ?

Anh Văn (VNTB) Năm 2016, hồ sơ Panama do tờ báo Süddeutsche Zeitung (Nam Đức, SZ) ở Munich (Đức) đưa ra đã gây chấn động thế giới!. Nó công khai hàng triệu cái tên thuộc nhiều tổ chức, cá nhân liên quan… trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố và buôn ma tuý. Tất cả những nguồn tiền này sau khi được xử lý bởi công ty Mossack Fonseca đã trở nên hợp pháp hơn!

Tất nhiên trong đó có… Việt Nam!

Những “thiên đường” dành cho giới tội phạm và siêu giàu chưa bao giờ biến mất trên thế giới. Ví dụ như Yekaterinburg (Liên Bang Nga) là thiên đường của loại ma túy “ăn thịt người; Rio de Janeiro (Brazil) là “Thiên đường tội phạm” của giới tội phạm Nam Mỹ.

Tại Việt Nam, “thiên đường” lại mang tên rất tương lai. Thiên đường “khởi nghiệp”.

Khái niệm này lần đầu tiên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam vào chiều 3/6/2016.

Giá như đó là khởi nghiệp dành cho giới doanh nghiệp và giới trẻ. Nhưng từ đó đến nay, tính chất “khởi nghiệp” lại được dành cho giới quan chức nhà nước.

Dường như tính chất pháp lý phân mảnh và kém hiệu quả, và trong bối cảnh mà Đảng Cộng sản đang ngự trị tđã khiến cho Việt Nam trở thành mảnh đất thực sự màu mỡ cho giới quan chức tích lũy và sinh lợi.

So với quá trình tích lũy tư bản ở châu Âu vào TK XVIII-XIX (để đi lên cách mạng Công nghiệp) thì, tích lũy tư bản thời cộng sản cũng có những đặc điểm tương tự. Trong đó nổi bật là việc tước đoạt ruộng đất của nông dân, nhưng thay vì hướng tới tạo một nguồn lực cần thiết cho nền sản xuất và tạo thị trường cho công nghiệp thì việc tước đoạt ruộng đất lại nhằm sinh lợi cho giới quan chức [nguồn tiền và đất đai] lẫn cho giới tư nhân thân hữu [nơi được hưởng lợi đất đai]. Tính chất nó được cộng hưởng lên rất nhiều lần qua cách thức sử dụng chính sách để tước đoạt (tức sử dụng chức năng quản lý và sản sinh chính sách để sinh lợi. Nó bao hàm cả việc sinh lợi qua “bổ nhiệm đúng quy trình”, lẫn sinh lợi qua “thu hồi đất đai” để dĩ công vi tư).

Một vấn đề cũng liên quan đến vấn đề “tích lũy và sinh lợi” thời kỳ nêu trên, chính là cuộc cách mạng chính trị ở Anh (trung tâm, nơi thủ tiêu chế độ phong kiến – mở đường cho CNTB phát triển), tức xóa bỏ quan hệ kinh tế cũ gồm hai điểm quan trọng là: chế độ thuế khóa gọn hơn; hủy bỏ tính độc quyền hàng hóa của Vua. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các vấn đề cải cách chính trị lại mang tính ngược lại, khi thuế khóa trở thành một phương thức tốt nhất để gia tăng quỹ ngân sách nhà nước (bị thất thoát do quá trình đổ vốn vào các DNNN nhằm tạo tăng trưởng cho Việt Nam vào những năm 2000); tính chất độc quyền đối với hàng hóa của “Nhà nước” – vốn kém hiệu quả trong kinh doanh tiếp tục được duy trì, mà gần nhất đây sự độc quyền của EVN (nơi được thoải mái tăng giá điện ở mức 3-5% thời gian tới) – cần nhắc lại, đây là tập đoàn ôm nợ khủng lên đến 9,7 tỉ USD. Để đảm bảo duy trì yếu tố độc quyền (không thả ra như đối với Viễn thông), thì đơn vị chủ quản là Bộ Công thương đã tìm cách đối sánh giá điện tại Việt Nam với các nước G7.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, khi báo chí lấy dần vị thế “phản ảnh” của mình, thì phát hiện hàng tá quan chức tìm cách “buôn quan, bán đất”, trong đó có nhóm biệt phủ của những nhà lãnh đạo ở Yên Bái, hay tại Đồng Nai,…

Nhưng như đề cập ở trên, vì Việt Nam là “thiên đường khởi nghiệp” của giới quan chức, cho nên tính chất pháp lý cũng “hỗ trợ” mạnh mẽ điều này.

Mới đây nhất, liên quan đến vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai – người đã vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng. Trong đó, bà là người “tham gia điều hành công ty tư nhân” do bà và chồng làm cổ đông thời giữ cương vị Giám đốc Sở Công thương; bà cũng là người đã ký văn bản UBND tỉnh cho công ty nhà đầu tư dự án KDC thương mại, nơi cấp phép kinh doanh các lĩnh vực trái phép; bà cũng ký kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng không thông qua UBND tỉnh; bà cũng không kê khai tài sản – thu nhập đúng quy định. Thế nhưng, UBKT Trung ương sau khi “nhận thấy vi phạm” nêu trên, và cho đó là “nghiêm trọng” thì mức quyết định kỷ luật của dành cho bà Mỹ Thanh lại là… cảnh cáo. Tức dựa theo Điều lệ Đảng dành cho Đảng viên chính thức, thì mức này là mức thứ 2 trong hệ thống kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ).

Chính những yếu tố này, đã khiến Việt Nam trở thành một “thiên đường khởi nghiệp” của giới quan chức nhà nước. Và đối với một thể chế chính trị, nhà nước bất kỳ, sự khởi nghiệp kiểu này sẽ khiến nguồn lực xây dựng và phát triển quốc gia sụp giảm. Hay đúng hơn, là bòn rút kiểu này sẽ khiến đất nước không còn gì để phát triển trong tương lai, cho thế hệ con cháu.

“Thiên đường khởi nghiệp quan chức” vì thế được coi là tổng hòa của “Thiên đường trốn thuế” và “Thiên đường tội phạm”.

Tin bài liên quan:

Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An: Một người cao tuổi chống tham nhũng bị côn đồ đánh gãy chân

Phan Thanh Hung

VNTB – Tuần hành phản đối bạo lực: bước đi cần thiết của phong trào nhân quyền?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng biết hết nhưng không ra được ‘toa thuốc’ hữu hiệu để ‘chữa trị’?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.