Cửu Long
(VNTB) – Có lẽ do di chứng của chuyện đấu tố địa chủ, đấu tố các nhà tư sản ở Sài Gòn sau tháng tư năm 1975, nên giờ đây trong văn hóa phản biện trên mạng xã hội, việc sử dụng ngôn ngữ nặng tính chửi bới, lăng nhục nhau lại thường thu hút nhiều lượt ‘like’…
Một số nhà mô phạm đã đưa ra khuyến cáo, là rất nhiều người không biết rằng khi mình gõ phím chửi bới, mạt sát ai đó là mình đã rất thành công trong việc tiếp thị nhân cách, trình độ văn hóa thấp kém của mình với thế giới xung quanh…
Phản biện cho khuyến cáo trên, có ý kiến là các nhà mô phạm thử quay ngược thời gian về miền Bắc thuở đấu tố địa chủ của chính sách cải cách ruộng đất thập niên 50 thế kỷ trước. Nếu chuyện xa xôi đó thuộc về quá khứ tăm tối của miền Bắc, thì chắc hẳn nhiều thế hệ người dân ở miền Nam vẫn khó thể quên những buổi đấu tố kể từ tháng 5/1975, đối với người dân được chính quyền mới liệt vào danh sách là tư sản, cần phải ‘đánh’.
Nói đâu xa, đi đầu trong chuyện ‘thiên hạ chửi’, có lẽ nếu như những nhóm dư luận viên của AK47 xếp thứ nhì, thì chẳng ai dám đứng thứ nhất về mức độ sử dụng ngôn từ chửi bới tục tĩu trên mạng xã hội. Phản biện dù ôn hòa hay cứng rắn đến mức nào đi nữa – kể cả mang Luật An ninh mạng ra ‘so găng’ với các nhóm dư luận viên mà người ta đành phải gọi ít nhiều nhục mạ là ‘bò đỏ’ đó, tất thảy đều vô nghĩa.
Bên cạnh ‘auto chửi’, thì chuyện phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội hiện nay khó kể xiết. Chỉ cần lên trang cá nhân và ‘post’ những thông tin mình biết được, nghe được ‘thấp thoáng’ đâu đó, chưa cần biết đúng sai, có phải là sự thật hay không, trước tiên là hãy cứ tung tin lên mạng xã hội đi đã.
Điều này làm cho sự thật đôi khi nhìn qua lăng kính bị bóp méo, dẫn đến những hệ lụy khó có thể cứu vãn; và đôi khi kéo theo hàng loạt các vụ việc đáng tiếc khác.
Ví dụ như một ai đó đứng trước cáo buộc của điều luật hình sự liên quan viết – lách, chưa rõ nguồn cơn, chỉ cần biết tin người đó vừa bị xộ khám, lập tức một số ý kiến đăng đàn với khởi thủy là mong muốn nói tốt cho người ấy thôi, song lại bàn rộng ra từ suy nghĩ cá nhân về chuyện người viết – lách ấy bị cáo buộc tội danh hình sự. Qua đó dễ đưa đến tâm lý của ‘phong thánh’, khiến thêm lần nữa ý nghĩa của phản biện trong thế giới dân sự lại méo mó. Điều này có thể kéo theo những hệ lụy xem ra không kém lo ngại so chuyện ‘thiên hạ chửi’.
Nói thêm. Rất nhiều người tưởng chửi là dễ, thực ra không phải, chửi cũng phải có nghệ thuật. Nghệ thuật chửi là phải làm cho người bị chửi thấy đau, thấy tức mà không thể giận, chứ không phải để họ thấy mình là một kẻ cần phải tránh xa.