VNTB – Thiên hạ luận: Cầm cự thêm được bao lâu?

VNTB – Thiên hạ luận: Cầm cự thêm được bao lâu?

Trường Sơn

 

(VNTB) – Họ chật vật mưu sinh. Trên giấy tờ quản lý hành chính, họ có tên là “lao động phi chính thức”.

 

Họ luôn là nhóm gần như ‘bắt đáy’ xã hội, với cả ‘yếu thế’, lẫn ‘yếm thế’.

Giờ đã bước vào hai tuần cuối của tháng sáu, những “lao động phi chính thức” vẫn ráng bươn chải nơi phố thị giữa muôn trùng đe dọa của vòng vây dịch bệnh. Họ cũng không thể trở về quê, vì thành phố Hồ Chí Minh – nơi họ đang mưu sinh được coi là ổ dịch nguy hiểm nhất nhì cả nước.

Xin được dừng lại ở một địa chỉ cụ thể với những phận đời cụ thể ở Sài Gòn/ thành phố Hồ Chí Minh. Đó là câu chuyện về một ngôi nhà nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1. Căn nhà số 24/22A, rộng khoảng 25 m2, có gác, hiện là nơi 16 cụ già và những người đồng hương bán vé số cùng quê Phú Yên trú ngụ. Để có chỗ sinh hoạt, phía ngoài căn nhà được tận dụng để treo đồ đạc, những chiếc xe lăn hư, cũ.

Trước khi bùng dịch, nơi đây có đến 35 người ở trọ để làm nghề bán vé số dạo. Cái tên ‘tập đoàn vé số dạo’ cũng xuất phát từ con số 35 người ấy.

 Cuộc sống ở quê nghèo khó, quanh năm hạn hán mất mùa, họ đành rời quê hương vào đây mưu sinh và rủ nhau cùng sống chung, để giảm tối thiểu chi phí giữa thành phố đắt đỏ và tiện giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau.

Không gian sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của các cụ già khá chật, đồ đạc phải treo khắp tường từ ngoài vào trong nhà. Trời nắng, giữa trưa, căn nhà trở nên ngột ngạt, nóng bức. Tuy nhiên, do nhiều cụ có giờ làm việc khá lệch nhau, không ở nhà cùng lúc nên việc nghỉ ngơi cũng thoải mái. Nhiều cụ có sức khoẻ bán vé số vào thời gian từ 5g chiều đến 3g sáng, nên buổi sáng, trưa họ tranh thủ nghỉ ngơi.

Đó là câu chuyện của thời bình yên, chưa có đại dịch cúm Tàu.

Dịch ai cũng khổ, người mua vé số cũng ít hơn. Vài lần đi mời số thấy tôi là người ta vội đeo khẩu trang rồi cúi mặt xuống bàn khiến tôi thấy cũng buồn buồn. Đa số chúng tôi sáng phải đi bán tiếp tới trưa, có người đi đêm tới 4 giờ sáng về, chợp mắt chút 6 giờ dậy đi tiếp tới 2 giờ chiều, vậy mà chưa bán hết được 150 vé. Đại lý giờ không cho trả số nữa nên bán không hết chỉ có ôm luôn thôi” – ông Ngô Văn Tiến (61 tuổi), kể.

Tôi bán riết quen khu vực đó, chủ yếu là mấy chỗ ăn khuya nên bán nửa đêm mới được. Mệt quá mới về ngủ. Mấy hôm nay mưa rồi dịch bán không được nhưng tui cũng phải ráng bán cho được một nửa, còn lại sáng đi bán tiếp chứ không là không có tiền mà đền số” – bà Hồ Thị Thảo (72 tuổi) với đôi chân sưng húp vì biến chứng của bệnh tiểu đường, nói.

Mỗi ngày, bà Thảo thường đi bán ở khu vực Bến xe Miền Tây từ 15 giờ đến khoảng 3 – 4 giờ sáng thì về.

Mệt thì tôi uống thuốc, đi nằm viện chứ con mình còn phải nuôi cháu mình mà. Sức tôi yếu nên chỉ đi bộ dọc quận 1, quận 5, đi một đoạn mệt lại nghỉ. Mỗi ngày tôi bán từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, không bán hết thì sáng lại đi tiếp. Bán được bao nhiêu tôi sẽ gửi tiền chú Tiến (tức ông Ngô Văn Tiến) chứ mang trong người là bị cướp ngay. Đi bán cũng phải mang tỏi trong giỏ chứ sợ bỏ ngải, nhà này mấy người bị rồi” – bà Hương (79 tuổi), kể.

Có giải thích, sở dĩ người Sài Gòn mua vé số nhiều nhất cả nước không hẳn chỉ vì mong đổi đời, mà đa phần phát sinh từ sự đồng cảm với sự cơ cực của người bán vé số! Đó mới chính là tính nhân văn của người Sài Gòn!

… Đến tận hôm nay, không ai dám chắc là những phận đời tha hương ấy, giờ ở tuổi gần đất, xa trời, họ liệu cầm cự được bao lâu nữa…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)