Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: Chích ngừa Covid và nhân quyền

Lê Tự Do

(VNTB) – Nhiều người dân ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bày tỏ bức xúc khi nhận được thông báo của UBND huyện về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 4 ngừa Covid-19.

Cụ thể, thông báo số 20 ngày 21-6-2022, do ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, ký ban hành có quy định nếu người dân không chấp hành việc tiêm vắc-xin mũi 4 ngừa Covid-19 thì đề nghị UBND các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp: Không cho phép đi ra khỏi địa bàn nơi cư trú; Không được tham gia các hoạt động công cộng; Không giải quyết các thủ tục hành chính, bắt buộc người dân tiêm mũi 4 mới giải quyết các thủ tục hành chính.

“Bất hợp lý quá rõ ràng. Dịch Covid-19 ở miền Nam đã hạ nhiệt gần tròn năm. Anh không thể dùng những biện pháp của thời zero covid, áp dụng vào thời điểm bình thường mới, huống chi là cuộc sống bình thường. Hậu quả áp dụng chính sách bắt nhốt – giãn cách – xét nghiệm diện rộng từ phương pháp chống dịch của ông Vũ Đức Đam, đã thấy quá rõ. Anh không có quyền vì cái này cái kia mà cấm đoán người dân đi lại được”, ông Hai bức xúc.

Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 13 Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế (UDHR 1948). Điều này khẳng định: Mọi người đều có “quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia” và “quyền rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết hoặc tham gia nhiều Điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh như: Công ước Viên về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên về quan hệ lãnh sự, Công ước Chicago, Công ước về quyền ưu đãi miễn trừ Liên hợp quốc… Chính phủ Việt Nam đã ký kết 78 hiệp định và thỏa thuận song phương về việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân với các nước và vùng lãnh thổ; ký hiệp định biên giới với các nước láng giềng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nhau qua lại.

Nói đi cũng nói lại, giải thích cho lý do vì sao không cho người dân rời khỏi nơi cư trú, không được tham gia các hoạt động công cộng…, theo văn bản, thì việc làm ấy nhằm mục đích: “Để tránh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và lây lan cộng đồng. Đề nghị Uỷ ban Nhân dân các xã, thị trấn và người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm các nội dung trên”.

Tuy nhiên, không biết có phải vì mặc dù là chính quyền địa phương nhưng lại không cập nhật hoặc không hiểu tin tức, thông báo từ Bộ Y tế hay không, mà văn bản lại có vẻ như là đang… đi ngược với Bộ Y tế…

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, ngày 1-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch Covid-19 và là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc cũng như độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch với một số lý do sau:

Thứ nhất, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên triển khai tiêm vắc-xin tự nguyện, hơn là bắt buộc.

Thứ hai, việc sử dụng vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vắc-xin với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội… và chưa bắt buộc tiêm vắc-xin với trẻ em 5-12 tuổi.

Thứ ba, các vắc-xin phòng Covid-19 vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả của sử dụng vắc-xin.

Chính vì những lý do đó, việc tiêm vắc-xin chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.

Có thể thấy, mặc dù tình trạng căng thẳng, giãn cách theo chỉ thị 16 rồi siết chặt chỉ thị 16, đã trôi qua được gần tròn năm, song, bất ngờ thay, vẫn còn địa phương lại thực hiện “cấm đoán” để buộc dân chúng phải chích vắc-xin.

Nếu như báo chí, truyền thông không phản ánh, liệu rằng có xảy ra tình trạng “phép vua thua lệ làng”? Hay mỗi địa phương là mỗi “ông vua bà chúa” như thời ông Vũ Đức Đam còn làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia?

Và nếu như có bất kỳ một địa phương nào “sẽ còn” thực hiện như huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng, nên chăng, cần có một mức phạt cụ thể cho chính quyền địa phương đó? Bởi nếu chỉ: “Sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, chiều cùng ngày, đại diện UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết huyện đã ban hành Thông báo số 21 thay cho Thông báo số 20 về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 4 ngừa Covid-19”, xem ra, vẫn chưa phải là hợp lý…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Danh Minh Quang bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam

Do Van Tien

VNTB – Bạn đọc viết: Nhìn từ “sai phạm” của trường đại học Tôn Đức Thắng

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Fanpage “công an huyện Nghĩa Đàn” có vi phạm pháp luật?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo