VNTB – Thiên hạ luận: Đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ làm được như nhà nước tư bản

VNTB – Thiên hạ luận: Đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ làm được như nhà nước tư bản

Mỹ Thuận

 

(VNTB) – Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, dường như cũng na ná như nước Mỹ và nhiều quốc gia tư bản khác.

 

Khá bất ngờ khi đó là nhận định gián tiếp của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết có tựa “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, được ông Trọng (hay thư ký gì đó) giải thích về nguyên do chấp bút, là nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) và bầu cử ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 vào ngày 23/5 tới đây.

Trong bài viết này, ông Trọng gián tiếp nhìn nhận về sai lầm ở lối nhận định quen thuộc trước đây của người cộng sản về “tư bản giãy chết”. Ông viết:

“Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học – công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”.

Từ nếp nghĩ có lẽ là rất dũng cảm ở trên, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra nhận định kiểu nước đôi:

“Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. (dừng trích)

Loạt yêu cầu: xã hội dân giàu – nền kinh tế phát triển cao – con người có điều kiện phát triển toàn diện – có quan hệ hợp tác với các nước thế giới… cho thấy dường chừng ông Tổng bí thư đang theo đúng con đường mà ông thừa nhận ngay trong chính bài viết này: “chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học – công nghệ”.

Cái khác ở đây là chủ nghĩa tư bản với quyền tự do chính trị, đa đảng phái; còn Việt Nam thì đơn nguyên, chính trị chịu sự giới hạn trong phạm vi Đảng Cộng sản, song không vì thiếu tính cạnh tranh mà những nhà lãnh đạo Việt Nam không thể quản trị quốc gia hướng đến những thành tựu kinh tế – xã hội như tư bản.

Tuy nhiên nếu ai đó ‘tò mò’ mang so sánh bài viết có đoạn như sau: “và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam” – trích bài báo “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển”, đăng trên tất cả các báo ở Việt Nam vào ngày 17/04/2021, sẽ nhận ra các thế hệ người Việt phải chờ đợi rất lâu nữa, cho kỳ vọng Việt Nam khi ấy sẽ giống tư bản hôm nay.

Chắc rằng đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy cũng không còn trên cõi đời này, để chứng kiến phút chung cuộc đăng quang đó của Việt Nam.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)