VNTB – Thiên hạ luận: hãy để ngày ấy lụi tàn

VNTB – Thiên hạ luận: hãy để ngày ấy lụi tàn

Nguyễn Nam

(VNTB) – Hãy để ngày ấy lụi tàn, ngày mà tôi sinh ra đời và đêm mà người ta nói rằng đã có một con người được kết thành thai…

 

Dịch giả Phạm Nguyên Trường đặt vấn đề: “Nhân 20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, đó đây lại có những bài chê trách người nhạc sĩ tài danh là phản bội miền Nam. Rồi sắp tới 30 tháng 4, lại thấy có những bài viết thanh minh hay lên án Hoàng Phủ Ngọc tường và một vài người khác.

Xin hỏi: Sao không để cho những ngày ấy lụi tàn?

Xét cho cùng, trong những năm 1950, 1960 phong trào cánh tả làm mưa làm gió trên toàn thế giới; nước nào cũng có đảng cộng sản, có nước tới hai, ba đảng cộng sản.

Ở Ý và Pháp phong trào cộng sản có lúc đã làm nghiêng lệch cả bàn cân chính trị. Đảng cộng sản Pháp từng ban hành cương lĩnh chuẩn bị cầm quyền, và hy vọng là sẽ giành được quyền lực bằng con đường nghị trường.

Có thời những bộ óc siêu việt như Jean-Paul Sartre, Bernard Shaw, Betrand Russell… còn tin rằng cộng sản là tương lai của nhân loại, thì những người như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhiều người khác ngả theo cộng sản cũng có gì là lạ.

Nó là trùng trùng duyên khởi. Sự thể lúc đó như thế và người ta đã hành động như thế.

Nhưng họ không phản bội miền Nam.

Họ đâu có biết rằng đời sống ở Việt Nam Cộng Hòa sung  sướng hơn, ấm no hơn, tự do hơn đời sống ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Họ thấy các quan chức Việt Nam Cộng Hòa tham nhũng, còn quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, dù có thể là những kẻ chẳng ra gì, nhưng lại là những người gần dân và có đời sống mà nhìn bên ngoài thì đạm bạc thanh bần. Họ đâu có biết rằng tham nhũng quyền lực mới là tham nhũng bỉ ổi nhất, xấu xa nhất.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng không hứa hẹn với họ tiền bạc hay địa vị cao sang. Nó chỉ hứa rằng nếu ở đô thị thì sẽ phải chịu hơi cay và dùi cui, còn “nhảy núi” thì đói rét, bệnh tật, bom đạn và chết chóc.

Thiết nghĩ, sai lầm của họ cũng là sai lầm của cả nhân loại, của cả thời đại. Lương tâm tự cắn rứt cũng đủ khổ rồi.

Cho nên xin trả lời câu hỏi bên trên như sau: xin hãy quên đi, hãy để ngày ấy lụi tàn!”…

“Hãy để ngày ấy lụi tàn” mà dịch giả Phạm Nguyên Trường nói đến, có lẽ đó là một câu từ Cựu ước: Let the day perish where in I was born – Hãy để ngày ấy lụi tàn, ngày mà tôi sinh ra đời và đêm mà người ta nói rằng đã có một con người được kết thành thai…

Tôi có một người bạn luôn kể về những câu chuyện thời thơ ấu.

Một anh chàng bạn thân luôn thích hàn huyên, tâm sự về những điều tồi tệ đã xảy ra từ rất lâu rồi. Một cô bạn người quen lại thích kể về những kinh nghiệm và bài học mà cô đã rút ra được sau những sự cố của cuộc đời. Một chú hàng xóm luôn tán dóc về những câu chuyện thời chinh chiến.

Và tôi cũng không ngoại lệ – một người thích bàn luận về những câu chuyện đã đi vào dĩ vãng. Dù bằng cách này hay cách khác thì con người có vẻ không thể ngừng nhắc đến “quá khứ”. Vậy điều gì đã khiến cho quá khứ luôn níu kéo tâm hồn mỗi chúng ta?

Câu trả lời với riêng tôi là đồng ý hãy để ngày ấy lụi tàn, nhưng không thể quên nó, vì đó là phần tất yếu của lịch sử mà người dân Việt cả hai miền đã bị lừa dối, bị xí gạt bằng cách này hay cách khác đến độ tận hôm nay dường chừng vẫn chưa thoát được cái bóng ma lởn vởn của chủ nghĩa cộng sản tương tự như điều mà dịch giả Phạm Nguyên Trường nhắc đến ở trên.

Một người bạn của tôi nói rằng là thương nhân, ông rất khó hiểu về yêu cầu của “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong thực thi nền kinh tế thị trường. Khó hiểu vì đã chưa rõ hình hài đại lộ/ tiểu lộ của con đường “xã hội chủ nghĩa”, thì cách nào để gọi là “định hướng” cho chuyện làm ăn?

“Tất cả mọi người đều phạm sai lầm, đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong thế giới kinh doanh, những bước đi sai lầm có thể mang đến rủi ro lớn cho doanh nhân” – ông bạn của tôi đã kết như vậy khi cho rằng có nhiều việc, cần làm sao để ngày ấy lụi tàn cho lề lối tư duy quản trị X.Y.Z. nào đó.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)