Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: Hệ lụy của mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN

Định Tường

(VNTB) – Đeo đuổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đặc thù của Việt Nam, nên khó nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng. Mô hình này duy nhất có ở Việt Nam.

Phân trần ở diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng đặc trách y tế – ông Vũ Đức Đam khá dũng cảm khi nói rằng, cả thế giới chỉ có Việt Nam ‘liên doanh, liên kết’ trong bệnh viện công.

“Ở các nước thì công là công, tư là tư. Khi anh đã liên doanh, liên kết với tư nhân nghĩa là anh hạch toán theo tư nhân. Mô hình liên doanh, liên kết này và khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công thực sự giải quyết bài toán thực tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhưng tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn. Chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị chỉ có một cách là công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ các khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu từ đó”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm.

Bên lề của ‘thú nhận’ trên, có ý kiến chắc cũng chỉ có mỗi Việt Nam là có vụ như “Việt Á”, bởi cũng chỉ Việt Nam mới có phí điều trị thuộc dạng đắt nhất trong chuyện người bệnh nằm chen chúc trong bệnh viện công đến mức nhiều khi 4 người trên một giường và người bệnh nhẹ phải nhường phần giường này cho người bệnh nặng hơn;

Và chắc cũng mỗi Việt Nam sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tăng học phí cùng với giá sách giáo khoa, chưa kể là không tìm nguồn xăng/ dầu giá rẻ để giá xăng dần lên mức cao nhất thế giới so thu nhập của đại đa số người lao động cần lao Việt Nam.

Cá nhân người viết bài này cho rằng căn nguyên của vấn đề là cần có hành lang pháp lý chung cho cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong việc quản trị nền kinh tế thị trường. Không thể khi xảy ra chuyện gì đó thì lại đổ thừa kiểu “mô hình này chỉ có ở Việt Nam”.

Là một phó thủ tướng được phân công phụ trách mảng y tế, đồng thời cũng có thời gian dài ông ấy là quyền bộ trưởng y tế thì lẽ ra ông ấy phải đưa ra những yêu cầu thay đổi chính sách cụ thể, thay vì biện minh như cách ở trên!

Ở đây, tôi nghĩ ngài phó thủ tướng cần dũng cảm hơn để nhìn thẳng vấn đề năng lực nhân sự đang chịu trách nhiệm quản trị quốc gia. Lâu nay chắc ngài và cả hệ thống chính trị đều hiểu rõ rằng do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ mà người bệnh không có quyền thỏa thuận, mặc cả chuyện trả giá, do vậy, đối với khối tư nhân, thì các ngài nhân danh quản lý nhà nước cần có cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh…

Ở đây, thiết nghĩ người đứng đầu Bộ Chính trị cũng nên thẳng thắn nhìn nhận là vì sao bệnh viện công lập của một nhà nước luôn lớn giọng rằng “của dân – do dân – vì dân”, nhưng lại thu tiền người bệnh, không được như “nhà thương thí” của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây?

Sài Gòn thời đó có nhiều bệnh viện công do nhà nước quản lý như nhà thương Chợ Rẫy, nhà thương Chợ Quán, Bình Dân, Nguyễn Văn Học, Từ Dũ, Hùng Vương hay nhà thương Hồng Bàng, Vì Dân… Người dân vào chữa trị ở các bệnh viện này đều được miễn phí hoàn toàn, nên còn gọi là nhà thương thí. Mang danh nhà thương thí nhưng y bác sĩ tận tâm, chữa trị đến nơi đến chốn.

Đương nhiên ở nhà thương thí thì điều kiện sinh hoạt không được tốt như những nhà thương tư. Nhưng không nghe nói có cảnh ba bốn người một giường, hay điều kiện vệ sinh quá nhếch nhác như một số bệnh viện công bây giờ. Cũng không nghe nói có cảnh phải phong bì bồi dưỡng từ y công, y tá đến bác sĩ như lâu nay.

Thuở đó Sài Gòn cũng có nhiều bệnh viện tư dành cho người có tiền như bệnh viện Đồn Đất (Grall của Pháp) hay các bệnh viện của bang hội người Hoa như Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Sùng Chính… mở ra nhiều ở Sài Gòn.

Nằm nhà thương tư thì sạch sẽ, thoáng mát nhưng nếu gặp biến cố hay ca khó, bệnh nhân cũng đều phải chở vào nhà thương công, bởi mang danh là nhà thương thí nhưng ở đó đều quy tụ bác sĩ giỏi và các sinh viên y khoa ưu tú nội trú ở đấy. Họ giỏi về chuyên môn và đối xử với bệnh nhân bằng y đức. Sanh con so hay khó sinh thì phải vào nhà thương Từ Dũ, Hùng Vương, lao phổi thì phải vào nhà thương Hồng Bàng.

Tôi biết không chỉ ông Vũ Đức Đam mà các vị còn lại trong Bộ Chính trị đều không thể hình dung nỗi vì sao thời Việt Nam Cộng Hòa, khi đã gọi là trường công, bệnh viện công thì dứt khoát con em đi học không tốn tiền, dân chúng nằm viện không tốn tiền.

Giờ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nói thì bị chụp mũ “phản động”, hễ ai mang bệnh thì giàu có không nói làm chi, chứ từ khá sẽ xuống nghèo, nghèo xuống mạt và chẳng còn chi để sống, bán hết đất hết vườn hết ruộng hết nhà vì bệnh.

Bởi vậy nên người miền Nam mới tiếc cái nhà thương thí biết bao nhiêu.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là vậy thôi mà!

Phan Thanh Hung

VNTB – Luồng Quan Chánh Bố kém hiệu quả là điều đã được cảnh báo trước

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam đang thay đổi cách hiểu về ‘định hướng XHCN’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo