(VNTB) – “chúng ta sẽ tự lật đổ chúng ta chứ không phải do kẻ thù” – Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng
Nhìn nhận giai đoạn tồn tại và phát triển của TP.HCM, từ năm 1976-1979, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh (1975 -1976, và 1981 -1986) đã đúc kết 5 vi phạm:
“Cái vi phạm đầu tiên của chúng ta là đã không đủ bình tĩnh để nhìn thành phố một khi được giải phóng hiển nhiên trở thành tài sản của chế độ ta… Tàn dư của tư tưởng và tâm lý nông dân cộng với ít nhiều “kiêu ngạo cộng sản” chừng nào đó chi phối nhãn quan và tình cảm của chúng ta trong một thời gian nhất định…
Cái vi phạm thứ hai là chúng ta chưa nhận thức được thực trạng kinh tế -xã hội của thành phố, qua 21 năm sống dưới chế độ thực dân mới, đã là một khu vực có trình độ phát triển tư bản nhất định… Chúng ta vội vàng lên án, vội vàng sửa đổi cơ chế của nó, phủ nhận từ khoa học quản lý đến quy trình kỹ thuật, loại bỏ bộ máy quản lý cũ…Cái gây tổn thất nặng nề nhất là chúng ta xé lẻ các cơ sở, đưa lối quản lý hành chính thay cho quản lý kinh tế…
Cái vi phạm thứ ba là chúng ta không đủ hiểu biết về lịch sử của quá trình hình thành và vai trò của nền công nghiệp thành phố trong cơ cấu công – nông nghiệp của khu vực.
Cái vi phạm thứ tư là chúng ta chưa đánh giá chặt chẽ những tồn đọng mà chế độ mới phải giải quyết… Đồng thời chúng ta thiếu cảnh giác đối với những biểu hiện tiêu cực nội bộ vốn bắt nguồn từ lâu trong chiến tranh, trong cơ chế hành chính quan liêu bao cấp nay tìm được môi trường xuất đầu lộ diện và phát triển…
Cái vi phạm thứ năm – vi phạm nghiêm trọng nhất – là chúng ta chưa xác định thật rõ hai mục tiêu của hoạt động kinh tế thành phố: mở rộng và nâng cao sản xuất và cải thiện đời sống cho nhân dân.
…
Và điều nghiêm trọng hơn là sự xao xuyến trong một bộ phận nhân dân, sự rối bời hoang mang trong một bộ phận cán bộ cách mạng”. (Trích Nguyễn Văn Linh – TP.HCM 10 năm – chương III – Đối mặt với những thử thách – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2015).
Ông Mười Cúc – tên thường dùng của ông Nguyễn Văn Linh, đã gọi khoảng thời gian 1976-1979 là thời kỳ “khủng hoảng trưởng thành của thành phố”.
Phải chăng, với tư duy, thái độ “nhìn thẳng vào sự thật” thông qua “5 cái vi phạm” nói trên mà ông cùng những người chung vai sát cánh thời kỳ ấy đã bước thẳng tới cột mốc 1-9-8-6.
Hơn 40 năm sau, liệu những-người-đang-đứng-đầu của thành phố này, có tiếp nối tinh thần, thái độ, hành động “nhìn thẳng vào sự thật” để từng bước mà vượt qua cái tạm gọi là thời kỳ “khủng hoảng phát triển của thành phố”?
Hôm 28/4 vừa rồi, trong cuộc gặp nhân dịp lễ 30/4 của Thành ủy TP.HCM, ông Lê Kiên Thành – con trai của Tổng bí thư Lê Duẩn, người mà tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ III, ngày 8/11/1983 đã hiệu triệu TP.HCM “vì cả nước – cùng cả nước”- đã đặt ra 3 câu hỏi:
“Chủ tịch thành phố có nói chúng ta làm ra gần 30% GDP của cả nước, thế tại sao chúng ta không là thành phố đáng sống nhất, tại sao chúng ta không là nơi hấp dẫn đầu tư nhất?
Tại sao sau 46 năm giải phóng những tệ nạn mà chúng ta hay nói là sản phẩm của chế độ cũ như xì ke ma túy, đĩ điếm… không giảm mà có phần tăng lên?
Và tại sao lãnh đạo của một thành phố quan trọng và to lớn thế này hai nhiệm kỳ vừa qua của Đảng không còn được tín nhiệm giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy như thời kỳ trước?”.
Cũng là Chủ tịch thành phố, cũng là câu hỏi, ngày 19/4, theo tường thuật của báo Pháp luật: “Tại sao Quảng Ninh 4 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân toàn quốc về chỉ số PCI mà TP.HCM lại tụt hạng?”, “Vừa rồi báo cáo với tôi, đơn vị nào cũng xuất sắc. Xuất sắc tại sao tụt hạng?”…
Và người đứng đầu chính quyền thành phố này chốt hạ: “Hơn ai hết, không ai hiểu mình bằng mình đâu. Mình không tự đánh giá chính xác mình sẽ dẫn đến những cái chủ quan”.
“Tự đánh giá chính xác mình” trên cái nền “nhìn thẳng vào sự thật”, liệu thế hệ lãnh đạo của nhiệm kỳ chuyển tiếp vừa qua có đủ thành thật và (vốn dĩ) thừa thải tinh thần khoa học mà đúc kết, mà nhìn nhận những “5 cái vi phạm” như người tiền bối?
Bởi cuối cùng, “không ai hiểu mình bằng mình”; và cũng chỉ có mình mới tự làm suy yếu chính mình, “chúng ta sẽ tự lật đổ chúng ta chứ không phải do kẻ thù” – như lời nguyên Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng khi nói về công tác cán bộ – tức con người.