Hiền Vương
(VNTB) – “Chống dịch như chống giặc, vậy mai này lại kêu gọi sống chung với dịch, hóa ra là mình sống chung với giặc à?”
Chống dịch như chống giặc mà quân thù mới trước ngõ đã quân hồi vô phèng thì sao mà chống được (?!).
Trong cuộc họp chi bộ online mới đây của một số đảng viên vốn là cánh nhà báo nghỉ hưu, một nhà báo từng chuyên trách mảng nghị trường, đặt vấn đề vầy: “Đồng chí Tổng bí thư nhà mình hồi năm ngoái hô hào cần đoàn kết để chống dịch với tinh thần ra trận như chống giặc.
Nay giả dụ như phải thay đổi sách lược để chung sống hòa bình với con cúm Tàu, không lẽ hô hào giờ thôi, mình cứ sống chung với giặc đi các đồng chí à. Bởi trước dẫu họ là giặc xâm lược bành trướng Bắc Kinh đi nữa, thì sau đó, họ cũng trở lại là đồng chí cả thôi!”.
Tôi không muốn gọi việc phòng, chống cơn đại dịch này là một cuộc chiến, vì không muốn xem ai là kẻ thù, cả với con virus corona mà chúng ta không thể thấy được bằng mắt thường kia, bởi như thế thì càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi, lo âu và nghi kỵ, vì nó có thể ở trong bất cứ người nào, cả người thân của mình, hay chính chúng ta.
Những ngày này, nhìn kỹ lại mới thấy, người ta không chỉ cần thực phẩm hay vắc-xin, mà những dư chấn của cơn dịch này về các mặt sức khỏe tâm lý, và xã hội xem ra còn trầm trọng hơn nhiều!
An nhiên sao được khi con hẻm kế bên bị phong tỏa lần nữa, sau đó mấy hôm thêm bốn ca dương tính rồi quán cơm gần đó cũng bị phong tỏa. Lại rơi vào sự im lặng đáng sợ ngoại trừ tiếng còi hụ của xe cứu thương và tiếng xe phun thuốc khử trùng. So với ba đợt dịch trước, lần này virus mạnh hơn, lây lan nhanh hơn đồng thời kéo theo sự chán nản, mệt mỏi, lo sợ cũng nhiều hơn.
Và giờ không dừng lại là nỗi sợ nữa, mà bắt đầu dần hiện thực: chết đói trước khi chết vì dịch.
Các chợ tự phát bị cấm từ 2 tuần lễ trước rồi. Hàng loạt chợ đầu mối đã được lệnh dừng vì có các ca nhiễm. Nhiều siêu thị dừng nhận đơn hàng online vì không đủ người đi giao. Hàng quán thì đóng cửa từ cuối tháng 5-2021. Người dân chạy ăn từng ngày họ ráng lây lất và giờ lâm cảnh kiệt quệ vì ngay cả khi họ bệnh, họ cũng khó khăn hơn khi vào khám ở bệnh viện.
Nếu quả tình ‘bề trên’ vẫn tâm thế chống dịch như chống giặc, có lẽ cần thấy rằng việc chính quyền địa phương như TP.HCM kịp thời quyết định thông qua gói hỗ trợ 886 tỷ đồng cho người dân thành phố này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, là ‘quân lương’ cần kíp cho chống dịch như chống giặc.
Con số 886 tỷ đồng ở một góc nhìn khác so với con số đóng góp vào nguồn thu ngân sách 371.000 tỷ đồng trong năm 2020, thì gói cứu trợ này chỉ chiếm tỷ lệ 0,24%. Còn so với con số 18% thu ngân sách được giữ lại cho thành phố (tương đương gần 67.000 tỷ đồng) thì gói hỗ trợ này chiếm tỷ lệ 1,33%.
Đó có thể nói là con số không lớn, nhưng cũng đã là con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh chính quyền TP.HCM phải căng nguồn lực ngân sách địa phương ra để gồng mình chống dịch suốt từ năm ngoái đến nay.
Bề trên Trung ương cũng nên điều chỉnh nguồn lực chung để tiếp sức cho chính quyền TP.HCM vượt qua thử thách lần này, bởi phía trước vẫn là một chặng đường dài khó lường mà thành phố đầu tàu kinh tế của đất nước phải băng qua để tiếp tục giữ cột trụ phát triển. “Chân trụ” mất thăng bằng thì nền kinh tế đất nước rất dễ rơi vào kịch bản bị “đốn ngã”, và khi ấy tin rằng “tứ trụ triều đình” cũng lung lay theo…
Còn hiện tại xin như câu thơ của Kahlil Gibran được dân mạng nhại lại mấy tháng nay trên mạng xã hội:
‘Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Y tế phường chưa đến để giăng dây’…