VNTB – Thiên tử cầu mưa

VNTB – Thiên tử cầu mưa

Hiền Vương

(VNTB) – Mỗi khi gặp hạn hán thì vua quan đều phải xem lại bản thân mình có làm gì sai không, làm biểu tạ tội với trời đất, thật tâm sửa lỗi, từ đó việc cầu đảo mới linh ứng.

Đại Việt Sử ký Toàn thư và các sử liệu khác có ghi chép, người xưa kính trời kính đất, mỗi khi gặp thiên tai đều cho rằng đó là cảnh báo của thiên thượng. Vì thế mỗi khi gặp hạn hán thì vua quan đều phải xem lại bản thân mình có làm gì sai không, làm biểu tạ tội với trời đất, thật tâm sửa lỗi, từ đó việc cầu đảo mới linh ứng.

Vào năm 1449, khi có đại hạn, vua Lê Nhân Tông khi “đảo vũ ở cung Cảnh Linh; lại sai Bùi Cầm Hổ đến núi Tản Viên và núi Tam Đảo làm lễ cầu mưa nhưng đều không ứng nghiệm”, nhà vua bèn hạ chiếu xét mình.

Bài chiếu đại lược nói: “Luôn mấy năm nay hạn hán, thóc lúa hỏng, không thu hoạch được; dân tình sầu oán! Có lẽ vì trẫm không hết sức thành thực để cảm cách lòng trời, không tròn đạo hiếu để kính thờ tông miếu? Lại không biết sử dụng người hiền năng, còn những người mình dùng đó đều là hạng người mờ tối nhỏ nhen mà nên nỗi chăng?.

Hay là nạn hối lộ thịnh hành và việc nữ sắc quá nhiều chăng? Hay là không cẩn thận tiết độ trong việc tiêu dùng, làm hao hại tiền tài của dân chăng? Hay là đại thần giúp rập chưa làm hết phận sự điều hòa xoay chuyển trời đất chăng? Tướng súy và bầy tôi nơi phiên trấn chưa biết yêu thương quân dân, làm nhiều việc xà xẻo, bóc lột chăng? Các chức thú lệnh không biết vỗ về chăn nuôi dân, chỉ chăm bề xâm phạm đục khoét của dân mà đến nỗi thế chăng?

Hay là quan coi hình ngục không biết giữ sự công bằng, chỉ rông rỡ tham lam khắc nghiệt, khiến cho oán khí bốc xông lên trên đến nỗi thế chăng? Hay là các quan thừa hành chỉ chuyên ưa chuộng giấy tờ hư văn, làm cho ơn trách không nhuần thấm xuống dưới, tình hình kẻ dưới không đề đạt được lên trên chăng?

Những nhà quyền quý cậy thế ra oai làm cho người dân nhỏ mọn phải chịu oan uổng chăng? Người làm chủ súy đạo lộn công lao của quân nhân, làm hại đến phép công chăng? Chằm (đầm) đã khô cạn không có cá, thế mà ngạch thuế vẫn chưa giảm bớt, dân còn phải nộp thuế khống chăng? Con cháu các nhà công thần kỳ cựu chưa lục dụng được hết chăng? Những lỗi lầm dồn dập chứa chất ấy làm thương tổn đến khí hòa thuận của trời đất. Vậy nay nếu không kê cứu lời xưa dạy bảo sửa lỗi và tìm hết đường lối xét mình thì làm thế nào để trên có thể xoay lại lòng trời, dưới có thể cứu chữa đau khổ cho dân được?” – trích ghi chép của Đại Việt Sử ký Toàn thư, quyển XI.

Trong chương “Ái dân”, sách “Minh Mệnh Chính Yếu” (đây là bộ sách lớn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn gồm 25 quyển, 22 thiên; nội dung trích những văn kiện, ghi những việc làm thiếc yếu dưới triều vua Minh Mệnh: sinh hoạt cung đình, hình luật, lễ nhạc, ngoại giao, trị an, khai hoang, khẩn hoá…) có đoạn về chuyện mùa hè năm 1824 hạn hán, trời lâu ngày không mưa, vua sai các quan làm lễ cầu đảo nhưng mưa không xuống. Vua lo lắng nói với các quan rằng:

“Từ khi trẫm lên ngôi đến nay, không ngày nào là chẳng lấy sinh dân làm lo, sao lại gặp hạn này vậy. Hay là về chính trị có thiếu sót chăng? Trẫm thấy các vua đời trước, gặp tai biến thì xuống chiếu trách mình và cầu lời nói thẳng. Ôi! Lỗi của mình thì mình tự trách vậy, sao lại phải xuống chiếu; đến việc cầu lời nói thẳng là một việc hư văn. Trẫm ngày thường vẫn mong những thần hạ đều được nói hết lời, há phải đợi đến có thiên biến rồi mới cầu lời nói thẳng hay sao?”…

Mượn xưa nói nay, liệu có phải vận nước đang vào hồi suy kiệt đối với chính khách từng được ví là “Minh quân” ở thế kỷ 21 của Việt Nam? Về tâm linh, việc hạn hán kéo dài hiện nay liệu có phải là cảnh báo của trời đất cho đường lối trị quốc của Tổng bí thư?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)