(VNTB) – Tại sao cứ mãi loay hoay khi mọi thứ đã có sẵn?
Để tổ chức một đám cưới, người ta đặt nhà hàng, đặt món trước khi phát thiệp. Nhìn những bước phát lương thực cho dân ở Tp.HCM, tôi có cảm tưởng người ta mời khách tới xong, mới bắt đầu đi kiếm nhà hàng.
Bằng kinh nghiệm và quan sát cá nhân, tôi có đôi lời góp ý về việc thiết lập hệ thệ thống phân phối đến với Chính Quyền Tp.HCM.
Đầu tiên, nhất định phải mở lại hệ thống phân phối cho các tiểu thương các chợ Đầu Mối lớn. Từ đây, nguồn hàng sẽ phong phú hơn, giá cả sẽ giảm hơn.
3-5 tiểu thương sẽ chịu trách nhiệm cung cấp nông sản cho 5-7 phường/ngày. Những phường có lò mổ sẽ hỗ trợ các phường không có lò, hoặc nhập nguồn thịt đã được kiểm định từ các tỉnh thành lân cận.
Có nhiều người sẽ hỏi, chỉ là 3-5 tiểu thương làm sao có thể cung ứng đủ lượng nông sản cho 5-7 phường/ ngày? Vậy tôi sẽ trả lời câu hỏi này. Trước khi có siêu thị, hệ thống này đã cung ứng đủ cho các chợ truyền thống, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân toàn bộ Tp.
Các tiểu thương cung cấp hàng bằng xe tải lớn hoặc xe container nên lượng hàng cung ứng sẽ rất lớn. Đối với những đường cấm container thì họ có thể điều xe tải lớn. Với tần suất, mỗi nhà được đặt mua 2 lần/ tuần, hàng được đặt trước 24h thì lượng hàng hóa họ có thể cung ứng hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Mỗi phường, tìm 10 thanh niên không nhiễm lập thành một tổ chuyên bốc vác hàng. Lái xe chỉ xuống xe mở cửa, lái xe không bốc hàng, bốc hàng không lái xe. Mỗi phường sẽ đặt hàng cho các tiểu thương theo đơn đặt hàng có trước đó của người dân. Gía cả sẽ lấy lời một chút đề phòng trường hợp nông sản hư hao, nhưng thường sẽ rất ít. Vì rau củ của tiểu thương các chợ đầu mối là rau củ khô.
Rau củ khô nghĩa là sao? Rau củ sau khi thu hoạch sẽ được sấy quạt khô hoàn toàn nước ứ động, có vẻ héo nhưng không úa. Thường thì tiểu thương ở các chợ nhỏ sẽ mua rau củ này về ngâm nước, sáng đem ra chợ bán. Rau được ngâm cỡ nửa tiếng cọng nở ra, nặng hơn, tươi hơn. Rau củ sấy khô bảo quản tốt để được 24-36 tiếng không hề hư hao.
Các phường mua rau này về đảm bảo tiết kiệm cho dân rất nhiều. 1 kg rau khô sẽ bằng 2-3 kg rau tươi(rau qua ngâm nước), đáp ứng đủ lượng nông sản cần trong 2-3 ngày đối với 1 hộ gia đình. Thậm chí không sợ úa nếu không có tủ lạnh.
Sau khi bốc hàng xuống, sẽ có một đội phân phối hàng theo đơn đặt hàng. Nên nhờ một tiểu thương hướng dẫn chia hàng sao cho nhanh. Một đội 10 người, chia hàng từ 10h tối đến 10h sáng có thể chia hơn 5000 nghìn túi hàng (nếu được hướng dẫn chuyên nghiệp). Sẽ có một số ý kiến cho rằng: Không để các cán bộ nghỉ ngơi à? Câu trả lời là: Đây là thời khắc “chiến đấu” cho Dân, ra chiến trường, giặc đánh giờ hành chính thôi à? 1-4 tuần này, là thời gian các bạn tận lực cống hiến cho dân. Làm đi và ít than mệt lại.
5h30 phút, đội vận chuyển phát lương thực bắt đầu đi phân phát những phần hàng được phân chia lúc 10h đêm qua đến 0h chẳng hạn. Mùa này, dân nào ra khỏi nhà được để đi làm giấy tờ, công chứng này nọ? Huy động lực lượng bàn giấy này xoắn tay áo giúp dân đi chứ!
Một kg hành, Mối bỏ 25 ngàn nếu là hành hương(hành gốc trắng muốt), 15 ngàn nếu là hành thường. Phường có thể lấy về bán cho dân mỗi kg nông sản lời 10 ngàn đồng để đắp vào chi phí thiếu hụt khi cân hoặc dập hư.
Một kg cải xoăn nhà lồng giá cao nhất tại chợ đầu mối là 25 ngàn/kg(cải sấy héo). Siêu thị bán hơn 50 ngàn 1kg(cải đã ngâm). Phường bán 40 ngàn 1 kg cải sấy héo(vì cải sấy héo sẽ “nhót”kg nếu không được ngâm qua nước).
Dĩ nhiên là tiểu thương đâu chỉ có hành và cải xoăn. Dân vẫn được lợi hơn là cứ nhất định đợi nguồn cung từ hệ thống siêu thị. Nếu hệ thống phân chia hàng tốt, sẽ tạo ra được một khoản lời nhỏ đủ để hỗ trợ những gia đình khó khăn hơn.
Về thịt cá cũng vậy. Nếu cán bộ thấy khó quá khi phân chia mặt hàng này thì có thể nhờ tới lực lượng “anh nuôi” quân đội. Gía thịt cá thì bán lời 20 ngàn đồng so với giá lò bỏ sỉ là ổn. Gía này vẫn thấp hơn giá siêu thị cung ứng. Một số quận nội thành thì có thể sử dụng hệ thống phân phối này song song với hệ thống phân phối của siêu thị.
Khi xuất hiện đối thủ cạnh tranh, buộc hệ thống siêu thị phải biết mình biết ta mà nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm chăm lo phục vụ khách hàng tốt hơn.
Hỗ trợ người nghèo không có tiền đi chợ ra sao?
Tại mỗi phường, cảnh sát khu vực hoặc tổ trưởng nên thành lập nhóm chat trên một số nền tảng phần mềm công nghệ xã hội. Tại đây, các vị có thể đưa thông tin về những gia đình khó khăn không có khả năng đi chợ. Người dân có thể mua tặng hoặc góp quỹ cho nhau. Rất dễ để minh bạch số liệu mà bà con giúp đỡ.
Tất cả các khoản dôi dư có thể dùng để hỗ trợ những phường có số dân khó khăn đông hơn.
Hiện nay, rất nhiều người dân chưa được thông báo cách thức “đi chợ dùm”. Tại thời điểm cấm ra đường này, một tiếng xe có thể vang cả khu phố. Cách để phổ biến thông tin đi chợ hoặc liên hệ nhờ giúp đỡ lương thực tốt nhất là thông qua hệ thống Loa Phường.
———
Cách thức thực hiện thì rất dễ, thậm chí chỉ cần bắt chước nguyên bản của mấy chị, mấy cô, mấy bà ngoài chợ là được hết. Vấn đề là các vị có chịu làm hay không mà thôi. Tôi hi vọng, các Quận/huyện, phường xã hãy thử áp dụng mô hình này vào thực tế. Hàng trăm nay nay, khi chưa có siêu thị, trung tâm mua sắm. Chợ truyền thống đã thống lĩnh toàn bộ thị trường ăn mặc của người dân một cách toàn diện.
Tại sao cứ mãi loay hoay khi mọi thứ đã có sẵn?
1 comment
Đúng là lời lẽ của một người có tầm hiểu biết,người mà xã hội đang cần.