Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Thời hiệu’ thiệt hại

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Các vụ án sẽ xử xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, không phải theo thời điểm phát hiện.

 

Theo Chánh án Tòa án nhân  dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, những vụ án xảy ra trước khi có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, trái với Nghị quyết, không đúng sẽ phải xem xét lại.

Hậu quả phạm tội phải được tính tại thời điểm xảy ra

“Không thể có việc hành vi, động cơ, mục đích, thủ đoạn thì xác định ở thời điểm sự kiện tội phạm xảy ra, riêng hậu quả thì lại xác định tại thời điểm phát hiện vụ việc, tức khởi tố. Như vậy là không công bằng”, Chánh án nói. Theo Chánh án, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội phải do chính hành vi đó gây ra, chứ không phải do các yếu tố bên ngoài.

“Một lô đất tăng giá, ví dụ ở năm nay là 100 tỷ, sang năm lên 200 tỷ, sang năm nữa lên 300 tỷ. Đó là do thị trường, chứ không phải do hành vi phạm tội gây ra. Nếu chúng ta xác định giá trị đất tại thời điểm phát hiện thì trong thực tế sẽ có những bất cập khác” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình ví dụ.

Thật ra thì trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, không có quy định cụ thể về thời điểm xác định thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự. Việc này nằm trong nguyên lý chung của khoa học hình sự và khoa học về thẩm định giá, dẫn đến việc xác định thời điểm xác định thiệt hại chưa có sự thống nhất giữa trong hoạt động xét xử giữa các toà án khác nhau.

Do đó, để giải quyết vấn đề trên, ngày 3-12-2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ (Nghị quyết 03). Theo đó, tại khoản 2, Điều 10, Nghị quyết 03, thời điểm xác định thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự được chia làm 03 trường hợp khác nhau, cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.

Trường hợp 2: Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.

Trường hợp 3: Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo 02 trường hợp trên thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

‘Hồi cứu’ để xác định khung hình phạt

Nghị quyết 03 đã được ban hành và áp dụng hơn 02 năm, nhưng đến nay, việc hiểu và áp dụng thời điểm để xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các toà án. Có toà án xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, nhưng cũng có tòa án xác định là thời điểm khởi tố vụ án.

Nay như với diễn giải của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ở nghị trường hôm 20-11, cho thấy các luật sư cần xem lại ngay những vụ án đã xử cho thân chủ mình, vì tính “thiệt hại tại thời điểm khởi tố” để xác định khung hình phạt cho thân chủ mình, chứ không tính từ thời điểm có hành vi phạm tội.

Đặc biệt có vụ xử sau thời điểm được coi là thực hiện hành vi phạm tội tới hàng chục năm, khiến “thiệt hại” tăng đến chục lần, từ chỉ xử lý hành chính thành phải xử lý hình sự, hình phạt tù có thể tăng mấy lần. Các luật sư có những trường hợp này cần có kiến nghị giám đốc thẩm ngay, thể hiện “trách nhiệm nghề nghiệp luật sư”.

Lưu ý, phía Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đưa ra quan điểm, rằng đồng ý nếu chọn thời điểm hành vi thực hiện phạm tội thì có những vụ án 5-10 năm sau mới điều tra, truy tố, xét xử. Sau 5-10 năm đó, đất đai đã lên gấp 10 lần, thậm chí hơn 10 lần; có những trường hợp phạm tội xong rồi, nếu xác định thời điểm đó tính ra giá trị thì “bị cáo lãi”. Chẳng hạn thời điểm đó giá 100 tỷ, nhưng 10 năm sau giá đã lên tới 1.000 tỷ. Nếu tính thiệt hại ở thời điểm hành vi phạm tội thì gây thiệt hại có 100 tỷ.

“Nên tôi có nói tình huống thứ hai là cơ quan nhà nước không có chủ trương và không có nhu cầu bán hay chuyển nhượng tài sản, đất đai đó cho đối tượng đó, nhưng vì đối tượng này móc ngoặc để mua cho bằng được qua các thủ tục không đúng pháp luật thì mới có vụ án. Nếu không có sự móc ngoặc này thì đất còn nguyên ở đó, 10 năm sau lên bao nhiêu lần thì Nhà nước hưởng chứ làm sao lại có chuyện bắt Nhà nước phải tính vào thời điểm hành vi vi phạm pháp luật được”, ông Trí phân tích.


Tin bài liên quan:

VNTB – “Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh, nhưng để bảo vệ được lẽ phải, cần có sức mạnh”

Phan Thanh Hung

Từ “kế hoạch hóa” đến “bất kể kế hoạch”

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam đang có nhiều bộ lạc…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.