VNTB – ‘Thổi ống”: ghi chép từ vỉa hè mùa dịch corona

VNTB – ‘Thổi ống”: ghi chép từ vỉa hè mùa dịch corona

Út Sài Gòn

(VNTB) – Qua ‘nhờ vả’ của một biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo, Út tui nhận lời làm thử vai thầy ký ngồi biên chuyện vỉa hè thời ‘thổi ống’ đo nồng cồn mùa dịch corona.

Từ ngày 15-5-2020 đến ngày 14-6-2020, cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước đã ‘ra quân’ dừng xe kiểm tra hàng loạt giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy tờ xe, bảo hiểm xe, đăng kiểm xe…, đồng thời kiểm tra nồng độ cồn. Dịch corona ở Việt Nam chưa qua, với yêu cầu ‘thổi ống’ của CSGT đang gây nhiều ý kiến đa chiều từ phía người dân.

Điều mà không ít người dân băn khoăn chính là thiết bị đo nồng độ cồn. Trong khi chính phủ liên tục nhắc nhở người dân dịch corona ở Việt Nam vẫn chưa hết; người dân cần có những biện pháp cụ thể để phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, xã hội thì với hành động thổi ống đo nồng độ cồn, một số người dân rất e dè.

“Mình thấy trong khoảng thời gian này không nên làm chuyện đó. Tại vì nhà nước đã khuyên người dân hạn chế đến nơi đông người, về nhà phải vệ sinh, rửa tay, nhiều phương pháp phòng dịch, mà hành động của CSGT như vậy làm người dân như mình sợ quá trời”, ông Ba, một cư dân Sài Gòn chia sẻ.

“Người dân nhiều người sợ cái dịch này lắm. Thổi nồng độ cồn là tốt, hạn chế tối đa say xỉn lái xe gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Hồi trước Tết, cũng cái vụ thổi nồng độ cồn làm dư luận xôn xao, ồn ào đủ thứ. Rồi dịch, kẹt quá, mấy ổng tạm ngưng, giờ dịch mới giãn ra được có tí xíu, mấy ổng làm trở lại, là người tham gia giao thông như mình, cho dù không có nhậu đi chăng nữa, kiểm tra giấy tờ không thành vấn đề, nhưng kêu thổi ống, mình cũng e dè.

Làm sao mình có thể biết chắc được cái thiết bị đó được đảm bảo an toàn sức khỏe hay không? Mà giờ kêu thổi, mình không đồng ý thổi mắc công bị kêu không chấp hành lệnh của người thi hành công vụ. Đường nào cũng lôi thôi. Hành động có thể tốt như theo mình, là sai thời điểm”, ông Bình bày tỏ suy nghĩ.

“Đồng ý là họ có nói khi kiểm tra nồng độ cồn thực hiện theo điện chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của Bộ Y tế, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thao tác sử dụng thiết bị, bảo đảm vệ sinh, sát khuẩn dụng cụ đo, sử dụng từng ống thổi riêng cho từng người, bảo quản và tiêu hủy đúng quy định của ngành y tế đối với găng tay, khẩu trang, ống thổi đã qua sử dụng. Nghe có vẻ an tâm khi thổi ống, nhưng làm sao mình có thể biết được họ có làm đúng như vậy không? Làm sao mà người dân có thể kiểm chứng được đây?”, một người dân tỏ ra ngờ vực.

Một số người dân khác tỏ ra lạc quan hơn về các trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn. “Nếu mỗi người thổi một ống khác nhau, cũng an toàn, chẳng sao cả”, ông Mạnh cho biết. Song cũng có một số ý kiến cho rằng, việc CSGT ‘thổi’ dừng cùng lúc nhiều xe máy lại, đông người tập trung cùng một chỗ, liệu có đảm bảo được việc tránh tụ tập đông người trong mùa dịch corona?

“Tiếp xúc gần nhiều quá trong nước mình không biết có bị lây dịch hay không? CSGT tiếp xúc với nhiều người rồi dụng cụ nhiều người sử dụng, như mình sợ chứ, nhất là trong thời điểm này, dịch chưa hoàn toàn hết nữa”, bà Yến, một người dân ở Bình Dương chia sẻ.

“Nếu mà mấy ổng làm căng quá, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình thì chắc mình phải đổi nghề khác làm thôi. Cái dịch này không biết con vi trùng nó nằm ở đâu?”, ông Bình nói.

“Kêu vào thổi ống, nếu lây bệnh, chắc là mấy ông CSGT bị đầu tiên. Tại vì mấy ổng là người tiếp xúc với nhiều ống thổi mà. Cũng hy vọng sẽ không có trường hợp nào như vậy xảy ra, nếu không sẽ mệt mỏi”, bà Tư, một nội trợ ‘trù ẻo’.

Cũng vấn đề trên, nhưng theo một bạn cựu sinh viên của đại học Quốc gia TPHCM thì nghĩ khác: “Tui thì không rõ như thế nào nhưng tui thấy CSGT có đeo khẩu trang mà, ít nhiều cũng bảo vệ được sức khỏe của họ. Chỉ có người dân là phải tháo khẩu trang ra thổi thôi. Nguy hiểm hay thiệt thòi vẫn là người dân”.

Có thể nói, quanh vấn đề thổi ống này, nhiều ý kiến muôn hình vạn trạng. Song dẫu thế nào đi chăng nữa, người dân cũng chỉ mong muốn: an toàn sức khỏe là hàng đầu.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)