VNTB – Thủ lĩnh chính trị ở Việt Nam hiện là ai?

VNTB – Thủ lĩnh chính trị ở Việt Nam hiện là ai?


Nguyễn Nam


(VNTB) – Hiến pháp 2013, ở Điều 4.1 cho câu trả lời, rằng thủ lĩnh chính trị ở Việt Nam hiện tại là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên với những gì đang diễn ra kể từ ca nhiễm đầu tiên con virus corona/ Vũ Hán ở Việt Nam cho tới nay, vai trò thủ lĩnh đó dường như là ‘cờ đang phất’ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.



Điều 4.1, Hiến pháp 2013 nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thế nhưng trong suốt mấy tháng qua, liên quan chuyện chống đại dịch Covid-19, vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là mờ nhạt. Người đang giữ hình ảnh như thủ lĩnh chính trị làm phần việc ‘lãnh đạo Nhà nước và xã hội’, lại thuộc về người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trên tờ The New York Times số phát hành ngày 12-4 (1) cho biết rằng, Trump, một tổng thống vốn là doanh nhân, đang chưa biết nên nghe lời các chuyên gia y tế hay giới kinh doanh trong việc “khi nào mở cửa lại nền kinh tế”.

Giới kinh doanh Mỹ đang tích cực vận động Tổng thống Donald Trump sớm mở lại hoạt động kinh doanh. Các cuộc điện thoại từ những người bạn làm ăn cũ vẫn đổ tới. Ngay cả các cố vấn kinh tế và những người khác trong Nhà Trắng cũng nói với ông rằng các giải pháp đã có kết quả và có thể “nới lỏng” để kinh tế trở lại.

Trong khi đó, hình ảnh những bệnh viện quá tải trên TV vẫn khiến ông bị ám ảnh. Các chuyên gia y tế công cộng nói với ông rằng những gì đang làm đang có hiệu quả nên đừng nới lỏng.

Bài toán ông đang đối mặt là, hàng chục nghìn người có thể chết hay để hàng triệu việc làm mất đi. “Tôi sẽ phải đưa ra quyết định và tôi chỉ hy vọng với Chúa rằng đó là quyết định đúng đắn”, ông Trump nói hôm thứ sáu (10/4) trong cuộc họp báo hàng ngày về cuộc chiến chống lại đại dịch, đã giết chết hơn 18.000 người Mỹ và hơn 16 triệu người thất nghiệp. “Nhưng tôi có thể nói mà không nghi ngờ gì rằng đây là quyết định lớn nhất mà tôi từng đưa ra”, ông nói thêm.

Nếu thay cái tên cùng chức danh “Tổng thống Donald Trump”, bằng “Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”, thì liệu nếu thực sự Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, ông Nguyễn Phú Trọng có ‘đau đầu’ như Tổng thống Donald Trump?

“Người dân và nền kinh tế sẽ chịu được cách ly trong bao lâu?” là câu hỏi mà ở vị trí của một thủ lĩnh chính trị cần phải có được câu trả lời, hay ít ra là cũng đưa ra được giải pháp thích hợp nhất cho an sinh nằm trong yêu cầu đã được nhấn mạnh ở khoản 1, Điều 4, Hiến pháp về việc Đảng “là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.

Rõ ràng nếu vẫn chăm chăm vào cụm từ ‘nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’, sẽ khó thể có được câu trả lời, khi mà mọi chuyện luôn có sự đánh đổi.

Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, chưa biết dịch bệnh này khi nào dừng và sẽ dừng theo kịch bản nào.

Việt Nam đang gắn chặt với thế giới bằng một xã hội và nền kinh tế rất mở nên không thể kéo dài việc dừng và tách rời với thế giới. Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu trong giai đoạn tới. Nếu chỉ giảm tối đa ca nhiễm Covid-19 thì đóng cửa, dừng tất cả mọi thứ là hợp lý. Nhưng nếu nhìn rộng ra với đa mục tiêu hơn, cân nhắc được – mất của mỗi lựa chọn thì vấn đề phức tạp hơn rất nhiều.

Dừng tất cả mọi thứ sẽ hạn chế được dịch Covid-19 nhưng đời sống của nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm yếu thế. Họ phải kiếm sống mỗi ngày ở những lĩnh vực không phục vụ các nhu cầu thiết yếu như bán xổ số, đánh giày, nhặt rác, ăn mày…

Thứ hai, khi một số nước qua đỉnh dịch, nhưng khả năng lây nhiễm vẫn còn và cao hơn đáng kể so với Việt Nam hiện nay, rục rịch mở cửa giao thương trở lại thì phương án của Việt Nam là gì? Cần đánh giá mọi mặt của việc tiếp tục hoặc dừng cách ly xã hội để thấy bức tranh tổng thể.

Lưu ý chung là dù chọn kịch bản nào cho yêu cầu không thể tách rời với thế giới, thì nên nhớ là không có nền kinh tế nào trên thế giới có ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ như Việt Nam.

Sở dĩ Việt Nam đạt được kết quả như hiện tại, là toàn bộ máy hướng tới một mục tiêu duy nhất là chống dịch, với hệ thống điều hành thống nhất thông qua các mệnh lệnh hành chính. Thêm vào đó, nguồn lực được đưa vào chống dịch là các nguồn lực có sẵn như các khu cách ly, lực lượng tham gia hỗ trợ.

Vấn đề đặt ra bây giờ là hướng tới đa mục tiêu, ngoài việc chống dịch trong giai đoạn “bình thường mới” sắp đến. Làm sao để có những hoạt động trong xã hội vẫn được duy trì, đảm bảo nguồn lực hiệu quả nhất nhưng giảm thiểu tối đa rủi ro.

Và trên hết, cần xem xét lại cách hiểu lâu nay về khẩu ngữ “còn Đảng thì còn mình” như nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm (2) và cả trong nếp nghĩ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (3)

____________________

Chú thích

(1) https://www.nytimes.com/2020/04/12/us/coronavirus-updates.html

(2) http://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/Bao-ve-tuyet-doi-an-ninh-an-toan-Dai-hoi-Dang-bo-cac-cap-Dai-hoi-Dang-toan-quoc-lan-thu-XIII-va-to-chuc-thanh-cong-Dai-hoi-Dang-bo-cac-cap-trong-Cong-an-la-nhiem-vu-chinh-tri-trong-tam-cua-luc-luong-Cong-an-579674/; http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Luon-ghi-nho-khac-sau-chan-ly-con-Dang-thi-con-minh-580007/

(3) https://baophapluat.vn/trong-nuoc/tong-bi-thu-con-dang-thi-con-minh-danh-du-la-dieu-thieng-lieng-cao-quy-nhat-376180.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)