Minh Quân
(VNTB) – Bất chấp thực trạng khó chữa của khối doanh nghiệp nhà nước và khi hơi thở khủng hoảng toàn diện đang phả hầm hập vào gáy chế độ, đến năm 2017, nghị quyết “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Ban chấp hành trung ương đảng cầm quyền vẫn khư khư ôm ấp doanh nghiệp nhà nước cùng vai trò chủ đạo của nó, trong lúc chỉ hé miệng đôi chút về “kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng.”
Khoản lỗ của một số DNNN trong năm 2016. Đồ họa: Hiếu Công.
Những con số được công bố bởi Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 584,6 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 48,2% dự toán năm.
Đáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 95 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 33,2%. Đây là chỉ số thu thấp nhất nếu so sánh với các khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.
Nếu đối chiếu giữa khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân mới thấy: Khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 2/3 tổng tài sản, 60% nguồn vốn tín dụng, 70% nguồn vốn ODA và được ưu đãi rất lớn về khả năng tiếp cận tín dụng và những điều kiện về chính sách, nhưng lại hoạt động quá tệ. Ít nhất 30% doanh nghiệp nhà nước bị lỗ và khối này chỉ đóng góp được khoảng 1/3 tổng sản phẩm xã hội. Gần như ngược lại, khối doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 1/3 tài sản, chẳng mấy được ưu đãi về tín dụng và chỉ có thể “hớt cặn” vốn ODA, lại còn bị phân biệt đối xử đủ đường, nhưng lại tạo ra đến 2/3 tổng sản phẩm xã hội.
Trong những năm qua, rất nhiều dự án vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước đã bị “trùm mền” và gây thất thoát nghiêm trọng. Cho tới nay, ít nhất có 12 dự án “trùm mền” như thế với số lỗ nhiều ngàn tỷ đồng.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước năm 2016. Nhiều đơn vị lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể. Nhiều doanh nghiệp lỗ lớn thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thua lỗ. Cụ thể Vicem Tam Điệp lỗ 1.156 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng 359 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp trực thuộc nằm trong tình cảnh tương tự. Cụ thể, Công ty cổ phần vật liệu Bưu điện Việt Nam lỗ 53,3 tỷ đồng. Công ty cổ phần phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến VDC lỗ 26,9 tỷ đồng. Công ty TNHH sản xuất thiết bị viễn thông (TELEQ) lỗ 22,5 tỷ đồng…
Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) cũng có Công ty cổ phần Thương mại, dịch vụ và du lịch cao su lỗ 317,9 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68 (trực thuộc Handico) lỗ 52,3 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng (trực thuộc Lilama) lỗ 94,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trực thuộc DNNN bị âm vốn chủ sở hữu. Công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza (trực thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) là 168,7 tỷ đồng – lỗ trước khi bàn giao về TCT. Công ty TNHH một thành viên Petrolimex Singapore (trực thuộc Petrolimex) âm 1.335,2 tỷ đồng.
Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines) âm 129 tỷ đồng. Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm và Công ty cổ phần du lịch và thương mại Dân chủ (thuộc Tổng công ty du lịch Hà Nội) lần lượt là 79,2 và 51,83 tỷ đồng. Công ty tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (thuộc VNPT) là 43,1 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra Công ty Xây dựng giao thông Sài Gòn (thuộc Samco) và Công ty liên doanh xây dựng Hà Nội – Bắc Kinh (thuộc UDIC) cho nguy cơ ngừng hoạt động…
Nhưng bất chấp thực trạng khó chữa trên và khi hơi thở khủng hoảng toàn diện đang phả hầm hập vào gáy chế độ, đến năm 2017, nghị quyết “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Ban chấp hành trung ương đảng cầm quyền vẫn khư khư ôm ấp doanh nghiệp nhà nước cùng vai trò chủ đạo của nó, trong lúc chỉ hé miệng đôi chút về “kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng.”