Chim Báo Bão
(VNTB) – Giữa một thế kỷ mà môi trường sống bị đe dọa, hết thảy nhân loại tiến bộ cổ vũ nhau sử dụng các phương tiện không khói. Dường như trường đại học nào ở Việt Nam cũng cổ vũ cho việc bảo vệ môi trường. Nhưng đó là lý thuyết, trường đại học nào cũng nói dối: họ vừa rêu rao bảo vệ môi trường, vừa thu phí giữ xe đạp.
Khoản thu phản tiến hóa
Hiện nay, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam, từ dân lập cho đến công lập, đều thu phí xe đạp. Họ coi rằng đó cũng là một nguồn thu và không kém phần béo bở.
Các trường đai học thu phí giữ xe không cao , 500 đồng/ lượt xe. Điều đáng nói là một sinh viên đi xe đạp đến trường, là tấm gương sáng của việc bảo vệ môi trường, đã không thưởng cho những sinh viên như thế, lại còn thu phí giữ xe nữa thì thực là vô lý.
Điều đáng nói nữa, đó là tất cả các trường không trường nào là không đề cập đến ô nhiễm môi trường, không trường nào là không kêu gọi bảo vệ môi trường. Vào ngày môi trường hàng năm thì theo phong trào, các trường đều chăng băng-rôn kêu gọi bảo vệ môi trường. Vậy tại sao không dùng số tiền đó để miễn phí cho các sinh viên đi xe đạp đến trường? Xe đạp là phương tiện giao thông không gây ra khói, không gây ra ách tắc giao thông. Chỉ cần tạo ra tình yêu đi xe đạp trong dân chúng thì cũng đủ để giải quyết phần nào ô nhiễm không khí. Nhưng không, các trường đại học ở Việt Nam thấy một điều hợp đạo như thế mà không làm.
Nhiều trường chống chế rằng nếu không thu phí xe đạp thì không có tiền trả lương cho bảo vệ nhà xe. Đây là lập luận của giới tư bản bất lương. Khi mà số xe đạp chỉ là thiểu số đối với số xe máy gửi trong nhà xe, nếu miễn phí cho xe đạp thì tiền thu về từ xe máy cũng đã là quá nhiều. Tuy nhiên, vì các trường đại học tại Việt Nam đang biến tướng thành các tập đoàn tư bản, cho nên việc khuyên bảo các tập đoàn tư bản đừng thu phí giữ xe đạp là rất khó.
Thế là, khoản thu phí giữ xe đạp phản tiến hóa vẫn tiếp tục nằm đó tại các trường đại học trên toàn cõi Việt Nam.
Thu cả đối với học sinh tiểu học
Học sinh Trường tiểu học số 1 Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An vừa rồi biểu tình nên báo chí lề dân mới vào cuộc và được biết mỗi em đóng 103.000₫/xe đạp mỗi năm. Đây là một khoản thu phản động, được nghĩ ra bởi những cái đầu chống lại tiến hóa. Một em học sinh, cần phải được khuyến khích đến trường, thì đằng này quan chức ngành giáo dục lại chất chồng khoản thu giữ xe đạp lên các em, khiến các em vốn đã là gánh nặng cho cha mẹ thì lại gánh nặng thêm. Khoản thu vô lý đối với học sinh tiểu học này cũng chỉ mới xuất hiện mấy năm trở lại đây, khi tham nhũng trở thành căn bệnh hết thuốc chữa của chính quyền. Những ông hiệu trưởng nghĩ ra đủ mọi lý do để bóc lột, làm người ta nghĩ đến câu “bần cung sinh đạo tặc”, lần này đạo tặc là những kẻ làm giáo dục, nạn nhân là đứa trẻ tuổi hồn nhiên đang lớn.
Học sinh Trường tiểu học số 1 Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An biểu tình
Không chỉ riêng học sinh tiểu học ở Phúc Thành- Nghệ An bị thu phí giữ xe đạp, hầu hết mọi trường đều thu phí như thế này. Có một số nơi quan chức ngăn được khoản thu vô lý, tuy nhiên còn lại hầu hết các trường từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông đều bị thu tiền giữ xe. Ở miền Trung, nơi dân trí thấp, các hiệu trưởng còn được dịp thu tiền giữ xe đạp mà không bị ai tố cáo.
Nhìn ra thế giới
Tại nhiều quốc gia tiến bộ, xe đạp là phương tiện hết sức được ưa chuộng. Quốc gia nào càng giàu thì người dân càng khoái đi xe đạp.
Tại Pháp, câu lạc bộ xe đạp Pháp (Bicy Club de France) có những văn phòng ở khắp nơi. Ai muốn mượn xe đạp để đi, muốn có bạn để đạp xe cùng hay muốn đi xe đạp vào rừng đều được hướng dẫn miễn phí. Các nhóm nhỏ đạp xe quanh năm, coi như môn thể thao bình dân phổ thông, thú vị không thua gì Tour De France.
Giáo sư Anh Thơ Andres là một giảng viên chính về đạo đức học của thư viện Globe Ethics, Thụy Sỹ. Trong khi trò chuyện với các bạn trẻ Việt Nam, cô kể lại những chuyến đi công tác của mình, trong đó có Hà Lan. Tại đây, cô kể, mọi người đều đi xe đạp, hết sức văn minh lịch sự. Đời sống con người thong dong, chậm rãi.
Tại nước Anh, ở thủ đô London và nhiều thành phố lớn, ngành bưu điện không cho phép người đưa thư đi giao thư bằng xe máy nữa. Họ phải đi bằng các phương tiện công cộng, hoặc là đi bằng xe đạp. Các nhà toán-tin còn tính toán đường đi-thời gian đi thế nào để nhân viên bưu điện đạp xe đưa thư ít gặp ô nhiễm nhất và ít tắc đường nhất.
Vai trò của xe đạp trong các xã hội hiện đại ngày càng được chú ý. Nhiều nước còn làm những thang máy dành riêng cho xe đạp ở những nơi dốc hoặc cầu vượt. Người đi xe đạp được tôn trọng và tạo điều kiện hết mức.
Ấy vậy mà ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một đất nước tự nhận công bằng văn minh và nhan nhản khẩu hiệu, đến người đi xe đạp cũng bị thu phí thì có lẽ chẳng còn gì để nói.
Cập nhật bảng giá thu tiền giữ xe tại một số trường đại học Việt Nam:
Đại học Y Hà Nội, 500 đồng/ xe.
Đại học Bách Khoa Hà Nội, 500 đồng/xe.
Đại học Thủy Lợi, Hà Nội, 500 đồng/xe.
Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, 500 đồng/ xe.
Đại học quốc gia TP.HCM, 500 đồng/ xe.
Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM 500 đồng/ xe.