Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thu phí trước khi thực hiện xong cơ sở hạ tầng?

Khánh Hội

 

(VNTB) – Từ ngày 1-7-2021 bắt đầu thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.

 

Theo đó, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng với container 20ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft, và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Bên cạnh đó, các hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh sẽ được miễn phí.

Chính quyền TP.HCM nói rằng mục tiêu đề án là tạo ra nguồn thu hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm bớt ùn tắc, tai nạn trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp. Khi triển khai thu phí, ước tính mỗi năm sẽ đóng góp thêm cho TP.HCM khoảng 3.000 tỷ đồng phục vụ cho công tác đầu tư hạ tầng cảng biển.

Ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, nói rằng ông ủng hộ mục tiêu thu phí của đề án vì đây là giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực trong điều kiện khoản trích nộp cho trung ương quá cao, và khoản để lại cho thành phố quá ít, không đủ để xây dựng hạ tầng đáp ứng sự phát triển của TP.HCM.

“Vấn đề còn lại là phải cân nhắc thời gian thực hiện, xác định mức thu vừa phải, nhằm nuôi dưỡng nguồn lực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang còn hoành hành, và chi phí logistic Việt Nam đang khá cao với khu vực; đồng thời cần đảm bảo việc sử dụng nguồn thu đúng mục đích ban đầu, là để xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu cảng biển trên địa bàn” – ông Lê Trung Tính nói, và vì lẽ đó nên theo ông, thời gian thu cần lùi thêm đến ngày 01/01/2022 vì do đại dịch Covid-19 nên các đối tượng được áp dụng đang gặp nhiều khó khăn cần thời gian phục hồi.

Vẫn theo ý kiến của ông Lê Trung Tính, vì thời gian thu phí rơi vào thời điểm đại dịch Covid-19 có khả năng vừa mới kiểm soát được, nên giới vận tải đang gặp khó khăn, giới chủ hàng cũng chưa thực sự phục hồi nên mức thu nên giảm còn chỉ khoảng 75% mức thu như đề án, và nếu đạt kết quả tốt sẽ tăng lên mức 100% vào năm sau là hợp lý.

Một số băn khoăn khác về tính khả thi của chuyện thu phí này, đó là bao quanh TP.HCM là rất nhiều cảng ở khu vực lân cận cạnh tranh, và thực tế hiện nay, những cảng đó đã thu hút một lượng lớn hàng của các doanh nghiệp.

Việc thu phí cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các hãng tàu sẽ di chuyển đến các cảng khác, thậm chí tỉnh khác, làm thất thu cho các vấn đề liên quan ngân sách TP.HCM trong hoạt động hải quan, cảng biển…

Còn nói việc thu phí sẽ sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông cảng biển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics, thì bao giờ làm đường xong, bao giờ hết tắc?

Đường quanh cảng ở TP.HCM có rất nhiều, chính quyền thành phố cũng đã lên kế hoạch thực hiện từ lâu nhưng không làm được. Do vậy nay nếu chỉ thu phí và đầu tư các đường quanh cảng thì cũng không hiệu quả, bởi tắc đường xảy ra nhiều nơi chứ không riêng gì khu vực cảng.

Căn cơ nhất là chính quyền TP.HCM được quyền sử dụng phù hợp yêu cầu phát triển từ nguồn thu ngân sách trên địa bàn lâu nay, thay vì phải giao nộp với tỷ lệ quá lớn về Hà Nội.

Đơn cử, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM là ông Nguyễn Thiện Nhân từng lên tiếng rằng nếu so sánh với Hà Nội và Hải Phòng, thì TP.HCM có tỷ lệ ngân sách để lại giảm nhiều nhất cả nước trong 20 năm qua. Cụ thể, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng giảm từ 100% còn 78%. TP.HCM năm 2000 tỷ lệ ngân sách được giữ lại là 33%, nhưng chỉ còn 18% trong giai đoạn 2017-2020.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là một trong những lý do khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố so với bình quân cả nước đang giảm. Nếu giai đoạn 2001-2010 con số này bằng 1,6 lần cả nước, thì đến giai đoạn 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần.

“20 năm qua tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của thành phố vào ngân sách cả nước ngày càng tăng, từ 26,5% giai đoạn 2001-2010 và đến giai đoạn 2011-2019 là 27,5%”, ông Nhân dẫn chứng.

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao TP.HCM không thể chống dịch như ngoài Bắc?

Phan Thanh Hung

VNTB – ‘Siêu cảng’ Cần Giờ là cảng xanh đầu tiên cả nước

Do Van Tien

VNTB – Chính sách an sinh của chính quyền Sài Gòn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.