VNTB – Thực trạng pháp luật Việt Nam: có chẳng ra có, không chẳng ra không

VNTB – Thực trạng pháp luật Việt Nam: có chẳng ra có, không chẳng ra không

Chí Quang

 

(VNTB) – Trong xã hội Việt Nam, hễ có chút xung đột là hai bên lập tức động tay động chân, mà không được  phân xử trước luật  pháp  như ở các xã hội văn minh khác.

 

 

Hãy xem xét sự việc sau:

https://thanhnien.vn/lai-bat-an-chuyen-danh-chet-trom-cho-post1419368.html

Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ xung đột bạo lực tự phát xảy ra trong cộng đồng tại Việt Nam trong những năm qua. Nếu muốn liệt kê đầy đủ thì có lẽ ngồi kể cả ngày cũng không hết, nào là hàng xóm đánh nhau vì lấn chiếm hẻm chung, hai nhà chỏang nhau vì hát nhạc ầm ĩ, ông X đánh bà Y vì thả chó phóng uế bậy, thằng Tèo nện thằng Tí vì nẹt pô inh ỏi, hai bạn nhậu đâm chém nhau vì mời bia không uống, nhóm thanh niên này thanh tóan nhóm kia vì bị nhìn đểu…

Tại sao hiện nay, người dân thường xuyên “tự xử” khi có xung đột nảy sinh?

Hãy cùng nhau phân tích: 

Trước khi loài người phát minh ra luật pháp, mọi mâu thuẫn xung đột trong xã hội thường được giải quyết với nhau bằng luật rừng – tức luật kẻ mạnh. Khi xung đột nổ ra giữa A và B, mà không giải quyết được bằng thương lượng, thì hai bên sẽ dùng đến bạo lực để phân định thắng thua, như các loài động vật quyết đấu sinh tử trong môi trường hoang dã, dẫn đến kết quả là kẻ yếu sẽ bị diệt vong để cho kẻ mạnh được sinh tồn; và xung đột, cuối cùng cũng được giải quyết trên nguyên lý Mạnh-yếu, tức phần thắng thuộc về kẻ mạnh; và kẻ chiến thắng trong cuộc đấu sẽ không phải chịu bất kỳ sự phán xét hay trừng phạt nào từ các thế lực không liên quan.

Khi luật pháp ra đời, nó đóng vai trò người phán xử. Các thành viên trong xã hội không được phép giải quyết xung đột với nhau bằng bạo lực tự phát như trước đây. Nguyên lý mạnh-yếu không còn được chấp nhận trong việc giải quyết xung đột giữa hai bên, mà thay vào đó là nguyên lý đúng-sai. Về mặt lý thuyết, dưới sự chủ trì của luật pháp, thì người chiến thắng là người đúng chứ không phải là kẻ mạnh.

Ở những quốc gia văn minh, khi xảy ra xung đột giữa hai cá thể A và B mà nguyên nhân xuất phát từ hành động sai luật của một bên, ví dụ, luật không cho phép hát karaoke gây ồn ào khu dân cư, mà B lại làm, thì A chỉ cần thông báo cho cơ quan pháp luật, và cơ quan đó sẽ nhanh chóng xử lý B một cách đích đáng, để hắn không thể lập đi lập lại hành động sai luật của mình, gây thiệt hại cho người khác. Như vậy, xung đột đã được giải quyết dứt điểm bởi cơ quan nhà nước, chứ không phải bởi hai cá thể liên quan. 

Một cách tương tự, nếu A thả chó ra đường đi  bậy trước cửa nhà B, thì B cũng chẳng cần to tiếng, mà chỉ việc báo với cơ quan luật pháp là xong, phần còn lại sẽ được cơ quan đó xử lý đến nơi đến chốn. Trong một hệ thống như vậy, mọi xung đột nảy sinh trong đời sống sinh hoạt hàng ngày giữa các cá nhân đều được luật pháp giải quyết thỏa đáng theo một chuẩn mực đúng-sai rõ ràng minh bạch, và người dân chẳng có lý do gì phải chửi bới, đánh đấm hoặc chém giết nhau cả. 

Nếu cái cơ quan pháp luật chịu trách nhiệm giải quyết các xung đột của công dân mà không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thì chính nó sẽ bị xử phạt hoặc đào thải bởi một quyền lực khác. Ví dụ, khi hàng xóm của bạn say xỉn và mở karaoke hát ầm ầm giữa đêm khuya, bạn gọi cảnh sát mà cảnh sát không làm gì cả, thì chính cảnh sát sẽ gặp rắc rối.

Một xã hội như vậy được gọi là pháp trị, tức con người trong xã hội ấy bị cai trị bởi luật pháp chứ không phải bởi một nhân vật hay thế lực nào khác. Với những con người lương thiện, đàng hoàng, thì đó là một xã hội lý tưởng để sinh sống, vì nó rất an toàn, trật tự và bình yên, nếu họ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, thì họ sẽ luôn được bảo vệ và phục vụ bởi hệ thống pháp luật hiệu quả mạnh mẽ. Với những kẻ lập dị, hư hỏng hoặc nhiều thú tính hoang dã, thì xã hội như vậy quá sức tù túng, nghiêm khắc, bởi họ không thể tùy tiện làm điều sai trái theo ý muốn (như hút thuốc trên xe bus hoặc tè xuống kênh rạch), mà phải khép mình trong khuôn khổ kỷ luật.

Xã hội Việt Nam thì sao? Về mặt cơ cấu tổ chức thì nó cũng có một bộ máy pháp luật với đầy đủ các cơ quan ban ngành như: tòa án, viện kiểm sát, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, công an, trật tự đô thị, dân quân tự vệ… như các quốc gia văn minh, có khi lực lượng nhân sự còn hùng hậu hơn nhiều . Nhưng cái hệ thống pháp luật đồ sộ ấy đang thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự xã hội của nó như thế nào? 

Hãy xem video này:

https://www.youtube.com/watch?v=buz3AZ4__Nw

Gia đình tôi cũng gặp tình huống tương tự như vậy cách đây vài năm, bọn trộm chó dùng kỹ thuật đánh bả để thuốc con chó nhà tôi, rồi lôi nó từ trong sân ra ngoài đường, khi nghe tiếng động, tôi mở cửa thì thấy 2 tên cẩu tặc xách con chó chạy ra khỏi hẻm. Tôi định lao ra truy đuổi thì chúng lập tức rút hung khí sẵn sàng nghênh chiến. Tôi vào nhà gọi điện báo sự việc cho công an phường thì nhận được câu trả lời “khuya rồi, thôi để sáng mai đi, mất con chó có gì đâu mà nghiêm trọng…” và như vậy sự việc coi như chìm xuồng. 

Pháp luật Việt Nam là thế… khi hai người đụng xe nhau, nếu không có hậu quả nghiêm trọng như chết người, thì tốt nhất hãy tự giải quyết. Thương lượng không xong thì cứ việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay, chứ kêu cảnh sát thì còn lâu họ mới tới. 

Giả sử nhà hàng xóm hát hò ầm ĩ làm phiền bạn, bạn cứ thử đưa sự việc ra nhờ chính quyền địa phương giải quyết xem có kết quả gì không? Xin thưa, rõ ràng tên hàng xóm làm sai, nhưng không những chính quyền không xử lý cái sai của nó, mà ngày hôm sau, nó còn hát to hơn như ngầm thách đố “làm gì được tao nào…”

Tất nhiên bạn đâu có dễ dàng chịu thua, mà sẽ gửi đơn khiếu nại lên cấp chính quyền cao hơn để mong đòi lại công bằng, nhưng cái cơ quan trên cao ấy sẽ giải quyết thế nào? Nó sẽ gửi xuống cho chính quyền địa phương của bạn một chỉ đạo là hãy xử lý vụ việc đó đi, rồi báo cáo kết quả. Chính quyền địa phương chẳng hơi sức đâu mà đi giải quyết cái gã hát hò kia làm gì cho mệt, nó chỉ cần soạn ra một cái báo cáo rằng “đã xử lý rồi, kết quả tốt đẹp lắm”, rồi trình lên cho thượng cấp; thượng cấp cũng chẳng thèm mất công kiểm tra xem báo cáo ấy là thật hay láo mà mặc nhiên cho rằng sự việc đã xong, và thế là kết thúc câu chuyện. Họ đâu cần biết là gã hàng xóm kia tiếp tục thỏai mái hát hò…

Là một công dân tuân thủ pháp luật, bạn sẽ làm gì trong tình huống đó? Xin thưa, không làm được gì cả…ngoài việc chịu trận với thằng láng giềng khốn nạn và thầm đưa ra một cái nhận định rất tiêu cực rằng “đúng là một xã hội vô pháp luật…”

Nhận định này có vẻ không sai, vì nếu hệ thống pháp luật có tồn tại thì tại sao nó không đứng ra xử lý sự xung đột giữa con người với con người, để dập tắt những hành vi sai trái, bảo vệ lẽ phải?

Nhưng nếu nhận xét đó đúng, nghĩa là bạn đang sống trong môi trường không có pháp luật, một môi trường rừng rú, sơ khai, thì bạn và gã hàng xóm chết tiệt kia chỉ còn cách duy nhất để giải quyết xung đột giữa hai bên: quyết đấu sinh tử!

Đó cũng chính là lời lý giải cho câu hỏi tại sao ngày nay, trong xã hội Việt Nam, hễ có chút xung đột là hai bên lập tức động tay động chân, mà không đưa sự việc cho pháp luật phân xử như ở các xã hội văn minh khác.

Vậy là bạn và hắn lôi hung khí ra mà chém giết nhau như trong thời kỳ hoang dã. Giả sử bạn chết, thì gã ta sẽ tha hồ ca hát thâu đêm mà không bị ai phàn nàn, còn gã chết thì bạn sẽ thoát khỏi cuộc tra tấn thần kinh bằng âm nhạc ồn ào của gã. Dù ai chết thì xung đột cũng coi như được giải quyết xong và người chiến thắng tiếp tục cuộc sống của mình.

Nhưng oái oăm là sự việc lại không diễn tiến như vậy, ngay khi một trong hai đấu thủ gục chết, cơ quan pháp luật sẽ nhảy ra, thể hiện sự tồn tại của mình bằng cách bắt giữ và xử lý kẻ còn lại, như một tên tội phạm hình sự. 

Vậy là sao? Đường nào cũng chết à? Rút cuộc thì luật pháp có tồn tại hay không? Đối với xã hội Việt Nam thì trả lời có hay không đều không đúng nhưng lại cũng đúng! 

Nếu nói luật pháp có tồn tại thì sao nó không đứng ra giải quyết thỏa đáng xung đột giữa 2 người? Nếu nói nó không tồn tại thì tại sao sau khi 2 người tự xử lẫn nhau xong xuôi, thì nó lại nhảy ra xử tội người thắng cuộc? 

Hay đó chính là bản chất của luật pháp xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ: có chẳng ra có, mà không cũng chẳng ra không? 

Trong cái môi trường có một hệ thống pháp luật dở dở ương ương như thế, những công dân đàng hoàng lương thiện, luôn có ý thức tôn trọng luật pháp sẽ phải làm gì để đương đầu với cái sai, cái xấu đầy dẫy quanh mình? 


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (3)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    “Nếu nói nó không tồn tại thì tại sao sau khi 2 người tự xử lẫn nhau xong xuôi, thì nó lại nhảy ra xử tội người thắng cuộc?”

    Ngày xưa thì nó xử người thua cuộc . Đổi Mới 1 cái nên bây giờ nó xử người thắng cuộc . Ai cũng hiểu chỉ có tác giả là người duy nhất hổng hiểu thui . Cũng như Cải cách ruộng đất ngày xưa là lấy đất của người giàu đem chia cho người nghèo . Đổi Mới nên làm ngược lại .

  • comment-avatar

    Bài báo làm mình nghĩ nhức căng cà đâu,nghĩ hoài mà chẳng hiểu ra bởi lẽ,nhìn thấy có,nhưng lại không,nhìn thấy không,nhưng lại có,thế là làm sao,gay thiệt,mà cũng hay thiệt.

  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Pháp luật của Việt Nam bây giờ là tọa sơn quan dân đấu . Sau đó thì tùy . Nếu cả 2 bên đều là dân trơn thì vì “Đổi Mới” nên xử lý bên thắng cuộc . Tất nhiên có ngoại lệ, đó là các vụ liên quan tới sự an nguy của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa . Hiện giờ Đảng đang ở thế bị động . Đôi lúc có vẻ như Đảng phản công, nhưng chưa thấy bóng dáng tinh thần tiến công cách mạng ở đâu . Có thể vì tính chiến đấu, vốn liên quan tới máu, của Đảng bây giờ mắc bệnh trồi sụt thất thường của các mợ sồn sồn .