VNTB – Thủy sản Việt Nam chịu ảnh hưởng biến động tỷ giá ngoại hối

VNTB – Thủy sản Việt Nam chịu ảnh hưởng biến động tỷ giá ngoại hối

Sơn Trà

 

(VNTB) – Khi đồng USD tăng giá cũng có nghĩa chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng theo.

 

Khi đồng EUR giảm giá so với USD, dù các doanh nghiệp Việt không bị ảnh hưởng do hầu hết giao dịch xuất nhập khẩu bằng USD, nhưng lợi nhuận của nhà mua hàng giảm nên họ có thể giảm nhu cầu với nhà xuất khẩu Việt Nam.

Một báo cáo về thị trường tôm của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hiện đồng yên rớt giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD. Ghi nhận của VASEP thì đã xuất hiện tình trạng nhà nhập khẩu Nhật Bản đề nghị đàm phán lại giá nhập khẩu đề bù đắp những thiệt hại cho họ khi đồng yên sụt giá.

Hoặc có tình trạng khách hàng đã ký hợp đồng từ trước nhưng xin đàm phán nhận hàng chậm lại. Bị thiệt nhiều khi đồng nội tệ mất giá, các nhà nhập khẩu của Nhật Bản cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch cũng như nhu cầu nhập hàng trong giai đoạn này.

Một lo ngại nữa – vẫn theo VASEP, khi đồng USD tăng giá cũng có nghĩa chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng theo. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. “Chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản trong nửa đầu năm nay đạt trên 800 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Trước áp lực lạm phát, giá thủy sản tại Nhật Bản liên tục tăng trong thời gian qua. Hơn nữa, đồng yên Nhật Bản mất giá, rơi xuống mức thấp nhất trong 24 năm, càng làm cho người dân Nhật phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu, do vậy xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cũng khó có những đột phá đáng kể từ nay đến cuối năm” – trích báo cáo của VASEP.

Con số thống kê cho biết với tỷ lệ chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong nửa đầu năm 2022 đạt trên 688 triệu USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi tăng 58% trong quý I, xuất khẩu thuỷ sản sang EU trong quý II cũng chậm lại, tăng 31% đạt 390 triệu USD.

Cùng với đồng EUR mất giá, EU cũng là thị trường có mức lạm phát cao trong nửa đầu năm nay. Lạm phát kỷ lục 8% trong quý II cho thấy thương mại của EU đang bị khủng hoảng, sau Covid và đặc biệt sau những lệnh trừng phạt thương mại với Nga do xung đột tại Ukraine.

Lạm phát phủ bóng đen lên nền kinh tế khu vực Eurozone, tác động giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu. Do vậy, những mặt hàng thuỷ hải sản giá cao sẽ nằm trong danh sách mà người tiêu dùng phải cân nhắc, tính toán.

Một vấn đề khác mà doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản vẫn loay hoay đó là từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch Covid-19, và giờ là giá nhiên liệu xăng dầu, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng 4-5 lần.

Tại thời điểm tháng 6-2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa kỳ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP.HCM (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400-410 triệu đồng/cont.

Ghi nhận của VASEP, trải qua 12 lần tăng giá kể từ đầu năm, hiện nay, 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước.

Theo thống kê của cảng cá Hòn Rớ (Khánh Hòa), cho tới tháng 7-2022, đã có hơn 90% tàu đánh bắt không được hỗ trợ xăng dầu đã ngưng hoạt động. Sản lượng hải sản cập cảng cũng giảm từ 30-40%, chủ yếu từ các tàu đánh bắt ngắn ngày. Do nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)