Hoài Nguyễn
(VNTB) – Cả một hệ thống truyền thông dòng chính từng dồn sức đả phá, bịt miệng những ai dám nói khác về COVID-19
Báo chí liên tục cập nhật các tin tức về việc được gọi là “xử phạt nhiều người đưa tin sai sự thật, xuyên tạc vụ 2 trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk bị tấn công”.
Thế nhưng báo chí đều không đưa tin vì sao người dân lại “sai sự thật, xuyên tạc”.
Một đơn cử: vào lúc 9g43 ngày 11-6, tài khoản Facebook có tên Nguyễn Cao Trọng đăng tải thông tin có nội dung “Nóng nhất lúc này là tại Cư Kuin, Đắk Lắk Y như Pakistan Việt Nam yên bình không có xả g.u.n” đề cập đến nhóm nghi phạm tấn công trụ sở công an xã ở Đắk Lắk.
Đến 10g25, ông N.N.T. sử dụng tài khoản Facebook của mình là Nguyễn Thiện vào bình luận 2 lần với nội dung vô căn cứ, không đúng sự thật với nội dung: “Dồn đường cùng ăn cướp thì trả mạng”.
Với bình luận trên, ông N.N.T. bị nhà chức trách xử phạt hành chính bằng tiền là 7,5 triệu đồng, yêu cầu gỡ bỏ các thông tin sai phạm.
Một người đàn ông 33 tuổi ở Nha Trang và 3 người ở Hà Tĩnh cùng bị phạt mỗi trường hợp 7,5 triệu đồng vì bình luận trên mạng xã hội sai sự thật về vụ tấn công trụ sở công an xã ở Đắk Lắk.
Vì sao người dân lại ‘dính’ lỗi ‘sai sự thật’ đến mức mà nhà chức trách cho rằng ‘xuyên tạc’?
Từ điển tiếng Việt định nghĩa rằng, “xuyên tạc là cố ý đưa ra những thông tin sai sự thật với dụng ý xấu”. Như vậy khi nhà chức trách dùng cụm từ liền nhau “sai sự thật, xuyên tạc”, thì có thể hiểu đây là hai hành vi với ngữ cảnh cáo buộc khác nhau: “sai sự thật” là “không đúng sự thật”, còn “xuyên tạc” là biết sai vẫn cố tình nói nhằm đến ý đồ, ví dụ như muốn bêu xấu Đảng chẳng hạn. Và “xuyên tạc” là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Trong cách diễn đạt quen thuộc trong chủ đề “Phòng, chống diễn biến hòa bình” của cơ quan Tuyên giáo Đảng, thường sử dụng lối hành văn như sau trong cáo buộc giữa lằn ranh “sai sự thật – xuyên tạc”; và cách hiểu đó thì “xuyên tạc” sẽ có giới hạn trong phạm vi “cách mạng Việt Nam”:
“Xuyên tạc thông tin nhằm làm sai lệch bản chất của sự việc, hiện tượng là việc làm thường xuyên của một nhóm người thuộc diện trục lợi hoặc thù địch với cách mạng Việt Nam. Họ thường dựa vào một số sự việc xảy ra trong đời sống xã hội để tìm cách thêm thắt, dắt dây, thổi phồng sự việc, làm sai lạc hoàn toàn bản chất của sự việc. Thủ đoạn này vốn không mới nhưng thực sự nguy hại, bởi nó làm cho môi trường thông tin trở nên lẫn lộn trắng-đen, thật-giả khó phân biệt”.
“Xuyên tạc” là tội danh nằm trong điều luật hình sự số 117 với nội dung là làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là hành vi tạo ra, cất giữ trái phép, phát tán, tuyên truyền các thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân hoặc thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý nhằm chống chính quyền nhân dân.
Thế nhưng “xuyên tạc” trong ngữ cảnh như vụ hôm 11-6 thì nhà chức trách thường quy chụp là hành vi của “vu khống” theo điều 156 của Bộ luật hình sự.
Gác qua chuyện lý luận pháp lý, bởi ở đây lằn ranh đúng – sai cho một sự việc nhạy cảm chính trị như vụ 11-6 ở cao nguyên, trên thật tế là còn phụ thuộc vào định hướng chính trị ở từng giai đoạn.
Đơn cử, trong đợt dịch Covid vừa qua, không ít tài khoản cá nhân mạng xã hội facebook đưa tin với bình phẩm chuyện Vũ Hán đã bị chính quyền Việt Nam xử phạt hành chính tương tự vụ 11-6 hiện tại.
Thế nhưng cho đến hôm nay nếu ‘kiểm điểm’ lại, sẽ nhận ra không ít người đã bị xử phạt oan uổng. Theo đó, ba bệnh nhân nhiễm Covid đầu tiên, còn gọi là bệnh nhân số 0 đã được các nguồn tin chính phủ Mỹ công bố: Hồ Bôn, Vu Bình và Chu Nham. Cả ba người này đều làm việc tại Viện vi rút học Vũ Hán. Chủ nhật vừa qua, tờ The Sunday Times cũng đăng bài điều tra cho biết vi-rút biến đổi bị rò rỉ từ chính Viện vi-rút Vũ Hán.
Những ai nói chuyện này cách đây 3 năm sẽ bị Twitter, Facebook thông qua đám fact-check gán nhãn thuyết âm mưu, fake news…, còn hơn cả phạm húy. Cả một hệ thống truyền thông dòng chính dồn sức đả phá khả năng này, bịt miệng những ai dám nói khác, kể cả khoa học gia từng đoạt giải Noel Y học, giương cao ngọn cờ phân biệt chủng tộc để đánh lạc hướng. Giờ thì hai năm rõ mười, đám đó làm lơ luôn!
…Và dĩ nhiên là phía nhà chức trách Việt Nam từng xé biên lai phạt cũng… vờ luôn cả lời xin lỗi.