VNTB – Tiền đâu mà đi chợ?

VNTB – Tiền đâu mà đi chợ?

Mai Lan

 

(VNTB) – Sài Gòn ‘lockdown’ thêm hai tuần lễ nữa, kèm siết chặt hơn chuyện ‘ra đường’ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều khiến không ít người giàu có lo lắng không biết ‘tiền tươi’ ở đâu để mà đi chợ?

 

Có ý kiến rằng trong khi những người có điều kiện an nhiên kê cao gối ngủ tại nhà những ngày cách ly, thả hồn đọc sách, vui vẻ học nấu ăn, chăm sóc cây cảnh hay cắm mặt ‘luyện phim’, chơi game, thì rất nhiều người khác bị bó chân trong những phòng trọ bít bùng chỉ vài mét vuông chật hẹp, lo lắng về tiền ăn, tiền phòng, tiền điện, tiền nước và đủ thứ chi phí khác.

Thách thức lớn nhất của những người có điều kiện là vượt qua cơn chán chường. Thử thách đối với những người khác là tìm cách sống sót.

Ý kiến thấm đẫm nhân văn trên không sai, nhưng có lẽ không hẳn còn đúng nữa rồi, vì không ít người khá giả, giàu có, giờ đây nếu lại kéo dài thêm 2 tuần lễ ‘lockdown’ cứng ngắt như mấy tuần vừa qua, thì họ cũng cạn dần ‘tiền mặt’.

Gọi là ‘không ít người giàu có’, vì Sài Gòn hơn 2 tháng nay chuyện ra nhà băng để giao dịch bạc tiền là một rủi ro của yêu cầu ‘truy vết’ với thời gian ‘hồi tố’ thông thường từ 14 đến 21 ngày, để rồi sau đó rất có thể phải đối mặt với đe dọa bị vào ‘trại cách ly tập trung’, và người ta có thể bị lây nhiễm chéo…

Chưa hết, từ hồi có lệnh ‘siết chặt’ theo các quyết định hành chánh như ‘Chỉ thị 10’ của chính quyền TP.HCM, rồi ‘chồng’ tiếp là ‘Chỉ thị 16’ của chính phủ, thì việc ra ngân hàng càng hạn hữu hơn, khi có nơi đã coi ‘tiền’ không phải là thứ hàng hóa thiết yếu.

Tiệm vàng tư nhân cũng đóng cửa.

Người khá giả ‘trữ’ tiền mặt thường không nhiều lắm vì ngại tiền đồng Việt Nam mất giá, nên hầu hết ‘của để dành’ là vàng và đô la Mỹ. Giờ cả hai thứ hàng hóa ‘không thiết yếu’ này chẳng biết phải ‘bán’ ở đâu để có tiền đi chợ, đóng tiền điện, nước, điện thoại, internet… Thậm chí giờ muốn ủng hộ tiền mặt cho các nhóm thiện nguyện, người ta cũng gặp khó khi ‘tiền mặt’ cạn dần.

Chưa kể, với nhiều gia đình khi nhận được ‘cục tiền’ của khoản bồi thường giải tỏa gì đó, họ thường gửi vào nhà băng để mong ‘té’ ra khoản tiền lời giúp sinh sống qua ngày, đỡ nhọc tấm thân. Giờ khu dân cư này cách ly với khu dân cư khác, con đường này phải cách ly với con đường khác… Tìm cách ra chợ để kiếm chút đỉnh gì đó về ăn còn khó, huống hồ đi kiếm đúng nhà băng mà mình đã gửi tiền ở đó để mà ‘rút ra’ cho chi tiêu.

Vậy tại sao không ‘xài thẻ’ vì ngay cả căn cước công dân giờ cũng gắn chip của ‘trí tuệ nhân tạo’ thời cách mạng công nghiệp 4.0 như hô hào từ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kia mà?

Coi vậy mà không phải vậy đâu. Lầm chết. Thử đi chợ ‘tuần 2 lần’ bằng phiếu được chính quyền phát đi sẽ nhận ra ngay là chẳng nơi nào có máy ‘cà thẻ’ Point of Sale để mà ‘chấp nhận’ thanh toán. Tất cả đều là ‘tiền tươi’.

Dĩ nhiên là khi người giàu cũng khó khi gặp cảnh ‘lockdown’ kéo dài thì phần gọi là ‘khốn nạn’ hơn, tiếp tục thuộc về giới cần lao ‘chạy ăn từng bữa’.

Lại có ý kiến, chung quy mọi chuyện đến từ việc coi ‘dịch’ là ‘giặc’ ở các quan chức ngoại đạo với ngành y. Bởi vậy nên mới có chuyện tiền đề của Chỉ thị 16 đặt ra: “Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh…” mà không quan tâm đến chuyện khi cách ly như vậy trong tình cảnh người nghèo khó, họ lây lất ra sao cho sống còn.

Người ta ví “mỗi gia đình là một tế bào của xã hội”. Từ đó suy ra, mỗi xã hội là một cơ thể! Nếu cơ thể sinh học bị tổn thương vì yêu cầu của mệnh lệnh hành chánh là tế bào cách ly tế bào, mô cách ly mô, thực quản cách ly bao tử, bao tử cách ly ruột non, ruột non cách ly ruột già, tim cách ly phổi, phổi cách ly gan, gan cách ly thận, thận cách ly bọng đái…

“Nếu chống dịch như chống giặc ngoài Biển Đông, có lẽ dân tình sẽ ‘dễ thở’ hơn!” – có ý kiến cà khịa như vậy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)