Thạch Lam Trần (VNTB) Nắng nóng trong mùa hè đang là lý do mang tính thời thượng, để các quan chức Việt Nam bào chữa cho các sai phạm trong quản lý và những việc làm thiếu minh bạch của mình.
Nó làm cho người dân nhớ đến lối ngụy biện cao cấp trước đây được phác họa đầy châm biếm, rằng: “Mất mùa thì tại thiên tai. Được mùa là bởi thiên tài đảng ta”
Từ giá điện tăng 8 lần do nắng nóng
Vừa qua, bằng một cách khôn khéo nhất, EVN Hà Nội đáp trả về hiện tượng tiền điện của nhiều hộ dân Hà Nội tăng lên chóng mặt, không còn gấp đôi mà đã lên gấp 8 – 11 lần là do thời tiết.
Thời tiết nắng nóng khiến cho nhu cầu sử dụng các thiết bị nóng lạnh, điều hòa tăng và điện… tăng, lãnh đạo EVN Hà Nội trao đổi với báo giới.
Vừa khánh thành, đường quốc lộ 1A qua địa phận Hà Tĩnh đã bị lún, sau khi cào bằng, sửa chữa thì tiếp tục… lún. |
Kể cả khi hộ dân nào đó cho rằng, họ đi làm cả ngày và tỉ lệ sử dụng các thiết bị nêu trên chỉ rơi vào buổi tối, nó hoàn toàn không phù hợp với cách đổ tội thời tiết của EVN Hà Nội thì EVN Hà Nội nhanh chóng dựa vào “tỷ lệ bê tông hoá cao dẫn đến độ hấp thụ nhiệt cao, làm không khí nóng đến tận đêm vẫn duy trì ở mức 30oC và do các cháu học sinh nghỉ hè nên các gia đình sử dụng điều hoà cả ban ngày và ban đêm.”
Nhưng những lời giải thích tưởng chừng như “hợp thời tiết” đó không xua tan đi sự nghi ngờ của người dân Hà Nội về việc, chính cách tính tiền điện theo lũy kế của tập đoàn EVN áp dụng trong đợt tăng giá điện (7,5%) vừa rồi, cùng với cách mà nhân viên EVN Hà Nội sử dụng thủ thuật ghi dồn, khiến cho giá điện vừa loạn vừa ảo, và họ bị móc túi theo một cách không ai ngờ đến.
Anh Vinh Tran, người sử dụng điện tại Hà Nội cho biết: “Với cách tính tiền điện hiện nay thì tôi dự kịch bản như sau: chẳng hạn 1 gia đình tháng 4 sử dụng 400 số điện, tháng 5 sử dụng 500 số (do trời nóng dùng nhiều điều hòa). Khi đó tháng 4 các anh thu tiền điện chỉ ghi công tơ 300 số, 100 số còn lại đẩy qua tháng 5 thành 600 số. Do cách tính lũy tiến nên số điện thực tế dùng không đổi nhưng số tiền người dân phải đóng cho EVN đắt hơn nhiều và tiền điện tháng 5 gấp đôi tháng 4 thậm chí hơn là điều dễ hiểu.”
Đến mặt đường bị lún do biến đổi khí hậu
Khi sự việc EVN ở thủ đô còn chưa lắng xuống, thì câu chuyện dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A khi vừa khai trương xong thì bị lún, tiếp đó, sau một đợt sửa gần nhất thì nay tiếp tục điệp khúc… lún.
Đây là công trình do Cienco 4 làm chủ đầu tư, và sự xuống cấp nhanh chóng của công trình khiến người dân nghi ngờ là do “bớt xén vật liệu thi công”, nhưng bằng một lý do hết sức thức thời, cơ quan quản lý lại cho rằng, đường lún là bởi nắng nóng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ sau khi kiểm tra vấn đề hằn, lún đường QL1A tại các tỉnh miền Trung đã khẳng định: “Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hằn, lún đường là do tác động của… biến đổi khí hậu.”
Tất nhiên, ông khẳng định lý do hàng đầu này là vì ông “chưa bắt được vụ nào” vụ ăn bớt vật liệu – thảm bêtông nhựa.
Với vấn đề này, chuyên gia cầu đường – thạc sĩ Phạm Sanh khi trao đổi với báo Lao Động đã cho rằng, lối nói đó là ngụy biện, vì bê-tông mặt đường có khả năng chịu được độ nóng đến 120 độ C, nghĩa là cao gấp 2 lần con số mà Thứ trưởng Thọ nêu ra để bào chữa cho vụ khai trương xong thì lún, vừa sửa xong thì… lún tiếp.
Ông cũng khẳng định, “Tôi cho rằng, nguyên nhân lún này có thể xuất phát từ việc thiết kế chưa phù hợp hoặc trong quá trình thi công có sự gian dối ăn bớt vật liệu hoặc làm cẩu thả”.