Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tiền đóng bảo hiểm xã hội của người dân đang được đổ vào đâu?

Thảo Vy – Minh Tâm
(VNTB) – “Xét trên hai khía cạnh trên, tôi không dám chắc sẽ có bao nhiêu phần trăm NLĐ lựa chọn người bán là BHXH Việt Nam để đảm bảo cuộc sống lúc về già của mình”.


Quỹ BHXH là gì?
Theo luật bảo hiểm xã hội (BHXH), các hình thức đầu tư của quỹ BHXH được cho phép là: mua trái phiếu Chính phủ; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) và cho ngân sách nhà nước (NSNN) vay. (Nghị định 30/2016/NĐ-CP, quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp).
Lý thuyết nói rằng quỹ BHXH là một quỹ tài chính độc lập, tập trung nằm ngoài NSNN. Quỹ này được dùng để chi trả trợ cấp cho các đối tượng hưởng BHXH và chi phí cho sự nghiệp quản lý BHXH ở các cấp, các ngành.
Có thể hiểu quỹ BHXH là tập hợp đóng góp bằng tiền của các bên tham gia BHXH: người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), Nhà nước bù thiếu nhằm mục đích chi trả cho các chế độ BHXH và đảm bảo cho hoạt động của hệ thống BHXH.
Như vậy, quỹ BHXH là quỹ tiền tệ tập trung, hạch toán độc lập với NSNN, được Nhà nước bảo hộ và bù thiếu. Quỹ này được quản lý theo cơ chế cân bằng thu chi, do đó quỹ BHXH không đơn thuần ở trạng thái tĩnh, mà luôn có sự biến động theo chiều hướng tăng lên hoặc thâm hụt.
Quỹ BHXH hình thành và hoạt động đã tạo ra khả năng giải quyết những rủi ro của tất cả những người tham gia với tổng dự trữ ít nhất, do rủi ro được dàn trải cho số đông người tham gia. Đồng thời quỹ này cũng góp phần giảm chi ngân sách cho Nhà nước; khi có biến cố xã hội xảy ra như thiên tai, hạn hán, dịch bệnh, quỹ BHXH cũng là một khoản không nhỏ giúp Nhà nước thay cho cứu trợ xã hội, phúc lợi xã hội,…

Nguồn hình thành quỹ?
Theo lý thuyết kinh tế thì kinh tế là nền tảng của BHXH, vì chỉ khiNLĐ có thu nhập đạt đến một mức độ nào đó thì việc tham gia BHXH mới thiết thực và có hiệu quả.
Cũng theo các nhà kinh tế, BHXH chỉ có thể phát triển được theo đúng nghĩa trong điều kiện nền kinh tế hàng hoá, tức là người tham gia BHXH phải có trách nhiệm đóng góp BHXH để bảo hiểm cho mình từ tiền lương/thu nhập cá nhân, người sử dụng lao động cũng phải đóng góp BHXH cho người lao động mà mình thuê mướn từ quỹ lương của doanh nghiệp/ đơn vị; đồng thời Nhà nước cũng có phần trách nhiệm bảo hộ quỹ BHXH như đóng góp thêm khi quỹ BHXH bị thâm hụt.
Như vậy, quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ các nguồn sau:Thứ nhấtNSDLĐ. Sự đóng góp này không những thể hiện trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ đồng thời còn thể hiện lợi ích của NSDLĐ bởi đóng góp một phần BHXH cho NLĐ, NSDLĐ sẽ tránh được thiệt hại kinh tế do phải chi ra một khoản tiền lớn khi có rủi ro xảy ra đối với NLĐ của mình đồng thời cũng giảm bớt được những tranh chấp. Thông thường phần đóng góp này được xác định dựa trên quỹ lương của đơn vị, doanh nghiệp.
Thứ hai, NLĐ. Hệ thống BHXH ở các nước trên thế giới chủ yếu vẫn thực hiện trên nguyên tắc có đóng có hưởng vì vậy người tham gia phải đóng góp cho quỹ mới được hưởng BHXH. Người lao động tham gia đóng góp cho mình để bảo hiểm cho chính bản thân mình. Thông qua hoạt động này người lao động đã dàn trải rủi ro theo thời gian, khoản đóng góp vào quỹ BHXH chính là khoản để dành dụm, tiết kiệm cho về sau bằng cách là hưởng lương hưu hoặc được hưởng trợ cấp khi gặp rủi ro xảy ra. Khoản trợ cấp này được xác định một cách khoa học và có cơ sở theo nguyên nhân.
Thứ ba, Nhà nước đóng và hỗ trợ thêm. Quỹ BHXH được nhà nước bảo hộ và đóng góp khi quỹ bị thâm hụt không đủ khả năng để chi trả cho các chế độ xã hội. Nhằm mục đích đảm bảo cho các hoạt động xã hội diễn ra được đều đặn, ổn định. Nguồn thu từ sự hỗ trợ NSNN đôi khi là khá lớn, sự hỗ trợ này là rất cần thiết và quan trọng. Có thể nói hoạt động của chính sách BHXH mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì chẳng khác nào đứa trẻ mới tập đi.
Thứ tư, các nguồn khác, như sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, lãi do đầu tư phần quỹ nhàn rỗi, khoản tiền thu nộp phạt từ các đơn vị chậm đóng BHXH… Đây là phần thu nhập tăng thêm được cơ quan BHXH đưa vào hoạt động sinh lời. Việc đầu tư quỹ nhàn rỗi này được yêu cầu phải đảm bảo khả năng thanh khoản khi cần thiết, an toàn và mang tính xã hội.

Kinh doanh từ quỹ BHXH vẫn đang có lời (!?)
Hồi đầu năm nay, trong báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2015 của cơ quan BHXH Việt Nam, cho hay, tính đến cuối năm 2015, tổng số dư đầu tư của các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào khoảng 435,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014. Trong đó, riêng NSNN đang chiếm 324 nghìn tỉ đồng. Tỷ lệ cho NSNN vay và mua trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng dần qua các năm, trong khi tỷ trọng cho vay NHTM nhà nước giảm dần.
Cụ thể năm 2015, các quỹ này dành 74,5% cho NSNN vay, 10,5% mua trái phiếu chính phủ. Nếu năm 2008, tỉ trọng cho NSNN vay không đáng kể thì số này đã tăng rất mạnh trong các năm qua.
Theo tính toán của cơ quan BHXH Việt Nam, mức tiền lãi thực thu tính trên số dư nợ bình quân năm 2015 khoảng 8,6%. Ngoài phần đầu tư vào NSNN hay gửi NHTM, quỹ BHXH cũng đầu tư vào một số dự án như cho thủy điện Lai Châu vay (6.000 tỉ đồng). Khoản đầu tư này được cho là cũng sinh lời. Tất cả số tiền lời từ các khoản đầu tư này được phân bổ khoảng 20,8 nghìn tỷ đồng vào quỹ BHXH bắt buộc, 2,7 nghìn tỷ đồng vào quỹ BH thất nghiệp, 128 tỷ vào quỹ BHXH tự nguyện, còn lại vào quỹ BH Y tế và trích chi phí quản lý BHXH.

Quỹ BHXH: Ai là chủ nhân?
Thử tưởng tượng vào một ngày kia, bạn nhận được một lời đề nghị rằng: “Anh hãy gửi tiền để tôi đầu tư, nhưng anh không được phép biết tôi sẽ quản lý khoản tiền của anh như thế nào, chi tiêu ra sao, và có đảm bảo an toàn hay không. Tôi cũng không dám chắc là sẽ đủ tiền để trả lại anh sau vài chục năm nữa khi đáo hạn, vì các chuyên gia dự báo quỹ của tôi sẽ thâm hụt sau 6 năm nữa và có nguy cơ bị vỡ”.
Liệu có ai muốn tham gia cuộc chơi chỉ mang thiệt vào thân như thế?
Đáng tiếc, đó là câu chuyện về BHXH ở Việt Nam, vốn đang gây ra nhiều tranh cãi từ trước ngày 1/1/2016, khi mà luật BHXH sửa đổi chính thức có hiệu lực.
Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang, Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đặt vấn đề: Theo luật mới, trong tổng tỷ lệ 26% đóng vào quỹ BHXH, người lao động đóng 8%, còn lại 18% do NSDLĐ đóng, dựa trên mức lương thực nhận và phụ cấp (thay vì chỉ tính trên lương như trước đây). Như vậy với quy định này, trên thực tế cả doanh nghiệp và NLĐ sẽ phải đóng góp nhiều hơn so với trước. Thời gian đóng BHXH cũng tăng thêm 5 năm (tăng từ 25 năm lên 30 năm đối với lao động nữ và từ 30 năm lên 35 năm đối với lao động nam).
Những quy định trên, tất nhiên sẽ khiến cho các doanh nghiệp “không vui”, bởi bất kỳ sự đóng góp nào sẽ khiến cho họ phải chịu thêm gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, nghịch lý là rất nhiều NLĐ, đối tượng thụ hưởng chính trong chính sách BHXH, lại tỏ ra không đồng tình.
Và điều đó không phải là không có lý do. “Với một quỹ có nguồn thu khoảng 7 tỷ USD mỗi năm, lấy từ 26% tổng quỹ lương toàn xã hội, người dân có quyền lo ngại khi luôn được thông báo rằng quỹ đang chịu nhiều sức ép, có nguy cơ bị âm hay thậm chí là vỡ quỹ, nhưng lại không tiếp cận được các thông tin. BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí, không phải là thuế hay phí phải nộp, mà là khoản tiền nhà nước giữ hộ cho công dân dành cho tuổi già. Khoản này thuộc sở hữu của NLĐ, và nghiễm nhiên với tư cách chủ đầu tư, họ có quyền tiếp cận thông tin có liên quan”. Th.S Nguyễn Khắc Giang, nhấn mạnh rằng đang có hàng triệu người đóng bảo hiểm cần được báo cáo về tình hình “kho báu” của mình một cách có hệ thống và liên tục, cụ thể là có báo cáo tài chính được kiểm toán, cập nhật hoạt động đầu tư, được quyền bầu ban đại diện cho quyền lợi của mình ở hội đồng quản trị quỹ.
Thêm vào đó, họ cũng có quyền được cử đại diện tham gia đại hội cổ đông hàng năm hoặc các đại hội bất thường liên quan đến hoạt động của quỹ.
Nói cách khác, quỹ BHXH phải được vận hành một cách minh bạch, công khai, có cơ cấu tài chính chặt chẽ như một công ty lên sàn chứng khoán. Đó là cách làm được thực hiện ở hầu hết các quốc gia theo mô hình nhà nước phúc lợi như Nhật Bản hay Na Uy. 
“Tại Na Uy, mọi thông tin liên quan đến hoạt động của quỹ đều được cung cấp chi tiết và trình bày theo cách dễ hiểu nhất trên trang web BHXH. Quỹ hưu trí nước này hiện có số vốn đầu tư 191 tỷ NOK (22 tỷ USD), và nắm cổ phần của hầu hết các công ty lớn trên sàn chứng khoán của Na Uy. Tất nhiên chúng ta không thể so sánh hệ thống đã vận hành hơn nửa thế kỷ với hệ thống được thành lập được 20 năm, trong điều kiện trình độ phát triển của hai quốc gia rất khác nhau.
Tuy vậy, đó không phải là lý do để không thực hiện những biện pháp minh bạch hoá thông tin để quỹ BHXH hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt là khi mức tiền đóng góp BHXH bắt buộc ở Việt Nam cao nhất nhì Đông Nam Á”. Th.S Nguyễn Khắc Giang, nói. Theo tính toán của ông Giang, thì nếu tính gộp các khoản BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn,…mức phí đóng góp lên đến 35,5% lương của NLĐ, gần bằng mức cao nhất ở Singapore (37%). Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hoá dân số, cũng chỉ có mức đóng góp cao nhất là gần 29%.

Niềm tin chiến lược
Vẫn theo Th.S Nguyễn Khắc Giang, mua bảo hiểm là hình thức dự phòng rủi ro ở tương lai, với việc người mua có niềm tin lâu dài cho bên bán bảo hiểm rằng họ có đủ khả năng để chi trả cho rủi ro, bệnh tật, tuổi già,…về sau. Vì lý do đó, không ai mua bảo hiểm ở những nơi mà họ không tin tưởng, hoặc với mức đền bù mà họ cho rằng không tương thích với chi phí bỏ ra.
“Xét trên hai khía cạnh trên, tôi không dám chắc sẽ có bao nhiêu phần trăm NLĐ lựa chọn người bán là BHXH Việt Nam để đảm bảo cuộc sống lúc về già của mình. Ngoài những mập mờ về mặt tài chính như phân tích ở trên, với việc nền kinh tế còn chưa ổn định và tiền sử siêu lạm phát như ở Việt Nam, nhiều người sẵn sàng chấp nhận tự tích cóp dự phòng hơn là đi mua.

Đó cũng là lý do NLĐ phản đối Điều 60 trong luật BHXH mới, không cho phép nhận tiền BHXH một lần, dẫu rằng đó là một chính sách rất nhân văn để đảm bảo cuộc sống của họ ổn định hơn khi đến tuổi nghỉ hưu. Khi chưa tạo được niềm tin rằng hệ thống đang hoạt động một cách công bằng, sẽ khó để thuyết phục người đóng BHXH việc họ phải chi thêm tiền là xác đáng”. Th.S Nguyễn Khắc Giang, bình luận.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo