VNTB – Tiến sĩ – học vị hay giấy thông hành

VNTB – Tiến sĩ – học vị hay giấy thông hành

Thái Hạo

 

Chỉ khi con đường học vấn không còn bị vấy bẩn và bôi nhọ bởi những thứ giả danh, thì lúc đó mới hi vọng về một sự chấn hưng thật sự trong giáo dục.

Cuối năm 2020 tôi nghỉ việc, rời khỏi môi trường giáo dục. Lúc ấy, nhiều thầy cô và bè bạn đã khuyên tôi tiếp tục học lên tiến sĩ để trở lại với công việc chữ nghĩa và nghiên cứu trong một môi trường phù hợp hơn. Tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về những đề nghị này.

Một người thầy thậm chí còn nhiệt tình thu xếp cho tôi gặp người của phòng đào tạo sau đại học của một trường đại học lớn ở miền Trung để tôi bàn về việc học tiến sĩ. Có nhiều anh em đang công tác ở các môi trường học thuật cũng mở lời, sẵn sàng giúp tôi bước chân vào chinh phục học vị cao nhất này.

Đương lúc đó, một người thầy khác công tác tại một đại học ở Hà Nội mà tôi vốn chưa từng gặp mặt đã nhắn tin nói với tôi rằng, muốn tôi về chỗ thầy để cùng làm việc, nhưng trước tiên để thầy lên phòng đào tạo đặt vấn đề xem sao. Chiều hôm ấy, thầy nhắn lại, họ đòi có bằng tiến sĩ… Và ngậm ngùi khuyên tôi hãy gắng học lấy tấm bằng ấy.

Có bằng tiến sĩ”, đúng thôi, giảng dạy đại học thì yêu cầu đó là hợp lý. Vấn đề ở chỗ không phải là yêu cầu cao hay thấp, có tiến sĩ hay chưa có tiến sĩ mà là điều sau đây: tất cả những người đã đề nghị và tha thiết giúp đỡ tôi đều nói “đó là giấy thông hành”. Xin lưu ý, tất cả những người ấy đều thực học, là “tiến sĩ thật” và nghiêm túc trong lao động khoa học mà tôi vốn kính nể.

Thế nhưng, với bối cảnh hiện tại, việc học lên tiến sĩ trong cái nhìn của họ thì chỉ là để vượt qua hàng rào “kiểm duyệt”, cầm trong tay một tấm giấy để ĐƯỢC làm chuyên môn. Đó là một sự chua chát, vì họ vốn không coi thường học vị tiến sĩ, nhưng trong hoàn cảnh vàng thau lẫn lộn, yêu cầu về một mảnh bằng giữa sự lộn xộn ấy lại không thể coi thường. Chúng ta phải nghe thấy nỗi đau của họ, rằng “học cho xong, để làm việc của mình”.

Khi mà tấm bằng danh giá nhất, bằng tiến sĩ, đã chỉ còn là một chiếc vé lên tàu, là một cái giấy thông hành, và việc sở hữu nó là một điều bất đắc dĩ thì chúng ta phải hiểu rằng nó đã thành một sự cản trở chứ không phải là điều kiện nữa. Khi mà ngay cả những người nghiêm túc nhất cũng đã coi tấm bằng tiến sĩ là một sự đối phó để có cơ hội được làm khoa học thì chúng ta phải hiểu chất lượng của nó đã thê thảm đến thế nào.

Họ không còn niềm tin vào chất lượng đào tạo đã đành mà còn phải từ bỏ luôn cả niềm tự hào của bản thân về học vị cao nhất mà mình đang sở hữu. Mọi lời khuyên của họ đối với tôi đều không phải là cần học lên tiến sĩ để đủ trình độ làm việc, mà là để có thể được bước vào một chỗ nào đó, có điều kiện mà làm khoa học. Như thế mới thấy cái thực tế về việc đào tạo, tuyển dụng ở ta đã trở nên trớ trêu và thảm hại như thế nào. Trong những cách nói đó luôn muốn diễn tả cái ý rằng, học xong rồi thì cất vô tủ và quên nó đi, coi như hết “nợ đời”!

Hãy hình dung, khi mà việc tốt nghiệp một học vị nào đó (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) chỉ là để lấy một tấm vé thì nó khác với việc học để có trình độ đến thế nào. Để có vé thì có rất nhiều cách, từ nhờ người học hộ, “đi đêm”, cho đến mua bán; nhưng học để có trình độ thì chỉ có một, là học thật, không còn cách nào khác.

Người ta dựng lên những hàng rào pháp lý nhưng lại không đủ khả năng/không đủ trách nhiệm để bảo vệ cái hàng rào ấy cũng như giám sát nó. Thế là bên cạnh vài người đã qua được bằng chính năng lực của mình thì không ít kẻ đã chui qua, thậm chí cắt lưới để chuồn sang. Bằng tiến sĩ, thay vì thấy rằng đó là một thử thách chuyên môn và phải rèn luyện để có đủ khả năng mà nhảy qua thì giờ đây nó trở thành một chướng ngại vật trong hành trình học vấn mỗi người.

Thái độ của những nhà khoa học và những người trí thức chân chính đối với tấm bằng tiến sĩ như tôi đã nhắc ở trên đã gián tiếp phản ánh một thực tế trái ngang, một thái độ chua chát và sự vùng vẫy trước “tấn trò đời” học vị ấy. Họ không còn tin vào nó nữa nhưng lại vẫn phải chấp nhận, thậm chí động viên người khác gắng mà sở hữu cho được. Sau tất cả những điều ấy là một sự tha thiết được làm việc và cùng nhau làm việc, hòng hi vọng có thể mang lại chút giá trị gì đó cho xã hội.

Trở lại, tôi đã quyết định, quyết định không dấn bước vào con đường khoa bảng ấy nữa. Với tất cả những gì đang bày ra, tôi chợt thấy may mắn nhưng lại cũng không thể vui, vì mình đã chọn dừng lại. Con đường học tiến sĩ không những là một cuộc đầu tư tiền bạc thực sự mà những người ít điều kiện khó lòng kham nổi bởi những thứ “phi học thuật” trong đó; hơn thế, nó còn mở ra cả một viễn tượng với chông gai trùng trùng phía trước trong một cơ chế xin – cho điển hình cùng với tình trạng mất tự do trong nghiên cứu…

Đến bao giờ mà chân ngụy phân minh, đến bao giờ mà những người làm khoa học chân chính không còn phải chua chát lo đối phó với cơ chế nhiễu nhương nữa, đến bao giờ mà con đường học vấn dù vẫn luôn gian nan nhưng không còn bị vấy bẩn và bôi nhọ bởi những thứ giả danh…, thì đó là lúc chúng ta mới có quyền hi vọng về một sự chấn hưng thật sự trong giáo dục và ở các nền tảng xã hội cơ bản khác, đủ để làm chân móng cho toàn bộ sự kiến tạo nên tương lai.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)