VNTB – Tiếp tục khủng hoảng xăng dầu và khủng hoảng… bộ trưởng

VNTB – Tiếp tục khủng hoảng xăng dầu và khủng hoảng… bộ trưởng

Thới Bình

 

(VNTB) – “Lúc trẻ mình mơ mộng làm đủ thứ chuyện, giờ ngay cả việc mơ đổ đầy bình xăng cũng không mơ được” …

 

Ai cũng có quyền quản lý

Từ phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội ngày 23-10 cho đến phiên giải trình trước Quốc hội ngày 28-10, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên luôn khẳng định xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên quản lý xăng dầu không chỉ là Bộ Công thương mà còn có sáu bộ ngành và các địa phương.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lại chứng minh rằng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu do các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đã không đáp ứng đủ nguồn cung theo kế hoạch được giao. Thậm chí, ông Phớc còn đề nghị sửa đổi quy định để giao hoàn toàn quản lý xăng dầu về Bộ Công thương làm một đầu mối.

Còn tư lệnh ngành ngân hàng Nguyễn Thị Hồng thì phân trần rằng đã cấp tín dụng, cung ứng ngoại tệ cho doanh nghiệp xăng dầu nhưng doanh nghiệp mới chỉ sử dụng khoảng 50% mức tín dụng đã cấp…

Chiều 1-11, liên bộ Công thương – Tài chính đã công bố điều chỉnh giá xăng dầu. Giá xăng E5RON92 tăng 377 đồng/lít, lên mức 21.873 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 412 đồng/lít lên 22.756 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S tăng thêm 287 đồng/lít, lên mức 25.070 đồng/lít…

Dù giá đã tăng nhưng theo nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu, việc tiếp cận nguồn hàng vẫn khó khăn. Một thương nhân nhượng quyền ở miền Bắc cho biết hàng vẫn về nhỏ giọt dù đang là đơn vị nhượng quyền của một thương nhân đầu mối có thị phần lớn. Thực tế phải ba ngày doanh nghiệp mới lấy được một xe hàng khoảng 10 khối, nếu mở bung để phục vụ khách thì chỉ… 5 tiếng là hết hàng.

Một thương nhân phân phối phía Nam cho rằng tình trạng các doanh nghiệp cấp hàng nhỏ giọt, thương nhân kinh doanh hạn chế bán ra không phải vì chờ tăng giá, mà vì không có hàng và không đảm bảo đủ duy trì chi phí để kinh doanh khi càng bán ra càng lỗ.

Tin tức cho biết, ngay sau khi điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, các công ty đầu mối và thương nhân phân phối rục rịch thông báo mức chiết khấu đến các đại lý, xăng từ 0 đồng lần lượt nhích lên 100 – 200 đồng/lít.

Cụ thể, Petec Vĩnh Long thông báo chiết khấu áp dụng từ 15 giờ ngày 1-11 với xăng RON95 và xăng E5 RON92 là 100 đồng/lít, dầu diesel 150 đồng/lít. Tương tự, Công ty S.T.S có chiết khấu các mặt hàng xăng 100 – 200 đồng/lít, dầu 200 đồng/lít; Petro Mekong thông báo chiết khấu xăng 100 – 150 đồng/lít, dầu 100 đồng/lít, lấy hàng tại kho trung chuyển.

Đặc biệt, mức chiết khấu cao nhất được các cửa hàng xăng dầu khu vực miền Nam cho biết là của Công ty cổ phần hóa dầu quân đội (Mipec) báo chiết khấu cho cả xăng và dầu 300 đồng/lít từ ngày 2-11.

Tuy nhiên trên thực tế ghi nhận tại TP.HCM đến chiều ngày 2-11 việc mua xăng vẫn khó khăn, thậm chí nhiều cây xăng yêu cầu khách hàng phải đưa đúng số tiền đổ xăng, không chấp nhận việc thối tiền do lượng khách chờ đợi hối thúc.

Khủng hoảng nhân sự bộ trưởng mới là điều đáng lo nhất

Với hàng loạt diễn biến trên cho thấy bên cạnh việc khủng hoảng nhiên liệu xăng, nguy hiểm hơn đó là chỉ dấu của khủng hoảng điều hành quốc gia ở cấp bộ trưởng.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về thực trạng trên, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cho rằng phải xem xét thực tế nguồn cung xăng dầu có đủ hay không, sai lệch với nhu cầu diễn biến thị trường, để từ đó phải có giải pháp điều tiết.

“Cần đảm bảo nguồn nhiên liệu lúc nào cũng phải đáp ứng nhu cầu và có dự trữ nhất định, không để đứt gãy như hiện nay”, theo ông Lâm.

Vị đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước trong nắm bắt thông tin, điều phối thị trường và nguồn cung một cách hài hòa, hợp lý. Việc để xảy ra đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung, theo ông Lâm, cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Hiện nay, việc quản lý xăng dầu có trách nhiệm phối hợp của nhiều bộ, ngành, song theo ông Lâm, trách nhiệm chính là của Bộ Công thương, không thể đùn đẩy cho bộ nọ, bộ kia.

Trước đó, cũng nói về câu chuyện trách nhiệm trong quản lý xăng dầu trong phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên không thừa nhận trách nhiệm chính mà cho rằng việc này có trách nhiệm quản lý đồng thời của 7 bộ, ngành.

“Vấn đề bây giờ là Bộ Công thương có kịp thời nhạy bén, đầy đủ thông tin, căn cứ để đề xuất cơ chế, điều tiết thị trường này hay không”, ông Lâm nói.

Xăng dầu là mặt hàng an ninh chiến lược, có liên quan đời sống người dân và cả nền kinh tế. Đây cũng là mặt hàng chịu tác động lớn từ biến động giá, cung cầu của thế giới, khi Việt Nam phải nhập khẩu dầu thô và xăng dầu từ thế giới một lượng lớn.

Do đó trong bối cảnh quản lý xăng dầu vừa đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước thì không thể để một mặt hàng an ninh chiến lược ở trong tình cảnh “cha chung không ai khóc”, cần thiết phải có một bộ ngành chịu trách nhiệm chính trong quản lý, để thống nhất về giải pháp điều hành.

Và truy đến cùng về hiến định, thì toàn bộ việc khủng hoảng xăng dầu cho đến nhân sự cấp bộ trưởng như trên, có địa chỉ cuối cùng cho trách nhiệm: Tổng bí thư đảng. Bởi nếu không đủ dũng cảm và sự tử tế để truy tận gốc về trách nhiệm, thì sẽ không thể “bắt bệnh” để trị bệnh, để rồi cứ vậy vòng vo loanh quanh thì tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ sẽ vẫn còn kéo dài dai dẳng như vừa qua…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)