VNTB – Tìm đâu tiếng chuông chùa ngày xuân cũ…

VNTB – Tìm đâu tiếng chuông chùa ngày xuân cũ…

 

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Về đây ta sẽ tới ngôi chùa cũ – Gióng tiếng chuông xưa, nghe tiếng tình tơ – Bến đò xa, cô lái vẫn chờ (Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Phạm Duy)

 

Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Bên cạnh niềm tin tôn giáo, thì phải chăng, khi người ta du xuân nơi chùa chiền sẽ như cảm nhận một thế giới bình yên từ vật thể bên ngoài đến ý thức bên trong?.

Lời nguyện cầu an lành thanh thoát, nụ cười an lạc qua hình ảnh của Đức Phật Di Lặc, một cành mai nhỏ nhắn, đơn sơ thắm tình của ngài Mãn Giác: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai”… Tất cả như cho ta một cảm giác an lạc của tâm hồn. Một niềm ao ước khát vọng của dân tộc ta đó là sự hạnh phúc và an vui.

Từ lâu, hình ảnh đến chùa lễ Phật hái lộc đầu năm đã trở thành truyền thống của người Việt dù không là Phật tử.

Còn với người Phật tử thì nay họ không còn giữ quan niệm “một miếng nhà chùa hơn cả vùa dưới bếp” cho chuyện mang được một chút lộc nhỏ của chùa trong ngày đầu năm về nhà, mà đơn giản thôi, đến với khói hương của ngôi chùa cũ nào đó mà có thuở mình đã cùng bà, cùng mẹ hay đến lễ Phật hồi còn bé dại, để giờ cảm nhận rằng biết ơn không chỉ gói gọn đối với những gì mình sở hữu về nhà cửa, đất đai, địa vị, danh vọng, sắc đẹp, tiền tài… mà sâu sắc hơn là nhớ về nguồn, “cây có cội, nước có nguồn”.

Dĩ nhiên chẳng phải đợi đến mùa xuân mới biết ơn và báo ơn, mà lấy đầu xuân làm khởi đầu là dịp để người con, người cháu, người học trò có thể trở về nguồn cội sum họp vui vầy, dâng món quà ý nghĩa tự tay làm, dâng lời chúc tụng, bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, bậc thầy khả kính.

Có ý kiến ít nhiều chất hàn lâm, rằng đi lễ chùa đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống tâm linh luôn được duy trì trong mỗi người dân Việt Nam. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm là về nơi cửa Phật, không đơn giản chỉ để mong muốn và ước nguyện, mà còn là lòng tin và những khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc sống mưu sinh.

Việc đi lễ chùa không chỉ giúp cho người dân Việt Nam giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân – thiện – mỹ, làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, chức năng tâm lý của tôn giáo cho chúng ta biết rằng khi cuộc sống ngày càng hối hả, tất bật, bon chen, nhiều áp lực… thì con người lại càng muốn tìm về chốn linh thiêng, thanh tịnh.

Một ý kiến khác nhẹ nhàng hơn, đi chùa cầu nguyện sự bình an là một nét đẹp tâm linh.

Phải hiểu rằng bởi niềm tin tâm linh, nên người ta khó thể giải thích trọn vẹn tại sao ta lại nên thực hiện. Nhưng chung quy lại, khi người ta thực hành nghi thức này, tâm sẽ cảm thấy an yên hơn. Sự an yên này đến từ cảm giác thân thiện của mọi người xung quanh. Có lẽ, một phần điều này không xuất phát từ hình dáng hay vẻ mặt tự nhiên của bản thân họ. Nhưng rõ ràng, khi ở trong một không gian nhẹ nhàng, thư thái như thế. Dường như người ta có xu hướng thân thiện hơn rất nhiều.

Và dưới góc nhìn của nhà quản lý thì vấn đề ở đây là cần phải hiểu và thực hành các giá trị văn hóa của việc đi lễ chùa, qua đó sẽ góp phần nâng cao các giá trị đời sống tâm linh của người dân Việt Nam nói chung, người dân đô thị nói riêng, trong bối cảnh xây dựng văn hóa, nếp sống văn minh đô thị.

Theo đó, mục đích của việc đi chùa là trải nghiệm đời sống văn hóa và tâm linh để thăng hoa nhận thức, sám hối những việc làm chưa đúng, tu tâm tích đức và thông qua đó cải thiện đời sống xã hội. Nếu không hiểu và làm không đúng thì ranh giới giữa văn hóa và phản văn hóa liên quan đến câu chuyện đi lễ chùa rất mong manh…

Còn với riêng tôi, đơn giản hơn nhiều lắm, cứ mỗi Tết, tôi lại đến để tìm nghe lại thanh âm tiếng chuông chùa ngày xuân cũ, lúc mà gia đình còn đủ đầy…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)