Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tìm hiểu Tư Tưởng Tập Cận Bình (Phần 1)

Đoàn Hưng Quốc

 

(VNTB) – Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình giống nhau ở chỗ cả hai đều muốn duy trì quyền lực độc tôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng giữa Đặng và Tập có hai khác biệt

 

Năm 2012 Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí Thư Trung Ương Đảng; năm 2013 trở thành Chủ Tịch Nước; đến năm 2018 tư tưởng Tập Cận Bình được chính thức mang vào Hiến Pháp với tên gọi “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Tập Cận Bình đem lại nhiều thay đổi sâu sắc trong xã hội Trung Quốc, mối bang giao Mỹ-Trung và nền trật tự thế giới.

Cho dù nhiều người nhận xét các tuyên bố hay sách vở viết về Tập chỉ nhằm tuyên truyền tô bóng lãnh tụ nhưng ít nhiều vẫn thể hiện những suy nghĩ của Tập trong chính sách đối ngoại và đối ngoại nên cần được tìm hiểu nghiêm chỉnh.

Điểm đáng nói là trước khi lên nhậm chức Tập không hề hé lộ tham vọng sẽ trở thành một lãnh tụ tập trung nhiều quyền lực như hiện thời. Các nhà quan sát cho rằng việc Tập được chọn làm Tổng Bí Thư rồi Chủ Tịch Nước là một dàn xếp “an toàn” trong nội bộ đảng và giữa các Thái Thượng Hoàng sắp sửa rút lui về hậu trường, với lý do vì Tập không nổi bật trong giới thái tử đảng (so với Bạc Hy Lai) nên Tập sẽ phải chia sẻ quyền lực với các thế lực khác trong cơ chế lãnh đạo tập thể (collective leadership) do Đặng Tiểu Bình đề ra kể từ khi đổi mới, nhằm ngăn ngừa không cho quyền hành tập trung vào một cá nhân theo kiểu Mao Trạch Đông như trước đây.

Vì Tập đã từng được chọn làm thị trưởng của thành phố thương mại Thượng Hải nên Tây Phương hy vọng Tập sẽ tiếp tục kinh tế thị trường và chính sách cởi mở như dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Nhiều nhà đối lập mong mỏi Tập sẽ cởi mở với các tôn giáo nói chung và đức Đạt Lai Lạt Ma nói riêng vì vợ của Tập là tín đồ Phật Giáo Tây Tạng.

Tập là con trai của khai quốc công thần Tập Trọng Huân. Khi cha bị thanh trừng trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa thì Tập và gia đình sống nghèo khổ trong hang động. Đến khi Đặng Tiểu Bình thi hành chính sách đổi mới thì Tập mới đi học trở lại, sau đó gia nhập đảng rồi thăng tiến dần trong các cấp bậc chính trị ở những tỉnh vùng duyên hải như Chiết Giang, Thượng Hải. Tập được bầu vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị năm 2007, lên Phó Chủ tịch nước năm 2008 rồi nắm các chức vụ tối cao vào năm 2011-12.  

Biến cố Bạc Hy Lai vào năm 2012 tạo một cơn chấn động trong nội bộ ĐCSTQ. Tập Cận Bình nhân cơ hội này siết chặt kỷ luật đảng theo mô hình Lê-nin-nít (hay Mao-ít) bài trừ tham nhũng vì xem đây là quốc nạn đe dọa mối sinh tồn của đảng. Tập nhân đó loại bỏ các phe cánh đối thủ, siết chặt kỷ luật đảng để trở thành “nhà lãnh đạo hạt nhân” kể từ năm 2016. Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình giống nhau ở chỗ cả hai đều muốn duy trì quyền lực độc tôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng giữa Đặng và Tập có hai khác biệt cơ bản:

1. Đặng chủ trương “Mò đá qua sông” vì lúc Đổi Mới vào cuối thập niên 1980-90 không ai biết đảng cộng sản sẽ tồn tại song song với tư bản và kinh tế thị trường như thế nào. Cho nên Đặng tuy duy trì quyền lực chính trị ở trung ương nhưng trao nhiều quyền hạn kinh tế rộng rãi cho các địa phương để thử nghiệm những sáng kiến mới trong các đặc khu kinh tế như ở Thẩm Quyến và Thượng Hải, rồi nếu thành công mới mang áp dụng rộng rãi sang các khu vực khác.

Đến thời Tập thì Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế trong khi Hoa Kỳ bị sa lầy về chính trị và quân sự ở Iraq và Afghanistan, suy thoái về kinh tế do cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2007-08. Bắc Kinh không cần dọ dẫm như thời Đặng, trái lại tự tin rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc đã sáng suốt lãnh đạo Trung Quốc liên tục ổn định và phát triển trong suốt 30 năm.

“Đồng Thuận Bắc Kinh” (Peking consensus) nay cạnh tranh ngang hàng với “Đồng Thuận Hoa Thịnh Đốn” (Washington consensus”). Bắc Kinh không cần “dấu ánh đèn trong đống trấu” như thời Đặng mà phô trương sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự trong cuộc tranh hùng Mỹ-Trung vào thế kỷ thứ 21.

Do thành quả sáng chói của đảng cộng sản đã được chứng minh thì tầng lớp cán bộ đảng viên và thành phần nòng cốt trong xã hội (tức là các chủ tập đoàn và công ty) phải được chỉnh đốn để không còn tình trạng suy đồi trong đạo đức (chống xa hoa thoái hóa, chống tham nhũng) và chao đảo về lập trường giữa các khuynh hướng bảo thủ hay cấp tiến, giữa tự do cá nhân hay xã hội hài hòa (harmonious society), giữa tam quyền phân lập hay tập quyền đảng trị, giữa tự do kinh doanh hay nhà nước chỉ đạo.

Cho nên khác biệt cơ bản đầu tiên là thời Đặng thực tiễn (pragmatic), thời Tập giáo điều (dogmatic).

 2. Khi Đặng cho phép các địa phương thử nghiệm những sáng kiến kinh tế đã dẫn đến hai hệ lụy: (a) quyền lực kinh tế bị chia ra sang các lãnh chúa và thế lực địa phương, và (b) tạo hố sâu giàu nghèo giữa các thành thị vùng duyên hải và trong đất liền nội-Trung. Đặng lại chủ trương mô hình lãnh đạo tập thể (collective leadership) nhằm ngăn ngừa quyền lực không tập trung vào một lãnh tụ như Mao Trạch Đông khiến Trung Quốc rơi vào bạo loạn và nghèo đói như dưới thời Cách Mạng Văn Hóa.

Khi Tập lên chức chủ tịch nước năm 2012 thì tổng số nợ ở Trung Quốc đang trên đà tăng vọt lên đến 300% GDP năm 2024, phần lớn nợ xấu trong ngành địa ốc lại do các nhà cầm quyền địa phương vay mượn hay bè phái cho tư bản thân hữu đầu tư. Cho nên dù Đại Hội Đảng lần thứ ba năm 2013 xác nhận kinh tế thị trường là nhân tố quyết định (decisive factor) phân phối nguồn vốn (capital allocation) trong xã hội, nhưng sau đó Tập kêu gọi chống tham nhũng và bài trừ lối sống xa hoa thái quá của các cán bộ đảng viên hủ hóa và tầng lớp tư bản đỏ, qua đó Tập bẻ gãy vây cánh đối thủ đồng thời làm suy yếu các tập đoàn tư bản mà tập trung quyền lực kinh tế và chính trị trở về nhà nước trung ương.

Tập chủ đạo nền kinh tế, chuyển hướng dòng vốn đầu tư từ địa ốc đổi sang năng lượng xanh và các công nghệ chiến lược, chú trọng đầu tư công và vào các tập đoàn thân hữu chiến lược (như điện thoại Huawei, chip điện toán SMIC, xe hơi điện BYD…) trong khi thị trường tư nhân không còn nắm vai trò quyết định mà trở thành một trong các công cụ thi hành đường lối đảng. 

Cho nên khác biệt cơ bản thứ nhì là dưới thời Đặng khế ước bất thành văn trong xã hội (social contract) là tuy độc tài đảng trị nhưng kinh tế phải phát triển và dân chúng làm ăn tương đối tự do. Thời Tập khế ước xã hội trở thành người dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng vì Tập và Đảng sẽ dẫn dắt dân tộc Hán thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa.

Tập nay ép đặt Trung Quốc vào trong khuôn khổ của “một quốc gia, một dân tộc, một ý thức hệ, một đảng, một lãnh tụ” (one nation, one people, one ideology, one party, one leader).

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: Mô Hình Kinh Tế Trung Quốc (Chương 17)

Phan Thanh Hung

VNTB – Facebook thành lập Ủy Ban Giám Sát độc lập để quyết định về các tài khoản bị đóng cửa

Phan Thanh Hung

VNTB – Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: cuộc chiến văn hóa*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.