Đoàn Hưng Quốc
(VNTB) – Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc mỗi nước đều mang một núi nợ cao bằng nhau lên đến 270% GDP.
Chương 1: Mô hình kinh tế qua các mốc thời gian
Chương 2: Chính sách kinh tế qua các giai đoạn
Chương 3: Khủng hoảng địa ốc
Chương 4: Tài chánh
Chương 5: Thời đại Tập Cận Bình
Chương 6: Tham nhũng và tăng trưởng
Chương 7: Triển vọng tăng trưởng
Chương 4 tìm hiểu bốn khía cạnh trong ngành tài chánh ở Trung Quốc: (1) giải quyết nợ, (2) không bị lệ thuộc vào USD, (3) xử dụng thặng dư ngoại tệ, và (4) xử dụng nguồn vốn trong nước.
1. Nợ
Cho đến cuối năm 2023 Hoa Kỳ và Trung Quốc mỗi nước đều mang một núi nợ cao bằng nhau lên đến 270% GDP[1]. Núi nợ nào sụp trước sẽ quyết định tương lai của thế giới vì nước còn lại sẽ trở thành cường quốc hàng đầu trong thế kỷ 21.
Mỹ là con nợ lớn nhất toàn cầu, hiện chiếm 30% tổng số nợ trên thế giới; Trung Quốc chiếm 20% nợ trên quốc tế nhưng đồng thời lại là chủ nợ lớn nhất hành tinh. Tàu vay trong nước nên nợ nước ngoài chỉ chiếm 13.7% GDP trong khi Mỹ nợ thế giới lên đến 95% GDP. Mỹ vay mượn bằng USD nên in USD trả nợ. Tàu nhờ vào dự trữ ngoại tệ hay in NDT (Nhân Dân Tệ) thanh toán nợ trong nước. In bạc khiến tiền mất giá nên mỗi nhà nước bị hạn chế bởi lạm phát. Nợ của Mỹ nhảy vọt do chia rẽ nội bộ vì Đảng Dân Chủ không giảm chi (cho bớt nợ) còn Đảng Cộng Hòa không tăng thuế (để trả nợ). Nợ bên Tàu khó giải quyết do tăng trưởng chậm và nạn lão hóa.
Nếu tiếp tục bàn về nợ sẽ còn kéo dài nên xin tạm ngừng nơi đây.
2. Trung Quốc không muốn bị lệ thuộc vào USD
Trung Quốc của chìm và nổi hiện lên đến 6 ngàn tỷ USD[2]. Tàu là đối tác thương mại hàng đầu với hơn 100 quốc gia nhưng lại dùng USD để mua bán với nước ngoài. Có ý kiến cho rằng Bắc Kinh mưu đồ cho đồng NDT (Nhân Dân Tệ) soán ngôi USD để trở thành đơn vị tiền quốc tế, nhưng hiện Bắc Kinh phòng thủ nhiều hơn tấn công nhằm thoát khỏi sự kiềm tỏa của USD dựa trên các bài học của 3 mốc điểm thời gian:
– 2008: Trước đó Trung Quốc dùng dự trữ ngoại hối để mua nợ công nước Mỹ nhưng lãi xuất thấp. Khi ngành địa ốc ở Hoa Kỳ bốc hỏa thì Bắc Kinh mua nợ nhà đất của Mỹ[3] để kiếm lời nhưng lỗ nặng (trên giấy tờ) trong Khủng Hoảng Địa Ốc và Tài Chánh năm 2008. Từ đó Trung Quốc đa dạng hóa đầu tư ngoại hối bằng cách mua tài sản nước ngoài: hùn vốn với nhiều công ty Tây Phương (Volvo, Peugeot, Smithfield…); đầu tư vào các startups; mua hải cảng ở Hy Lạp, Úc; nhà máy dầu hỏa ở Canada; thuê mua đất đai canh tác, các mỏ dầu, quặng khoáng sản và đất hiếm ở Phi Châu; xây nhà máy ở Đông Âu và Mexico v.v… nhằm giảm lượng dự trữ tiền mặt.
– 2014: Tây Phương đòi loại trừ Nga ra khỏi hệ thống SWIFT vì Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine. SWIFT là xương sống cho các giao dịch thanh toán tiền bạc toàn cầu. Cho dù Âu-Mỹ không thực hiện lời đe dọa nói trên nhưng sự kiện này thức tỉnh Trung Quốc cùng các nước Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia… lo sợ áp lực của Tây Phương. Bắc Kinh bắt đầu thiết lập các đường dây hoán chuyển ngoại tệ song phương (bilateral swap line) với vài nước trong khối BRICS để thanh toán tiền bạc dùng NDT (Nhân Dân Tệ) thay thế USD nhằm tránh không đi qua hệ thống ngân hàng toàn cầu của Âu-Mỹ. Nói cách khác, dù NDT không soán ngôi USD nhưng Bắc Kinh đa dạng hóa để thoát không bị buộc chặt vào USD.
– 2021: Nga tấn công Ukraine nên Mỹ và EU chẳng những khai trừ Nga ra khỏi SWIFT mà còn phong tỏa 300 triệu USD dự trữ ngoại tệ ký thác sang Tây Phương. Sang năm 2023, Hoa Kỳ và Âu Châu lại có thêm ý kiến đòi tịch thu số tiền này của Nga để chi viện cho Ukraine. Nhiều nước phương Nam (Global South) kinh ngạc cho rằng hành động này không khác gì Tây Phương ăn cướp tiền của nước khác nên đánh mất lòng tin của giới gởi tiền.
Trung Quốc dù là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 quốc gia nhưng nhập khẩu nguyên vật liệu rồi xuất khẩu hàng hóa đều dùng USD phải chịu thiệt thòi. Bắc Kinh lo bị phong tỏa kinh tế trong trường hợp chiến tranh với Đài Loan. Ngay như không bắn nhau nhưng một tổng thống như Donald Trump đòi Trung Quốc phải bồi thường hàng ngàn tỷ USD do gây ra dịch bệnh Vũ Hán. Với Trump thì chuyện gì cũng có thể xảy ra… Cho nên Bắc Kinh ráo riết huy động quỹ dự trữ ngoại tệ và nguồn vốn trong nước vào hai mục tiêu kinh tế và địa chính trị phòng chống phong tỏa[4].
Sức mạnh của Hoa Kỳ một phần nhờ giá dầu quốc tế tính bằng USD (ngoại trừ những nước như Iran và Nga bị Hoa Kỳ cấm vận nên bán dầu qua nhiều đường dây khác). Nay thế giới chuyển mình sang năng lượng xanh nên Bắc Kinh nhanh tay lợi dụng ưu thế áp đảo về sản xuất đất hiếm để thành hình các văn phòng giao dịch đất hiếm (rare earth exchange) ở Trung Quốc, mục tiêu khiến USD không còn là xương sống của nguồn năng lượng tương lai.
Nói tóm lại, Trung Quốc ngay lúc này chỉ muốn đa dạng hóa mậu dịch sử dụng nhiều loại tiền khác nhau (NDT, tiền điện toán, hay qua các đường dây song phương hoán chuyển ngoại tệ) để không bị kiềm tỏa bởi USD hơn là chuẩn bị cho NDT soán ngôi USD. Đây cũng là chiều hướng của thế giới đa cực trong tương lai, tức là không một đơn vị tiền quốc gia độc quyền đơn cực như USD hiện thời.
3. Xử dụng thặng dư ngoại tệ
Năm 2014 dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên cao điểm 4 ngàn tỷ USD. Đến nay quỹ ngoại hối trồi sụt khoảng 3 ngàn tỷ USD bề nổi nhưng của chìm ước lượng thêm 3 ngàn tỷ USD trên tổng số 6 ngàn tỷ USD.
Câu hỏi thường đặt ra là Trung Quốc mua rất nhiều nợ công của Mỹ liệu có bán tháo đổ ra thị trường quốc tế nhằm lũng đoạn nền kinh tế Hoa Kỳ hay không? Tuy nhiên Bắc Kinh tránh việc này vì không muốn tự hại mình qua 3 lý do:
– Trung Quốc vẫn cần USD để nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu hàng hóa.
– Quỹ dự trữ ngoại tệ lời to trong nhiều năm khi USD tăng giá còn NDT mất giá.
– Bắc Kinh bán tháo nợ công nước Mỹ sẽ khiến USD mất giá thì Trung Quốc cũng bị thua lỗ.
Cơ quan SAFE (State Administration of Foreign Exchange) thuộc Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) mang trách nhiệm quản lý quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Quỹ ngoại hối lên đến 3 ngàn tỷ USD quá dư thừa nên Bắc Kinh đầu tư phần thặng dư ngoại tệ còn lại vào nhiều quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund hay SWF) khác nhau trong đó gồm 2 quỹ chính:
– Quỹ đầu tư quốc gia Central Huijin do NHTƯ thành lập năm 2003 nhằm rút vốn từ quỹ dự trữ ngoại tệ để tài trợ các ngân hàng nhà nước mang nhiều nợ xấu năm 2003, cho các công ty tài chánh quốc doanh thua lỗ chứng khoán vào năm 2015 và trong cuộc khủng hoảng địa ốc hiện thời. Trọng tâm của Central Huijin nhằm ổn định tình hình tài chánh trong nước. Central Huijin có phần hùn và đại diện trong ban quản trị của các ngân hàng, những công ty tài chánh và bảo hiểm nên được xem như cánh tay nối dài của Bắc Kinh trong ngành tài chánh.
– Quỹ đầu tư Nhà nước CIC (China Investment Corporation) do Bộ Tài Chánh thành lập năm 2007. Khác với Central Huijin hướng nội nhằm ổn định tình hình tài chánh trong nước, CIC hướng ngoại với mục tiêu đầu tư ra nước ngoài để phục vụ cho quyền lợi kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc. Năm 2008 Central Huijin sát nhập vào CIC để không dẫm chân giữa NHTƯ và Bộ Tài Chánh nhưng hoạt động của Central Huijin tách biệt (firewalled) ra khỏi 2 phần còn lại của CIC gồm:
– CIC Capital đầu tư vào các công ty tài chánh Tây Phương như Blackstone và Morgan Stanley.
– CIC International đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bằng nhiều cách:
* Yểm trợ tài chánh cho các công ty quốc doanh Trung Quốc tiến ra hải ngoại như cho vay xây cất hạ tầng trong đại kế hoạch Vòng Đai Con Đường. CIC đã góp vốn xây cất nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định tại Việt Nam.
* Thuê mua đất đai canh tác ở nhiều nước trên thế giới nhất là Phi Châu và Nam Mỹ để bảo đảm an toàn thực phẩm.
* Đầu tư vào dầu hỏa và khí đốt để bảo đảm an toàn năng lượng
* Thuê mua các tài nguyên thiên nhiên, quặng khoáng sản và đất hiếm ở Canada, Úc, Nam Mỹ, Phi Châu… nhằm dẫn đầu ngành năng lượng xanh.
* Đầu tư trực tiếp vào các tập đoàn đa quốc gia Âu-Mỹ để (1) mua công nghệ, và (2) dùng tiếng nói cổ đông thúc đẩy các xí nghiệp quốc tế này đầu tư có lợi cho Bắc Kinh như xây nhà máy tại Trung Quốc hoặc hợp doanh với công ty bản xứ.
* Đầu tư vào các công ty start-up nhiều triển vọng ở nước ngoài.
CIC thường hợp tác ẩn mình sau lưng các đại tập đoàn tài chánh Âu-Mỹ như Goldman Sach… để mua công ty Tây Phương mà không bị soi mói do các lý do địa chính trị. Những đầu tư của CIC tuy công khai nhưng mất rất nhiều thời giờ và chuyên môn để tra cứu ngọn ngành vạch lá tìm sâu (người Mỹ gọi là follow the money.)
CIC và Central Huijin đầu tư vào những con gà đẻ trứng vàng ở Trung Quốc như Alibaba (mạng xã hội), BYD (xe hơi điện), Didi (car sharing) và SMIC (sản xuất chip điện toán), đồng thời cấp vốn cho những ngành nghề công nghiệp chủ lực trong kế hoạch Made In China 2025.
SAFE, CIC và Central Huijin đều góp vốn cho các quỹ Silk Road Fund (con đường tơ lụa) và Belt and Road Fund (vòng đai con đường).
(Độc giả nào muốn tìm hiểu sâu thêm về các quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc xin tìm đọc sách Sovereign Wealth Funds của tác giả Zongyuan Zoe Liu.)
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của các nước đang mở mang với tổng số cho vay lên đến 1340 tỷ USD[5]. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nên số tiền cho vay giảm dần, một phần do các nước sợ rơi vào bẫy nợ, mặt khác vì nhiều quốc gia không trả nổi nợ từ sau đại dịch Vũ Hán. Việc điều đình để giảm nợ hay hoãn trả nợ gặp khó khăn do những điều kiện cho vay không công khai và minh bạch nên các nước đi vay khó nhận được sự trợ giúp của IMF và Tây Phương vì Âu-Mỹ-Nhật không muốn nợ của Trung Quốc được ngấm ngầm ưu tiên trả trước nhất.
4. Sử dụng dòng vốn trong nước
Tiết kiệm ở Trung Quốc lên đến 46% GDP trong lúc trên toàn thế giới trung bình 25%, các nước G20 27% GDP còn Mỹ 18% GDP[6]. Trung Quốc nhờ tiết kiệm cao nên không thiếu vốn. Bắc Kinh có ba chọn lựa để dùng nguồn vốn: (1) đầu tư vào mạng lưới an sinh xã hội giúp dân chúng tăng tiêu thụ do bớt lo dành tiền; (2) đầu tư vào hạ tầng và địa ốc; (3) đầu tư hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu.
Tập Cận Bình không chọn giải pháp (1) khi khẳng định Trung Quốc dù sau này giàu có vẫn không theo mô hình “xã hội tế bần” (welfare state) vốn mang đến tính lười biếng và đồi trụy trong các nước Tây Phương. Giải pháp (2) từ năm 2008-2020 dẫn đến khủng hoảng địa ốc và nợ xấu nên không thể tiếp tục. Trái lại từ năm 2021 đến nay Trung Quốc đi theo giải pháp (3) nhằm đẩy mạnh đầu tư trong nước vào các ngành nghề công nghiệp tiên tiến gồm:
– Trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip điện toán: hai ngành này là sức mạnh trong thế kỷ thứ 21 nên Trung Quốc phải dẫn đầu hay tự lực mà không sợ bị Mỹ phong tỏa công nghệ.
– Năng lượng xanh: đầu tư vào quặng mỏ và thanh lọc đất hiếm (rare earth); điện mặt trời (solar panel), và sản xuất xe hơi điện.
– Made In China 2025 gồm: hàng không, xe lửa, robotic, y sinh vật học, công nghệ sản xuất tiên tiến…
Trung Quốc từ năm 2008 thặng dư đầu tư sinh ra thặng dư sản xuất đẩy vào các nước đang mở mang trong kế hoạch Vòng Đai Con Đường. Bắc Kinh cho vay xây cất hay thuê mua hải cảng, tuyến đường xe lửa, nhà máy than điện và đập thủy điện. Trung Quốc thuê mua dài hạn công nghiệp dầu hỏa, mỏ đất hiếm và đất đai trồng trọt ở nước ngoài để bảo đảm an toàn năng lượng và thực phẩm.
Vấn đề là thặng dư đầu tư sinh ra ngập lụt sản xuất không đủ thị trường tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ nội địa thấp hơn khả năng sản xuất. Thị trường xuất khẩu gặp trở ngại vì nhiều lý do:
– Mỹ và Âu châu hiện đều tăng đầu tư vào các ngành công nghiệp cao cấp để (1) phục hồi ngành sản xuất trong nước, (3) tạo công ăn việc làm cho dân chúng, (3) bởi các lý do địa chính trị và (4) đa dạng hóa nguồn sản xuất không bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Xe hơi điện của Trung Quốc hiện tràn ngập Âu Châu trong khi bị chận sang Mỹ nhờ bị Trump đánh thuế 25%. Âu Châu mua 90% tấm bản điện mặt trời (solar panel) từ Trung Quốc với giá rẻ hơn 50% nếu sản xuất nội địa. Ngành xây cất ở Trung Quốc chậm lại khiến Tàu thặng dư sắt trong khi sản xuất các tấm bản mặt trời đủ để thế giới tiêu thụ cho đến năm 2030. Âu-Mỹ-Hoa cùng tăng đầu tư cùng một lúc vào những ngành giống nhau không khỏi dẫn đến các rào cản thương mại để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường nội địa.
– Nếu xuất khẩu sang Tây Phương bị cản trở vì rào cản thương mại chỉ còn cách tràn sang các nước đang mở mang, nhưng những quốc gia này đã nặng nợ không thể nhận thêm đầu tư hay hàng hóa từ Trung Quốc.
Chương 5 sẽ đi vào chi tiết của nền kinh tế Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình.
_______________
Tham khảo:
[3] https://www.npr.org/2008/09/07/94369826/china-eyes-fannie-mae-freddie-mac-bailout
[4] Tình báo Tây Phương nghi ngờ rằng Bắc Kinh phong tỏa Thượng Hải trong dịch Vũ Hán chính nhằm tập trận chống phong tỏa
[6] https://www.theglobaleconomy.com/rankings/savings/