VNTB – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có ở đất Nam bộ?

VNTB – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có ở đất Nam bộ?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Tại sao phải xây dựng đền thờ Vua Hùng thành một khu du lịch tâm linh ở vùng đất không có một trải nghiệm văn hóa nào gắn kết với tín ngưỡng thờ Vua Hùng?

 

Đó là câu hỏi đặt ra khi thành phố Cần Thơ vừa khánh thành đền thờ Hùng Vương, và dự án này được xây dựng bằng tiền lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân còn là Chủ tịch Quốc hội vận động một doanh nghiệp hỗ trợ.

Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Số liệu công bố nhân dịp kỷ niệm 10 năm công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể, cho biết khá chung chung là hiện cả nước có 1.417 di tích thờ các Vua Vương và các tướng lĩnh thời Hùng Vương.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Trong đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 37 di tích quốc gia; 135 di tích cấp tỉnh; 269 di tích đang thờ tự.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo, mà được hiểu là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn, tri ân công đức các vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang.

Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh tỉnh Phú Thọ là trung tâm phát khởi của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Tuy nhiên thời gian gần đây thì tín ngưỡng thờ Hùng Vương vốn thuộc về một số địa phương cụ thể, với những màu sắc văn hóa, bối cảnh lịch sử và không gian địa lý cụ thể, nay được tách khỏi không gian và khuếch tán thành một “truyền thống” mới để nâng đỡ cho những thông điệp khuôn sáo về nguồn cội.

Nói như vậy để thấy rằng cần tránh việc lợi dụng tín ngưỡng thờ Hùng Vương để đầu tư vào chuyện thuần kinh doanh của các dự án bất động sản tâm linh như dấu hiệu đang manh nha từ việc dành 4 héc ta đất tại khu trung tâm Bình Thủy của thành phố Cần Thơ để xây dựng đền Hùng Vương.

Trước đó, tại Cần Thơ đã có hai ngôi đình thờ Hùng Vương lớn và cổ nhất nằm ở quận Bình Thủy và quận Ô Môn. Lễ tưởng niệm các vua Hùng hằng năm được tổ chức trọng thể. Tại tỉnh Vĩnh Long cũng tổ chức trang trọng Giỗ Tổ Hùng Vương với việc rước linh vị vua Hùng từ đền Long Thành (phường 5, thành phố Vĩnh Long) về trung tâm văn hóa thông tin tỉnh.

Từ năm 1957 người Kiên Giang đã xây dựng đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại ấp Đông Bình, xã Thạch Đông B. Theo năm tháng, ngôi đền đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương và các vùng lân cận.

Ở Sài Gòn trước tháng 4-1975, đền thờ Quốc tổ Hùng Vương thuần để thờ phượng, không liên quan đến bất kỳ vấn đề nào của cách khai thác về du lịch tâm linh. Có thể kể đến Đền thờ Vua Hùng nằm trong khuôn viên của Thảo cầm viên Sài Gòn. Một ngôi đền nhỏ hơn gọi là tưởng niệm các Vua Hùng đặt trong khuôn viên vườn Tao Đàn. Ở số 94 Nguyễn Thái Sơn, phường 3, Gò Vấp cũng có một ngôi đền nhỏ thờ Vua Hùng.

Ba đền thờ Vua Hùng mới xây dựng sau này lúc Sài Gòn đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh, có Đền tưởng niệm các Vua Hùng thành phố Thủ Đức, Quốc Tổ Hùng Vương ở bên trong khu du lịch Suối Tiên, Đền thờ Hùng Vương bên trong khu du lịch Đầm Sen.

Dường như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phổ biến ở đất Nam bộ.

Ở miền Bắc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bảo tồn cả về cơ sở thờ tự, nghi thức thờ cúng, lễ hội và không gian văn hóa. Tại vùng đất Tổ, các đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh được tu bổ, tôn tạo khang trang cả về kiến trúc và nội thất; Cột đá thề được trùng tu lại phù hợp với ý nghĩa và truyền thống lịch sử.

Đền thờ Đức tổ Lạc Long Quân được xây dựng trên Đồi Sim, khánh thành vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2009; Đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Vặn, khánh thành vào năm 2005, cùng với các đền, chùa, tháp… trên núi Nghĩa Lĩnh tạo thành một quần thể các công trình tín ngưỡng quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh, tôn vinh và tưởng nhớ công ơn của các bậc Thủy tổ đã có công dựng nước.

Bên cạnh đó, nhiều công trình phục vụ các hoạt động tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa, như: Quảng trường trung tâm, trục hành lễ, các tượng đài, phù điêu, Bảo tàng Hùng Vương,… đã được xây dựng khang trang, cùng với các khu rừng quốc gia, khu trồng cây lưu niệm, hồ nước, cảnh quan thiên nhiên… tạo thành quần thể di tích vừa trầm hùng vừa sống động.

Từ những thực tế trên cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ca ngợi vì nó được bao phủ bằng một hệ thống truyền thông luân lý được bảo trợ chính thức.

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương vốn thuộc về một số địa phương cụ thể, với những màu sắc văn hóa, bối cảnh lịch sử và không gian địa lý cụ thể với những yếu tố gắn với Hùng Vương và thời Văn Lang, nay nếu được tách khỏi không gian, bỏ qua những đặc trưng tinh thần vốn có của nó và khuếch tán thành một “truyền thống” mới để nâng đỡ cho những thông điệp khuôn sáo về nguồn cội nhằm cho đích đến của du lịch tâm linh, là điều rất cần xem xét lại cho một kiểu trá hình của đầu tư bất động sản du lịch.

Bên lề lễ hội dịp giỗ Quốc tổ Hùng Vương, một nhà báo tốt nghiệp khoa lịch sử, trường Đại học Tổng hợp TP.HCM trước đây, ý kiến: “Chúng ta chỉ mới biết và mới học nhiều nhất là lịch sử người Việt, gốc tích Văn Lang, sông Hồng. Còn nhiều trang sử khuất về quá trình hợp chủng của người Việt với các sắc tộc vùng thượng du miền Bắc, Champa miền Trung và Tây Nguyên, Chân Lạp – Phù Nam miền Nam… Ngoài ra, còn những yếu tố giao lưu, hợp thành với người Hoa viễn xứ, người Đông Nam Á đa đảo, người phương Tây ở nhiều thời kỳ khác nhau.

Món nợ này không chỉ với các nhà sử học.

Tiếp tục tìm hiểu, lịch sử chổ nào còn khuất sẽ phải bổ khuyết.

Cuộc đời có vay có trả, lỡ quên lúc nào thì con cháu sẽ phải nhận lảnh thôi.

Nhân ngày giỗ Tổ, ngẫm nghĩ bâng quơ…”.

Xem ra thì thống nhất quốc gia là tất yếu, nhưng đa dạng văn hóa cũng là quy luật muôn đời.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)