Tạ Dzu
(VNTB) – Nhân dịp vi rút Corona đang hoành hành khắp nơi, xin được chia sẻ với các anh chị nhận định sơ lược của tôi về tình hình kinh tế-chính trị Mỹ trong giai đoạn hiện nay, để chúng ta, nhất là các anh chị ở VN có một cái nhìn khái quát về nước Mỹ (dĩ nhiên còn thiếu sót rất nhiều), vì dù thế nào, Mỹ và Tàu vẫn là hai thế lực ảnh hưởng rất lớn tới chính tình VN.
Mong các anh chị đọc với tinh thần cởi mở và chấp nhận những ý kiến khác biêt. Và nếu được, mong nhận được những ý kiến đóng góp.
Theo tôi, kinh tế Mỹ lẫn đa phần thế giới đã dựa trên lòng tham và dục vọng (greed and desires), thay vì trên nhu yếu (necessity) (như một nhà tư tưởng Việt đã đề xuất trong thập niên 1940 của thế kỷ trước), thì sớm muộn cũng rơi vào suy thoái (thường trực), khó bền vững lâu dài, như hiện nay chúng ta đang chứng kiến, hay đã từng xảy ra hồi năm 2000 và 2008.
Một trong những lý do là Fed (Cục dự trữ liên bang hay Ngân hàng trung ương Mỹ) đã cố giữ tiền lời quá thấp và quá lâu, nói là để kinh tế phát triển. Nhưng thay vì các công ty dùng tiền mượn nợ để phát triển, họ đã vì lòng tham, mua lại cổ phiếu của hãng mình để giá trị cổ phiếu của họ ngoài thị trường tăng lên, các sếp xiếc của hãng (CEOs, CFOs, CIOs, supervisors…) sẽ được thưởng nhiều (bạc vạn, trăm ngàn, bạc triệu) chứ không ít; trong khi lương công nhân thì trả rẻ như bèo, vật giá leo thang khiến cuộc sống người dân ngày càng khó khăn.
Mấy hôm nay cũng tin đó trên mạng, chính phủ Trump đang cân nhắc cách cứu nào các hãng máy bay Mỹ đang vắng khách (vì van nài chính phủ giúp), chứ cứ giao tiền thì họ thì trong quá khứ cả chục năm qua, họ lại dùng một phần tiền để mua lại cổ phiếu của hãng mình.
Cuối tuần trước, Fed đã giảm tiền lời nửa chấm. Sang đầu tuần rồi, giảm hẳn 1 chấm, giờ tiền lời chỉ còn gần 0%. Một chỉ dấu của Fed bị hoảng loạn.
Vì sao vậy? Vì cả chục năm nay Fed đã đi ngược ngay cả với con đường tư bản cổ điển: thay vì để thị trường điều tiết qua luật cung cầu, Fed đã giữ tiền lời quá thấp và quá lâu, vừa để dễ trả nợ (nợ quốc gia đã trên 22 ngàn tỉ), vừa nói là để hãng xưởng đầu tư. Nhưng thay vì đầu tư, họ đi mua lại stock của hãng mình (stock buybacks) như đã nói trên. Cả chục năm nay, thực tế của recovery (kinh tế hồi phục) chỉ dựa trên tiền nợ mà xài, từ cá nhân, hãng xưởng đến chính phủ. Không thể phát triển kinh tế và giảm nợ bằng cách tiếp tục đi mượn nợ. Lúc nào đó thì chính núi nợ sẽ đè mình chết. Và nó đang xảy ra. Chuyện virus chỉ là ‘the last straw’ (giọt nước cuối cùng). Nếu phát triển có căn bản, thị trường chứng khoán cũng xuống vì vi rút, nhưng xuống vừa phải chứ không hoảng loạn như hiện nay.
Cuộc vui nào rồi cũng tàn, khi tàn cuộc (party is over) thì hiện trường party kinh tế lòng tham và nợ nần kinh khủng lắm: chỉ còn lại ly cốc trống rỗng và chén dĩa dơ bẩn ngổn ngang khắp nơi. Chưa bao giờ thị trường chứng khoán lên xuống khủng khiếp như hiện nay: lên, xuống cả ngàn điểm trong ngày, cuối ngày xuống đến 2, 3 ngàn điểm. Chưa từng. Theo tôi, sẽ gượng lại được nhưng trong vòng 12-24 tháng tới, sẽ rơi vào recession (kinh tế suy trầm) còn kinh hoàng hơn bây giờ nữa (Fed lại tung thêm, tổng cộng 4 ngàn tỉ đô vào thị trường để cứu nguy). Đây chỉ là kinh nghiệm của tôi từ vụ khủng hoảng kinh tế dot com bubble 2000 và mortgage bubble 2008 thôi. Sắp tới sẽ là… everything bubble.
Dân hoảng loạn. Fed càng hoảng hơn.
Kinh tế dựa trên lòng tham nó khủng khiếp như vậy khi tàn cuộc.
Trong một nhóm khác tôi đã trình bầy: ngay trước khủng hoảng tài chánh 2008 khoảng 9 tháng, Alan Greespan (lúc đó là chủ tịch Fed) tuyên bố thị trường vững lắm. Rồi mới cách đây vài tháng, Jerome Powell (đương kim chủ tịch Fed) đã tuyên bố ở Thuỵ sĩ: thị trường tốt lắm, Fed sẽ làm mọi thứ để giữ kinh tế chạy tốt (Fed tuyên bố vững khi thị trường thế giới đã lung lay là lúc nên biết sợ). Những tháng sau đó, thị trường chứng khoán lên cao ngất ngưởng là lúc mọi người cần phải bán hết cổ phiếu ngay (nếu có).
Nhân đây, tôi xin trình bầy hiện trạng kinh tế-chính trị Mỹ để chúng ta rút kinh nghiệm cho Việt Nam:
Xã hội Mỹ thực ra cũng đã cố tạo cơ hội bình đẳng (theo cách của họ) cho mọi sắc dân về giáo dục, y tế, xã hội v.v… Có thể nói đa số người Việt sinh sống ở những vùng trù phú thuộc các bờ đại dương của Mỹ như Cali, Texas, New York, Washington DC…, tận dụng được cơ hội này, một phần nữa là nhờ cần cù, sáng tạo để tiến thân. Họ đã mau chóng vươn lên ở giai tầng trung lưu khá cao (có nhà cho mướn, có tiệm làm đẹp – tóc, móng tay, quán ăn…). Người Việt hội nhập khá thành công ở Mỹ. Ngược lại, người Mỹ trắng chính gốc hoặc gốc da đen, Mỹ Latinh sống ở những ‘vùng sâu, vùng xa’ (inner cities) trong nội địa nước Mỹ, hoặc trong khu vòng đai hoen rỉ (rusted belt) thì cuộc sống rất khó khăn; nhưng được chính sách xã hội của chính phủ chu cấp khá đầy đủ: tiền hàng tháng chi trả chỗ ở, bảo hiểm y tế và sức khoẻ miễn phí, con cái được học bổng khi vào đại học. Nói chung, họ không đói, cộng thêm trợ cấp xã hội (welfare) nên mức sống của họ còn cao hơn dân đi làm thuộc diện trung bình thấp. Họ không đói nên đầu gối không phải bò, mặc dù cha ông họ đã từng là những người rất năng động thời mới lập quốc: nghe tin ở Cali có vàng là khăn gói quả mướp đi ngay để tìm cuộc sống khá hơn. Bây giờ khác!
Nhưng đó lại là vấn đề của nước Mỹ: dân ở các khu vực này (inner cities and rusted belt) sống tương đối no đủ, không phải lo nên họ không đi làm, cứ ở nhà đẻ con kiếm tiền trợ cấp, sinh ra nhiều tệ nạn xã hội khác: trộm cắp, ma tuý, gia đình cha mẹ đơn thân nuôi con khá cao. Thống kê cho thấy mức độ tội phạm và sinh con vị thành niên ở khu vực này rất cao và là cao nhất nước Mỹ (cha ông ta nói ‘nhàn cư vi bất thiện’ là thế). Những người Mỹ khác từng sống trong vùng kỹ nghệ xe hơi (Detroit) gặp cảnh toàn cầu hoá bị mất việc, công việc mà trước đây không cần bằng cấp đại học vẫn sống phây phả; giờ mất việc ở tuổi bốn mấy, năm mươi rất khó kiếm được việc khác. Tình trạng chênh lệch giàu nghèo này dễ gây ra xáo trộn xã hội (social unrest) và dễ dẫn đến nền chính trị dân tuý, mị dân để kiếm phiếu.
Chính những chính trị gia và những kinh tế gia không lường trước được việc toàn cầu hoá tuy đem lại thịnh vượng hơn cho những vùng duyên hải, nhưng lại đẩy các vùng kỹ nghệ xe hơi và vùng sâu, vùng xa nghèo hơn, lệ thuộc vào các chương trình xã hội nhiều hơn.
Theo tôi, về kinh tế, nước Mỹ có hai nhóm tài phiệt cạnh tranh nhau khá khốc liệt: nhóm thuộc kỹ nghệ nặng: dầu hoả, vũ khí… (Lockheed, Boeing, Shell…) thường ủng hộ phe Cộng hoà; nhóm thương mại tài chánh (Golman Sachs, các nhà băng…) ủng hộ Dân chủ. Obama và Fed đã cứu nhóm nhà băng này vào năm 2008. Ngoài hai nhóm trên, khoảng 2-3 thập niên nay, có một nhóm tài phiệt mới nổi, mang đến những kỹ thuật vi tính và mạng thông tin toàn cầu (Microsoft, Apple, Google, Facebook…). Họ trung dung, không ủng hộ phe nào rõ rệt. Có thể xem họ là những nhà ”tư bản tốt”, mang đến hàng triệu công ăn việc làm mới cho nước Mỹ. Chỉ có điều, không hiểu tại sao Mỹ không có chính sách công nghiệp quốc gia (national industrial policy) như Hàn quốc hay Trung cộng để tiếp tục dẫn đầu thế giới về kỹ thuật cao, đến nỗi nay thấy TC tiến bộ quá (không nói đến việc gián điệp kỹ thuật), đành phải đem Trump tung ra quả đấm kinh tế.
Với bối cảnh nước Mỹ và thế giới như thế, nhìn lại ta, thời gian qua Việt Nam đã cố theo gương Hàn quốc với những Cheabols khổng lồ, cũng táy máy lập Vinalines với Vinashin, nhưng lại không cho dân phản biện, thì làm sao mà thành bột thành đường được, để tệ đến độ mấy cái line, cái shin đó… sink (chìm) luôn.
Tất cả đều là những kinh nghiệm quý báu cho chúng ta kiến thiết Việt Nam sau này.