VNTB – Tịnh thất Bồng Lai: ai trục lợi?

VNTB – Tịnh thất Bồng Lai: ai trục lợi?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Thế nào là trục lợi tôn giáo?

 

Liên quan đến những hành vi được nhà chức trách cáo buộc là vi phạm, lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi tại nơi tự xưng “Tịnh thất Bồng Lai”, và sau này được đổi thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”, chiều ngày 04-01-2022, thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án.

“Hiện vụ việc và những vi phạm của ông Lê Tùng Vân và những cá nhân có liên quan đến những việc làm sai trái tại đây đang được tiếp tục xác minh điều tra làm rõ và sẽ sớm cung cấp thông tin cho báo chí”, nguồn tin cho biết.

Qua kết quả xác minh ban đầu, năm 2014, bà Cao Thị Cúc, sinh năm 1960, hộ khẩu thường trú xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước mua lại nhà, đất gần 2.000m2 ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa rồi chuyển về đây sinh sống, sau đó sửa chữa lại làm điểm tu tại gia.

Qua xác minh, ông Lê Tùng Vân, sinh năm 1932, hộ khẩu thường trú phường 10, quận 6, TP.HCM chuyển về đây sinh sống cùng nhà với bà Cúc từ năm 2015.

Trước đó, Sở Nội vụ tỉnh Long An cũng đã có đoàn kiểm tra liên ngành tại cơ sở này, xác định hộ bà Cúc không phải là cơ sở tự viện Phật giáo, những người ở đây đều không phải là tu sĩ Phật giáo theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các quy định luật pháp liên quan.

Về thông tin nơi đây tiếp nhận nuôi trẻ mồ côi để vận động, nhận nguồn tài trợ, đoàn kiểm tra xác định có 7 trẻ em sinh từ khoảng năm 2014 đến năm 2017 đều đang sinh sống với 3 người mẹ ruột ngay tại hộ bà Cúc. Ngoài ra còn có 1 bé đã được bà Cúc hoàn tất các thủ tục pháp lý nhận con nuôi, và 1 bé vừa được cậu ruột đến đón về sống tại Huế. Cả 7 bé sống cùng mẹ ruột đều không được những người lớn và mẹ ruột cho biết sự thật về thân nhân của mình.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo, điều 5.5 cấm lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Tuy nhiên cụ thể thế nào là trục lợi tôn giáo thì dường như chưa thấy điều luật nào điều chỉnh.

Theo điều 2 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì nơi tạm gọi là tu tại gia có tên gọi là “Tịnh thất Bồng Lai”, và sau đó là “Thiền am bên bờ vũ trụ”, về cơ bản đã đáp ứng cách hiểu của luật: 2.4 Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác; 2.5 Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức; (…) 2.15 Địa điểm hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Từ cách hiểu một vụ án hình sự thông thường về trục lợi, có lẽ tạm ‘liên tưởng’ tóm tắt quá trình lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, như sau: Đầu tiên, chủ thể nảy sinh ý định kiếm tiền bằng hình thức lập ra các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Sau đó dùng thủ đoạn gian dối để các mạnh thường quân, người dân quyên góp tiền như kêu gọi quyên góp tiền để xây dựng công trình, hoặc kêu gọi tiền để nuôi trẻ mồ côi, hoặc các thủ đoạn gian dối khác…

Nhận tiền, vật, tài sản của người khác –> Chiếm đoạt tiền, vật, tài sản đó –> Tội phạm hoàn thành.

Tùy thuộc vào từng tính chất, tài sản chiếm đoạt và chủ thể phạm tội sẽ bị xử lý hình sự theo các khung hình phạt của pháp luật, trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Thế nhưng nếu ở đây phía quyên góp ý thức là họ góp tiền để giúp nhóm người tu hành ở nhà bà Cúc có thêm điều kiện vật chất cho việc tu hành, thì đây khó thể là hành vi trục lợi, vì không có dấu hiệu bị lừa dối từ phía quyên góp.

Tuy nhiên trong vụ việc nói trên, đến lúc này khá rõ về vấn đề các đứa trẻ vị thành niên đã không được chính quyền bảo hộ quyền trẻ em. Trách nhiệm đó cần được truy cứu đúng mức, thay cho việc dư luận chỉ chú tâm vào chuyện tạm gọi là “trục lợi tôn giáo”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)