Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tình thi sĩ

Truyện ngắn Trần Thế Kỷ (VNTB) Thi hào Tản Đà là người nổi tiếng thích ngao du. Bắc Trung Nam đều in dấu chân ông: “Túi thơ đeo khắp ba kỳ”.

Gần tết Canh Thân (1921), Tản Đà được ông Bùi Huy Tín, chủ nhà in Đắc Lập ở Huế, mời vào Huế chơi. Nhà thơ nhận lời ngay. Thế là:

Canh Thân ăn Tết Thăng Long

Sang ngày mồng bốn vào trong Trung Kỳ

(Chơi Huế)


Chuyến thăm chốn đế đô đã để lại trong lòng nhà thơ những kỷ niệm khó quên, nhưng đáng nhớ nhất chính là lúc lênh đênh trên dòng sông Hương với một người con gái…

Nằm trên đồi Hà Khê bên tả ngạn sông Hương, chùa Thiên Mụ có dáng vẻ cổ kính và vào hạng đẹp nhất xứ Thần Kinh.

– Người xưa thật khéo đặt chùa soi bóng bên Hương Giang thơ mộng. Tản Đà nói với ông chủ nhà in khi hai người đương thơ thẩn trong sân. Phải công nhận tháp Phước Duyên có kiến trúc khá lạ, lại thêm quả chuông đồ sộ nặng hàng tấn, thật xứng với cái tên Đại Hồng Chung.

– Rất đúng. Như vậy, với chùa Thiên Mụ, nhà thơ đã được thưởng ngoạn gần hết cảnh đẹp xứ Huế rồi nhé.

– Vâng. Lăng Minh Mạng uy nghiêm, đường bệ, Lăng Tự Đức nằm giữa rừng thông bát ngát, Lăng Gia Long đơn sơ mà hoành tráng…Tất cả đều có vẻ đẹp riêng và đầy chất thơ.

– Nhưng phải nói rằng đối với du khách đến Huế, dù có thăm đủ các đền đài, lăng tẩm hay nếm đủ các món ngon, thì chuyến đi sẽ không trọn vẹn nếu chưa một lần ngồi đò bồng bềnh trên sông Hương. Ông Tín nói. Nhất là đêm nay lại sáng trăng.

– Tôi cũng nghĩ thế.

Tản Đà gật gù, mắt nhìn những con đò đang chờ khách dưới bến. Hoàng hôn dần buông. Mặt trời đã lặn từ lâu sau những rặng cây xa xa.

– Để tôi giới thiệu tiên sinh với cô Hương lái đò – Ông chủ nhà in chỉ tay về phía con đò nằm ngoài cùng

– Đi đò đã thú, đi với cô Hương lại càng thú. Nghe nói cô này là con rơi của một ông hoàng có máu ăn chơi tên Miên Thông hay Miên Thâm gì đó. Chẳng hiểu sao nhan sắc thế mà giờ này chưa chịu lấy chồng.

– Tôi xin về trước. Ông chủ nhà in dắt tay Tản Đà xuống đò sau khi đã giới thiệu nhà thơ với cô lái. Chúc thi sĩ một chuyến chơi thú vị trên sông Hương.

Con đò này không có gì đặc biệt so với những con đò khác. Chỉ là thứ đò mộc đưa khách bình thường. Khác chăng chính là người chủ của nó. Đó là một cô gái tuổi ngoài hai mươi xinh đẹp trong chiếc áo dài màu tím đầy duyên dáng. Cô gái cuối đầu chào vị khách thơ, nụ cười tươi nở trên làn môi thắm.

Tản Đà vẫy tay chào ông chủ nhà in rồi ngồi xuống tựa mạn đò, bắt đầu thưởng thức một trong các thú vui tao nhã của kẻ sĩ đất Thần Kinh.

– Nghe tiếng tiên sinh đã lâu nay mới được gặp mặt. Cô gái vẫy vẫy mái chèo đưa đò ra xa bờ. Thế tiên sinh không sợ truông nhà Hồ hay sao mà dám vào tận xứ này?

– Chuyện đó xưa rồi. Tản đà cười, ngắm nghía tà áo tím của cô lái yêu kiều, lòng xao xuyến. Truông nhà Hồ lẫn phá Tam Giang đâu còn hiểm nguy, như ngày trước. Mà dù có đáng sợ thì đã sao. Yêu em anh cứ anh vô, kệ Truông nhà Hồ, mặc phá Tam Giang.

– Tiên sinh thật khéo nói! Cô lái bật cười. Thế tiên sinh thấy Sông Hương núi Ngự có đẹp bằng núi Tản sông Đà không?

-Thật tuyệt vời. Xứ Huế sẽ không còn là mình nữa nếu mất đi sông Hương núi Ngự. Nói tới Huế là nói tới sông Hương núi Ngự. Quả là báu vật trời ban cho chốn Đế Đô.

Theo động tác chèo uyển chuyển, mềm mại của cô gái xinh tươi, con đò nan cứ thế ngoan ngoãn xuôi theo dòng nước về Vỹ Dạ. Xa xa, núi Ngự trở nên trầm mặc trong ánh chiều tà, khác hẳn vẻ cứng cáp của nó lúc sớm mai, tựa như bức tường lớn che chở chốn kinh thành. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những vườn cây xum xuê đổ bóng xuống đôi bờ. Từng đàn chim ríu rít rủ nhau về tổ. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình khiến nhà thơ thấy lòng lâng lâng thơ thới, buột miệng ngâm nga:

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ, Canh gà Thọ Xương

– Cô Hương này, tôi có cảm tưởng tâm hồn xứ Huế nằm trong hai câu ca này. Tản Đà tâm sự.

-Thưa, em cũng nghĩ thế. Đêm khuya mà nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ cùng tiếng gà gáy vẳng lại từ làng Thọ Xương ở bờ bên kia, người ta chỉ muốn quên đi những phiền muộn thường ngày để phiêu diêu chốn khác…

Đò càng tiến gần Vỹ Dạ, Trăng càng lên cao. Đêm nay là đúng rằm. Vầng trăng tròn trịa lan tỏa ánh bạc êm đềm xuống dòng sông huyền thoại. Trăng trôi theo nước, nước đùa cùng trăng, Tản đà nhìn vầng trăng chơi vơi giữa trời mây bao la mà nhớ tới Lý Bạch, thầm nghĩ ngày xưa thi hào đời Đường chết vì nhảy xuống sông ôm trăng biết đâu là chuyện thật.

Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý,

Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh?

(Trăng theo muôn dặm nước trôi,

nơi nào có nước mà trời không trăng?) (1)


Như hiểu suy nghĩ của nhà thơ, cô lái đò chợt đọc mấy vần thơ cổ khiến Tản Đà ngạc nhiên:

– Không ngờ em giỏi cả văn chương!

– Em chỉ biết chút ít thôi. Hồi còn sống, bác em có dạy em đôi ba chữ Hán.

Cô gái bẽn lẽn, vuốt nhẹ mái tóc thề nhuộm sáng ánh trăng. Lúc này đây trông nàng đẹp lạ lùng khiến nhà thơ nhín đắm đuối.

– Hương này, tôi nghĩ dòng sông xinh đẹp này được đặt theo tên của em đấy.

-Tiên sinh đừng ghẹo em. Thiếu nữ e thẹn lắc lắc đầu. Theo em, sỡ dĩ sông có tên như vậy vì chảy qua những cánh rừng nhiều thảo mộc có hương thơm. Khi vào tới kinh thành, sông mang theo mình mùi hương của cây cỏ thiên nhiên.

-Thì ra là vậy. Em thật hiểu biết. Nhưng sao tôi vẫn muốn dòng sông có tên như vậy là vì em. Ngày nào đó, nếu vắng em, sông Hương buồn biết mấy.

Cô lái không đáp, chỉ lẳng lặng chèo. Tản Đà tiếp:

-Thực tình tôi không hiểu nguyên do nào mà Hương theo nghiệp lái đò. Và xinh đẹp như em sao giờ này vẫn chưa chịu lấy chồng.

Thiếu nữ chỉ trầm ngâm. Một lác sau mới đáp, giọng trầm buồn.

– Chuyện đời em dài lắm, kể ra chỉ làm phiền tiên sinh. Riêng vì sao em lái đò, ấy là để nhớ đến mẹ em khi xưa cũng chèo đò. Mẹ mất đã lâu. Vả chăng em rất yêu dòng Hương, chỉ muốn sống với nó suốt đời.

Đò đến Vỹ Dạ, Tản Đà cùng thiếu nữ lên bờ dạo chơi. Chừng một tiếng đồng hồ rồi cả hai xuống đò về chốn cũ…

-Tôi thăm Huế lần này chẳng biết bao giờ trở lại. Trên đường về Tản Đà bâng khuâng nghỉ đến lúc phải chia tay với người bạn đáng yêu. Cảm ơn em đã cho tôi một buổi tối đầy thú vị. Suốt đời tôi chẳng dám quên.

– Em cũng mong một ngày nào đó lại được chèo đò đưa tiên sinh thăm thú đó đây. Cô gái cũng xúc động

không kém. Nhưng biết còn gặp lại nhau không…

Thiếu nữ như muốn nói thêm điều gì nhưng lại thôi, vẻ mặt đượm buồn.

– Sao lại không! Thế nào chúng ta cũng có dịp trùng phùng:

Còn trời, còn nước, còn non

Còn duyên, còn nợ, ta còn gặp nhau

– Suốt đời em cũng sẽ không quên tiên sinh. Xin hát tặng tiên sinh một câu hát xứ Huế. Mong tiên sinh mỗi lần nghe câu ca này lại nhớ tới em.

Thế rồi, bằng giọng mộc mạc, đơn sơ nhưng đầy truyền cảm, cô lái đò cất cao tiếng hát theo giọng Nam Bình, lời ca thật buồn bay vào không gian thăm thẳm.

Nước non ngàn dặm

Ra đi

Cái tình chi

Mượn màu son phấn

Đền nợ Ô, Ly…

Hôm sau Tản Đà tạm biệt Huế, lên đường về Hà

Nội, “Chiều hôm mười tám đến ga Hà thành”

Gió đời cuốn mỗi người mỗi hướng. Nhà thơ nhiều lúc nhớ cảnh cũ người xưa nhưng công việc níu kéo chẳng đi đâu xa được. Phải sáu năm sau (1927) tờ An Nam Tạp Chí tạm đình bản, Tản Đà nhân đó du hành vào Nam theo lời mời của nhiều người mến mộ. Trên đường Nam du, nhà thơ không quên ghé qua xứ Huế. Tản Đà đến ngay bến đò chùa Thiên Mụ, mong gặp lại cố nhân. Nhưng tuyệt nhiên không thấy, bèn hỏi thăm một cụ già trên bến.

– Cô Hương ư…Ông cụ đăm chiêu nhìn ra phía trời xa. Con bé có còn trên đời nữa đâu. Năm ngoái nó đã ra đi vì một căn bệnh khó hiểu giống mẹ nó ngày nào. Phải chăng vì thế mà nó không bao giờ muốn lấy chồng.

Tản Đà chết lặng. Một nỗi buồn mênh mông xâm chiếm tâm hồn. Sông Hương vẫn chảy êm đềm nhưng giờ đây sao có vẻ nhạt nhẽo hững hờ, không còn nồng nàn như thuở nào. Trong lòng nhà thơ lúc này chỉ là một sự lạc lõng, trồng vắng…

Bất chợt, từ một con đò đang về bến vẳng lại câu hát quen thuộc khiến Tản Đà sực tỉnh:

Nước non ngàn dặm

Ra đi

Cái tình chi….


Đò vừa cặp bến, Tản Đà thảng thốt chạy tới, mắt dáo dác nhìn rồi thất vọng não nề. Không phải Hương, không phải người cũ năm xưa. Chỉ là một người con gái xa lạ.

Hương đã đi xa, xa thật rồi, không bao giờ trở lại.

Thẫn thờ, Tản Đà ứa đôi hàng nước mắt.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tản Đà đến Long Xuyên

Phan Thanh Hung

VNTB – Chữ Ngông Kia Cũng Có Ba Bảy Đường 

Do Van Tien

VNTB – Dòng sông bên trời

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo