Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tính toán với người nghèo hay niềm tin con người đã mất?

Út Sài Gòn

(VNTB) – Bên lề câu chuyện liên quan đến phòng và chống dịch Covid-19 là những câu chuyện nhân đạo về các hoàn cảnh khó khăn. Góp nhặt lại từ trên các trang mạng xã hội, thật ra vui cũng nhiều đó, nhưng mà sao buồn cũng hổng có ít tí nào…

Thời gian gần đây, hàng loạt những cây ‘ATM gạo’ liên tục xuất hiện, với mục đích giúp đỡ phần nào cho những người nghèo, những người hoàn cảnh khó khăn như tật nguyền, những người bán vé số dạo… Nghĩa cử đó thật đẹp. Và đủ thứ câu chuyện xảy ra…

Trông mặt mà bắt hình dong

Mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một thiếu niên đứng ở một cây ‘ATM gạo’ chờ đến lượt mình, thì từ phía trong vang lên giọng nói người phụ nữ “em áo đen, mời em ra khỏi vị trí nhận gạo dùm chị”, rồi ánh mắt em ngơ ngác nhìn xung quanh, mất bình tỉnh, sau đó em đến gửi lại bịch nylon đúng vị trí ban đầu rồi chui qua hàng dây…

Một cách nhanh chóng, cộng đồng vào cuộc tìm hiểu rõ sự tình và phát hiện ra một điều rằng, thực tế không giống như những gì nhìn thấy ở cây ‘ATM gạo’ ấy. Hoàn cảnh mưu sinh nơi đất khách quê người của bé 15 tuổi ấy đang lâm cảnh quá khốn đốn khó khăn trong mùa dịch corona.

“Có thể do bị lừa nhiều quá nên cảnh giác chăng? Thời buổi giờ thật hư lẫn lộn, như tôi nè, chạy xe ngoài đường, nhất là vào buổi tối, rất nhiều người ngồi ngoài đường, chờ các mạnh thường quân đến phát cơm, phát quà. Và tôi cũng từng là một trong những tình nguyện viên đi phát đó. Lúc đầu, tôi không biết gì cả nhưng khi thực tế, đi phát, tôi bị vây xung quanh xe. Nhờ một số bà con địa phương rồi mấy anh bảo vệ gần đó, tôi mới thoát ra được.

Sau đó, họ kể, nhiều người giả dạng lắm, lấy mền, áo gió của mạnh thường quân, sáng họ ra chợ bán luôn. Riết rồi tôi cũng không biết ai hoàn cảnh thật. Nhưng mà trong trường hợp cụ thể này, tôi nghĩ, giúp đỡ người ta 1-2 kg gạo cũng có chi đâu. Dù người ta không nghèo đi chăng nữa, biết đâu người ta đang cần nó để giúp người khác?”, một thiện nguyện viên ở Sài Gòn chia sẻ.

Bên cạnh các trường hợp nghèo khó, đi xe lăn, tới xin có những người bề ngoài không hẳn là nghèo, đi xe tay ga tới xin gạo. Cuộc sống, có lẽ, trường hợp nào cũng có. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn bề ngoài mà phán xét hoàn toàn một con người thì có phải chăng quá là “thiên kiến”?

“Với những người tàn tật hay như bà cụ 91 tuổi bị tai biến mà tôi biết thì làm sao họ có khả năng đứng xin?”, một cư dân ở Sài Gòn chia sẻ.

Chắc rồi có người cho rằng, vậy sao mấy người có tiền đó không xuất bạc ra cho mấy người nghèo đi, đứng xin làm gì cho người ta hiểu nhầm? “Làm sao biết rõ được người gọi là có tiền trong túi có bao nhiêu, có đủ ăn đủ mặc, lo cho gia đình họ chưa, chia sẻ thì được nhưng con cái, ông bà họ sẽ như thế nào? Nhất là trong thời điểm dịch này, tiền điện tăng nữa. Họ không có khả năng giúp đỡ tiền, nhưng có thể giúp đỡ bằng cách khác như việc đứng chờ lấy gạo cho người nghèo chẳng hạn”, ông Hai, một cư dân sinh sống tại khu vực chợ Tân Hương, nơi gần cây ‘ATM gạo’ chia sẻ.

Giống lấy lời khai ở đồn công an quá!

Rồi lại thêm một câu chuyện khác, xoay quanh “ATM gạo”. Lần này là ở ngoài Bắc, nơi vẫn hay ‘tự sướng’ về thanh lịch Tràng An.

“Của cho không bằng cách cho, dù là từ thiện đi chăng nữa nhưng mà sao vẫn thấy Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội hành xử kỳ kỳ sao á! Mình khó khăn nên mình mới chịu khó đứng dưới trời nắng, chờ lấy vài ký gạo về nấu ăn chứ mình đâu có phạm tội gì đâu mà chụp hình, phải khai này khai nọ? Rồi thông tin của những người nghèo đó sẽ như thế nào?”, bà Mười, tiểu thương chợ Bà Chiểu ở Sài Gòn bức xúc dùm cho người nghèo Hà Nội.

Hai câu chuyện ở trên đều là những phận đời giống nhau ở chữ nghèo. Nếu câu chuyện đầu cho thấy lòng tin giữa người với người đang có cái gì đó không ổn, “trông mặt mà bắt hình dong”, thì đến câu chuyện thứ hai, cảm thấy hình như nghèo là một cái tội, vì có là tội cho nên mới phải khai báo tùm lum y như khai với nhân viên công lực ở đồn bót.

Dẫu biết là gì đi chăng nữa, báo chí có cất công đi tìm hiểu, đăng bài, và rồi người ta cứ… im lặng, mọi thứ ồn ào rồi cũng sẽ qua…

Tin bài liên quan:

VNTB – Chính sách zero-covid của Trung Quốc có thể tồn tại trong bao lâu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thư gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Ông Phúc có tài tiên tri?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo