VNTB – Tình trạng thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long

VNTB – Tình trạng thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long
Nguyễn Minh Quang, P.E. (VNTB) Việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong của Lào, Thái Lan, và Cambodia không phải là nguyên nhân duy nhất. Tình trạng thiếu nước hiện nay ở ĐBSCL, thực sự, bắt nguồn từ chánh sách phát triển thiển cận ở ĐBSCL, nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực Mekong, và việc quản lý nguồn nước thiếu khoa học kéo dài từ năm 1975 cho đến nay.

Một con kinh cạn khô nước ở Cà Mau [5
Tóm tắt

Tuy chưa là cao điểm của mùa khô 2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập của nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã lên đến mức báo động. Các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam đều cho rằng “các hồ chứa thượng lưu” là nguyên nhân “chi phối chủ đạo.”

Dữ kiện lưu lượng của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) cho thấy các đập thủy điện trên dòng chánh Mekong ở Trung Hoa hay trên phụ lưu trong hạ lưu vực Mekong không phải là nguyên nhân. Cũng không phải do hạn hán (hay thay đổi khí hậu) vì ĐBSCL hiện đang ở trong mùa khô. “Thủ phạm” chính là việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong của Lào, Thái Lan, và Cambodia; lên đến 2.991 m3/sec tức 49% lưu lượng sông Mekong tại Kratié. Đó là chưa kể lượng nước do Cambodia sử dụng cho các dự án thủy nông ở hạ lưu Kratié.

Việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong của Lào, Thái Lan, và Cambodia không phải là nguyên nhân duy nhất. Tình trạng thiếu nước hiện nay ở ĐBSCL, thực sự, bắt nguồn từ chánh sách phát triển thiển cận ở ĐBSCL, nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực Mekong, và việc quản lý nguồn nước thiếu khoa học kéo dài từ năm 1975 cho đến nay.

Để cứu hạn mặn ở ĐBSCL, chánh phủ Việt Nam đã yêu cầu Trung Hoa xả nước sông Mekong từ đập Cảnh Hồng, nhưng trên thực tế, biện pháp nầy “quá ít và quá trễ. ” Biện pháp thực tiễn và khả thi cấp thời là (1) sử dụng khôn ngoan số nước hiện có để cứu vãn diện tích lúa Đông-Xuân chưa bị thiệt hại và (2) tránh tối đa việc “lấy ngọt chống hạn” để giảm thiểu sự xâm nhập của nước mặn và duy trì nguồn nước ngọt cho các thành phố như Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh và Mỹ Tho.

Các biện pháp ngắn hạn có thể bao gồm việc (1) thực hiện hệ thống đo đạc lưu lượng và độ mặn dùng cho việc quản lý nguồn nước, (2) giảm bớt số lượng nước dùng cho nông nghiệp trong vùng chịu ảnh hưởng của nước mặn, và (3) nghiên cứu khả thi việc sử dụng các hồ thủy điện hiện có trên Cao nguyên miền Trung cho mục đích thủy nông. Các biện pháp dài hạn có thể bao gồm (1) thay đổi chánh sách phát triển ĐBSCL, (2) “cải tạo” hệ thống thủy lợi hiện nay cho phù hợp với chánh sách phát triển mới, (3) “phục hồi” các nguyên tắc của Ủy ban Quốc tế Mekong (Mekong Committee (MC)) 1957 và điều lệ của Thông cáo chung 1975, và (4) thương thảo với các quốc gia thượng nguồn để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trong việc phát triển sông Mekong.


Dẫn nhập


Kể từ giữa tháng 2 năm 2016, tuy chưa phải là cao điểm của mùa khô, báo chí trong nước [1-5] cũng như các đài phát thanh quốc tế [6-8] đã lên tiếng báo động về tình trạng hạn hán và xâm nhập của nước mặn ở ĐBSCL vì thiếu nguồn nước ngọt. Tình trạng nầy gây thiệt hại cho hàng trăm ngàn ha lúa cũng như gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày của người dân ĐBSCL.

Các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam gần như “nhất trí” về nguyên nhân của tình trạng thiếu nước nầy. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (VKHTL) cho rằng “hai yếu tố thượng lưu quan trọng chi phối chủ đạo đến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratié (đầu châu thổ Mekong) trong mùa khô… do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu” [9]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNNPTNT), qua Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, “… thì khẳng định, hạn hán, ngập mặn có nguyên nhân trực tiếp từ hiện tượng suy thoái các con sông. Và thủ phạm của sự suy thoái đó, chủ yếu là do quá trình phát triển hồ chứa ở thượng nguồn” [4]. Tiến sĩ (TS) Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (UBSMC), thì cho rằng “… vấn đề điều tiết trong các công trình trong lưu vực sông Mê Kông cũng là tác nhân. Hiện trên dòng chính sông Mê Kông có các công trình của Trung Quốc, còn các công trình trên sông nhánh do bị hạn, thiếu nước cũng không xả nước xuống dòng chảy sông Mê Kông. Thái Lan cũng có một số công trình chuyển nước trong khu vực, các quốc gia gia tăng sử dụng nước, làm hạn ở hạ lưu sông Mê Kông trầm trọng hơn” [10].

“Các hồ chứa thượng lưu” có chi phối chủ đạo đến nguồn nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL? Nguyên nhân trực tiếp của hạn hán và ngập mặn ở ĐBSCL là sự suy thoái các con sông qua quá trình phát triển hồ chứa ở thượng nguồn? Việc điều tiết các công trình trên dòng chính sông Mekong ở Trung Hoa và các công trình trên sông nhánh là tác nhân của hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL? Các quốc gia như Thái Lan gia tăng sử dụng nước làm hạn hán ở hạ lưu vực sông Mekong trầm trọng hơn? Bài viết nầy có mục đích trả lời các câu hỏi đó và trình bày những nguyên nhân thực sự của tình trạng thiếu nước hiện nay ở ĐBSCL. 

Các ảnh hưởng của hồ chứa ở Thượng nguồn


Ảnh hưởng của các đập thủy điện trên dòng chính ở Trung Hoa


Ảnh hưởng thủy học của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở Trung Hoa đối với mực nước và lưu lượng sông Mekong ở hạ lưu được lượng định bằng cách so sánh dữ kiện đo đạc tại trạm Chiang Saen ở Thái Lan (Hình 1). Trạm nầy là trạm đầu tiên, nằm ngay cửa ngỏ của hạ lưu vực sông Mekong và không có một công trình nào ở thượng lưu ngoài các đập thủy điện của Trung Hoa. Theo dữ kiện đo đạc được công bố trên website của MRC [11], lưu lượng trung bình trong 2 tháng đầu năm 1999 tại Chiang Saen là 817 m3/sec. Vào thời điểm nầy, chỉ có đập Manwan (1992). Khi các đập Dachaosan (2003), Jinghong (2008) và Xiaowan (2010) được hoàn tất [12], lưu lượng trung bình trong cùng thời kỳ năm 2010 là 1.081 m3/sec, cao hơn lưu lượng trung bình trong cùng thời kỳ năm 1999, mặc dù 2010 là một trong những năm khô hạn tồi tệ của lưu vực sông Mekong [13]. Lưu lượng trung bình trong 2 tháng đầu năm 2016 là 1.211 m3/sec, cao hơn năm 2010 với việc hoàn tất đập Gongguoqiao (2011) và Nuozhadu (2012) [12].

Hình 1 – Trạm thủy học ở thượng hạ lưu vực [11]
Dữ kiện lưu lượng tại trạm Chiang Saen, Thái Lan cho thấy các đập thủy điện trên dòng chính Mekong ở Trung Hoa đã gia tăng lưu lượng của sông Mekong ở hạ lưu, ít nhất là trong hai tháng đầu năm của mùa khô. Điều nầy phù hợp với nguyên tắc thủy học của một đập thủy điện, đó là, trữ nước trong mùa mưa để chạy máy điện trong mùa khô với một lưu lượng lớn hơn lưu lượng tự nhiên của sông tại nhà máy. Số nước nầy được trả lại dòng sông ở hạ lưu đập, vì thế, sông không bị mất nước. Như vậy, các đập thủy điện trên dòng chính Mekong ở Trung Hoa không phải là nguyên nhân của hạn hán và xâm nhập nước mặn ở ĐBSCL.

Ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông nhánh (phụ lưu)


Ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông nhánh (phụ lưu) của sông Mekong đối với tình trạng thủy học của ĐBSCL có thể được lượng định bằng cách so sánh dữ kiện đo đạc tại trạm Kratié ở Cambodia (Hình 2). Trạm nầy là cửa ngỏ của châu thổ sông Mekong.

Theo dữ kiện đo đạc được công bố trên website của MRC [11], lưu lượng trung bình trong 2 tháng đầu năm 1999 tại Kratié là 2.919 m3/sec. Vào thời điểm nầy, chỉ có đập trên các sông nhánh ở Thái Lan và các đập Nam Ngum 1 (1971), Theun-Hinboun (1998), và Houay Ho (1999) ở Lào. Lưu lượng trung bình trong 2 tháng đầu năm 2016 tại Kratié là 2.942 m3/sec sau khi một số đập quan trọng được hoàn tất như Nam Theun 2 (2010) và Nam Ngum 2 (2011) ở Lào; Lam Ta Khong (2002) ở Thái Lan; và Yali Falls (2001) và Plei Krong (2008) ở Việt Nam [12]. 

Hình 2 – Trạm thủy học ở hạ hạ lưu vực [11]
Dữ kiện lưu lượng tại trạm Kratié, Cambodia cho thấy các đập thủy điện trên phụ lưu Mekong ở Lào, Thái Lan và Việt Nam đã gia tăng lưu lượng của sông Mekong ở hạ lưu, ít nhất là trong hai tháng đầu năm của mùa khô. Mức gia tăng lưu lượng tại Kratié không cao bằng mức gia tăng tại Chiang Saen vì nước sông Mekong được dùng cho các dự án thủy nông dọc theo sông Mekong. 

Kết quả của một cuộc nghiên cứu trong năm 2013 [14] cho biết các đập thủy điện hiện nay trên phụ lưu sông Mekong có thể làm cho lưu lượng trung bình trong mùa khô của sông Mekong tại Kratié tăng 406 m3/sec. Như vậy, các đập trên phụ lưu ở hạ lưu vực Mekong cũng không phải là nguyên nhân của hạn hán và xâm nhập nước mặn ở ĐBSCL.

Ảnh hưởng do việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong


Việc gia tăng sử dụng nước trên dòng chính Mekong được báo chí Việt Nam đề cập đến, vào giữa tháng 1 năm 2016, sau khi chánh phủ Thái Lan chấp thuận việc nghiên cứu khả thi dự án bơm nước sông Mekong vào các hồ chứa trên sông Huay Laung, một phụ lưu của sông Mekong ở Nong Khai, để chống hạn và phục vụ nông nghiệp. Theo TS Lê Đức Trung, “… Thái Lan đang có 2 đạng dự án là chuyển nước trong chính lưu vực sông Mê Kông (không gây ảnh hưởng nhiều) và chuyển nước ra ngoài lưu vực sông Mê Kông (gây tác động mạnh đến vùng hạ lưu)… Vấn đề sông Mê Kông rất quan trọng nên chắc chắn chúng tôi sẽ luôn bám sát, trao đổi thường xuyên với phía Thái Lan. Nếu họ chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mê Kông hay chuyển nước vào mùa khô, chắc chắn VN sẽ có ý kiến.” [15] 

Hình 3 Trạm bơm Huay Laung

Nhưng đến cuối tháng 1, Nha Thủy nông Hoàng gia (Royal Irrigation Department (RID)) Thái Lan cho biết “… đã hoàn tất việc nghiên cứu khả thi dự án rẽ nước sông Mekong – để dẫn tưới từ 80.000 đến 208.000 ha trong lưu vực Huay Laung – vào cuối năm ngoái… và bắt đầu giai đoạn 1 với việc thiết lập 3 máy bơm có công suất 12 m3/sec (Hình 3) để bơm nước sông Mekong vào phía trên cửa cống Huay Laung ở Phon Phisai, Nong Khai… và có khả năng tưới cho 2.400 ha.” [16]


Hình 4 Dự án thủy nông hạ lưu vực Mekong
Theo dữ kiện đo đạc tại các trạm thủy học, dọc theo dòng chính của sông Mekong, được công bố trên website của MRC [11], ngoài dự án Huay Laung, trong 2 tháng đầu năm 2016, nước của sông Mekong dường như được bơm từ dòng chính qua nhiều dự án thủy nông khác (Hình 4) trong vùng thượng hạ lưu vực ở Thái Lan và Lào (Bảng 1) và trong vùng trung hạ lưu vực ở Lào và Cambodia (Bảng 2).

Bảng 2 – Lưu lượng sông Mekong trong trung hạ lưu vực [11]
Sử dụng nước sông Mekong ở Lào

Dựa vào dữ kiện lưu lượng của MRC, ít nhất, Lào đã sử dụng toàn phần số sai biệt lưu lượng giữa Luang Prabrang và Chiang Khan là 167 m3/sec (Bảng 1), vì hai trạm nầy hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Lào (Hình 1). Đối với sự sai biệt lưu lượng giữa Vientiane và Nong Khai là 86 m3/sec và giữa Nong Khai và Paksane là 515 m3/sec (Bảng 1), có lẽ Lào chỉ sử dụng một phần vì các trạm nầy nằm trên biên giới của Lào và Thái Lan (Hình 1).

Đa số nước sông Mekong được dùng để trồng lúa trong mùa khô, một phần rất nhỏ (từ 2 m3/sec lên 5.5 m3/sec trong năm nay [18]) để cung cấp nước gia dụng cho Vientiane (Hình 5).

Hình 5 Trạm bơm nước Vientiane
Tác giả là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972; Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao thông đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Cao học Thủy lợi tại Ðại học Nebraska, Hoa Kỳ năm 1985; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. 

Tương tự, Lào có thể chỉ sử dụng một phần nhỏ sự sai biệt lưu lượng giữa Savannakhet và Khong Chiam lên đến 1.653 m3/sec (Bảng 2), để dẫn tưới đồng bằng Savannakhet. Phần còn lại, có lẽ do Thái Lan sử dụng vì hai trạm nầy nằm trên biên giới Lào và Thái Lan (Hình 2).

Việc trồng lúa trong mùa khô ở Lào, phần lớn là dọc theo các con sông, bùng phát trong thập niên 1990 với việc chánh phủ Lào lắp đặt 8.000 máy bơm điện và diesel dọc theo sông Mekong và các phụ lưu chảy qua 3 đồng bằng quan trọng trong tỉnh Vientiane, Savannakhet và Khuammuan để tưới cho 110.000 ha vào năm 2000. Do việc điều hành kém cỏi, nông dân từ chối trồng lúa mùa khô, khiến diện tích giảm xuống còn 69.000 ha vào năm 2006. Diện tích trồng lúa mùa khô hiện nay khoảng 99.000 ha và dự trù sẽ tăng lên 333.000 ha trong vòng 20 năm tới [19].

Tuy dữ kiện không có sẵn, nhưng dựa trên kết quả nghiên cứu ở đồng bằng Vientiane (cần 1 lưu lượng 48 m3/sec để tưới cho 20.000 ha trong mùa khô) [20], số nước sông Mekong do Lào sử dụng trong mùa khô hiện nay có thể lên đến khoảng 240 m3/sec và tăng lên đến 800 m3/sec trong vòng 20 năm tới.

Sử dụng nước sông Mekong ở Thái Lan

Như đã trình bày ở trên, Lào chỉ sử dụng khoảng 240 m3/sec trong tổng số sai biệt lưu lượng giữa các trạm thủy học nằm trên biên giới Lào-Thái Lan là 2.254 m3/sec; vì vậy, lưu lượng còn lại – khoảng 2.000 m3/sec – có thể được xem như do Thái Lan sử dụng.

Thái Lan hiện có khoảng 5.700 dự án thủy nông, với 974 dự án cần đến bơm, để dẫn tưới khoảng 1.400.000 ha trong mùa mưa và 171.000 ha trong mùa khô. Thái Lan đã có kế hoạch thực hiện thêm 447 dự án mới để tưới cho 134.000 ha trong mùa mưa và 79.000 ha trong mùa khô [19]. Dựa trên dữ kiện của giai đoạn 1 [16], nhu cầu nước để trồng lúa trong mùa khô của Thái Lan sẽ tăng từ 855 m3/sec như hiện nay lên 1.250 m3/sec trong tương lai.

Hình 6 Dự án Khong-Loei-Chi-Mun
Vào năm 2003, chánh phủ Thái Lan loan báo kế hoạch thực hiện một “mạng lưới nước (water grid)” quốc gia, gấp ba khả năng của hệ thống thủy nông hiện nay. Tuy mang tầm vóc quốc gia, mạng lưới chú trọng vào vùng Đông Bắc với dự án chuyển nước từ dòng chánh sông Mekong gây nhiều tranh cãi: dự án Khong-Loei-Chi-Mun (Hình 6). Dự án sẽ bơm nước sông Mekong vào sông Loei để dẫn tưới 2.860.000 ha trong lưu vực sông Chi và Mun và 640.000 ha trong lưu vực sông Mun. Dự án Khong-Loei-Chi-Mun, tăng diện tích dẫn tưới lên 1.800.000 ha trong mùa mưa và 900.000 ha trong mùa khô [19], sẽ cần một lưu lượng 1.200 m3/sec [21].

Ngoài dự án Khong-Loei-Chi-Mun, Thái Lan còn có những dự án khác sử dụng nước sông Mekong cho mục đích thủy nông như Mekong-Songkhram (70.400 ha), Ban Bung Khieo-Yasothon (16.000 ha) và Mekong-Sirindhorn (64.000 ha) (Hình 7). Nếu các dự án nầy được thực hiện, cũng theo dữ kiện của gia đoạn 1 [16], Thái Lan cần đến 752 m3/sec nước sông Mekong trong mùa khô.

Hình 7 Dự án chuyển nước Mekong của Thái Lan 
Với một lưu lượng khoảng 2.000 m3/sec của sông Mekong bị thất thoát, rất có thể Thái Lan đã âm thầm thực hiện và đưa vào hoạt động một phần của dự án Khong-Loei-Chi-Mun và các dự án chuyển nước sông Mekong khác giữa hai trạm thủy học Savannakhet và Khong Chiam.

Sử dụng nước sông Mekong ở Cambodia

Dựa vào dữ kiện lưu lượng của MRC, Cambodia đã sử dụng toàn phần số sai biệt lưu lượng giữa Stung Treng và Kratié là 737 m3/sec (Bảng 2), vì hai trạm nầy hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Cambodia (Hình 2). Hiện nay, Cambodia có khoảng 261.000 ha được dẫn tưới trong mùa khô và 16.700 ha lúa vụ ba. Con số nầy có thể tăng lên 378.000 và 21.100 ha trong vòng 20 năm tới [19]. Vì diện tích dẫn tưới trong mùa khô hiện nay chỉ có 9.325 ha [23] (với nhu cầu được ước tính khoảng 50 m3/sec) trong 2 tỉnh Stung Treng và Kratié, rất có thể Cambodia đã hoàn tất và đưa vào sử dụng các dự án thủy nông sử dụng nước sông Mekong giữa 2 trạm Stung Treng và Kartié.

Hình 8 Kinh đào của dự án Vaico ở Sithor Kandal
Vào năm 2003, qua khẩu hiệu “chánh phủ thủy nông,” Thủ tướng Hunsen đã nỗ lực gây quỹ từ các cơ quan viện trợ ngoại quốc để phục hồi và xây mới hệ thống thủy nông với tham vọng biến “… Cambodia thành một trong những quốc gia xuất cảng gạo hàng đầu của thế giới” [24]. Tính đến tháng 6 năm 2014, đã có 1 hồ chứa, 4 trạm bơm và 117 km kinh đào được hoàn tất trong các tỉnh Takeo, Kampot và Kampong Thom [25]. 

Hình 9 Đập tràn của dự án Stung Schinit
Những dự án quan trọng khác đã được thực hiện như dự án trên sông Stung Sreng (dẫn tưới cho 25.000 ha trong mùa mưa và 3.750 ha trong mùa khô trong các tỉnh Oddar Meancheay, Siem Reap, và Banteay Meancheay [26]), dự án Stung Schinit (dẫn tưới cho 2.960 ha trong tỉnh Kampong Thom [27]), và dự án Vaico (chuyển nước sông Mekong từ Koh Sotin – qua 1 hệ thống kinh đào dài 78 km, rộng 44-55 m, và sâu 18-25 m (Hình 8) – để dẫn tưới 300.000 ha trong tỉnh Kampong Cham, Prey Veng và Svay Rieng. Giai đoạn đầu của dự án sẽ dẫn tưới 108.300 ha trong mùa mưa và 27.100 ha trong mùa khô [28]). Nếu diện tích dẫn tưới trong mùa khô của dự án Vaico là 100.000 ha, lưu lượng cần thiết được ước tính khoảng 500 m3/sec.

Kỳ sau: Nguyên nhân của tình trạng thiếunước ở ĐBSCL

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)