Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tình yêu và lòng tin

Mai Thị Mùi

 

(VNTB) – Bây giờ muốn đi Mỹ người ta có nhiều cách lắm. Ai lại vào đồn công an, vào trại giam cho chúng vả dép vào mặt rồi chờ ngày lên máy bay đâu.

 

Tác giả bài viết này là một cô giáo dạy môn tiếng Anh, nhà ở phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Bài viết cho thấy dường như giờ đây ở giữa “tình yêu” và “lòng tin”, là cái gì đó chông chênh lắm, mà người ta nói rằng đó chính là con tắc kè hoa của luận bàn chính trị.

Xin được trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo.

***

Tôi không bao giờ hối tiếc lòng ngưỡng mộ đã dành cho mẹ Nấm trước khi cô ta sang Mỹ.

Tôi không bao giờ hối hận mình đã hâm mộ Lê Công Định trước khi Biden trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Tôi không bao giờ hối hận mình đã quý mến Trần Thị Nga qua những hình ảnh cô ấy bị an ninh hành hạ.

Tôi nghe nhiều, nhiều lắm rằng Nguyễn Lân Thắng là an ninh chìm, Nguyễn Thúy Hạnh là cộng sản nòi, Huỳnh Ngọc Chênh là kẻ 2 mang, Bùi Thanh Hiếu là dân chủ cuội…

Tôi biết Nguyễn Lân Thắng khi mới tập tành chơi FB. Thấy anh làm một số hoạt động thiện nguyện, tôi có ủng hộ.

Tôi biết chị Hạnh sau. Giai đoạn đầu chị em inbox qua lại cũng nhiều. Tất nhiên, tôi cũng có ủng hộ dăm đợt.

Nếu sau này tỏ rõ ra anh Thắng, chị Hạnh, anh Chênh… là cuội tôi có hối tiếc thời gian “ngu muội” này của tôi không? Xin thưa, KHÔNG.

Bao nhiêu dân chủ cuội và dân chủ tào lao đã lộ mặt. Vậy sao tôi còn “ngoan cố”?

Chừng nào họ lộ mặt tôi sẽ cất tình yêu đang dành cho họ ngay. Còn bây giờ đây tôi chỉ thấy anh Thắng lặn lội đến các bản, mường, những vùng khó khăn. Tôi cảm kích công việc của anh. Ngay bây giờ tôi chỉ thấy chị Hạnh góp nhặt từng món tiền lớn nhỏ chăm chút, ủi an, lo lắng cho gia đình những tù nhân lương tâm. Việc làm của chị xứng đáng được quan tâm và ủng hộ

Đối với tôi, niềm tin đặt vào một người không bao giờ nên hối hận. Vì không có niềm tin chúng ta còn biết vin vào đâu làm điểm tựa? Chả phải bọn trẻ trâu hay nói “Mua/ Chơi/ Học/ Nhảy bằng miềm tin” đó sao?

Khi tôi còn e dè chưa dám cất tiếng nói phản biện xã hội thì tôi nhìn vào đôi chân què vì bị an ninh đánh của Thúy Nga. Nhìn chân Nga, tôi mạnh dạn đăng bài trên FB của mình.

Khi tôi nghe mọi người cảnh báo về việc share bài “phản động” là bị công an rờ gáy, tôi nhìn tấm hình mẹ Nấm với khẩu hiệu “Cá cần nước sạch, nước cần minh bạch”, tôi mạnh dạn share, còm, viết bài.

Tôi không phủ nhận những bài viết của Lê Công Định giúp tôi hiểu cộng sản rõ hơn.

Tôi phải thừa nhận những bài viết của anh Chênh giúp tôi  mở rộng tầm nhìn hơn.

Nhân sự việc chị Hạnh bị bắt và cũng gần ngày 30/4, lùm xùm quanh những cái tên Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Ngọc Chênh, Trịnh Công Sơn… lại nổi lên. Quá khứ thân cộng của Huỳnh Ngọc Chênh đã được thể hiện rõ qua một số tài liệu. Nhưng hiện tại và tương lai tôi chưa thấy gì nên, tất nhiên, không quy kết. Hơn nữa tôi hay nhớ đến 2 tên cướp cùng bị treo trên thập hình tả hữu chúa Giê-su.

Việc quá nhiều dân chủ cuội lật mặt đã bóp chết niềm tin của biết bao người. Chiêu bài phá đám của cộng sản đã thành công ngoài mong đợi. Trong một cộng đồng, một tập thể, một xã hội mà sự nghi kị đã trở thành mặc nhiên, thì sự dẫn dắt và cai trị của kẻ âm mưu đã thành công. Và như thế, nghĩa là mọi sự phản kháng, đấu tranh đều trở về zero.

Chúng ta phải cảnh giác nhưng đừng xây thành trì, pháo thủ giam mình trong đó rồi mất đi cơ hội tấn công.

Ông Đoàn Ngọc Hải làm màu hay làm nổi gì kệ ổng đi. Trước mắt thấy dân nghèo có áo, dân đói có cơm thì mừng cho dân cái đã. Anh Thắng an ninh chìm, nổi gì không cần biết. Chỉ biết mỗi khi thiên tai, lũ lụt ổng có thể kêu gọi sức người sức của đi vào vùng rốn lũ là dân đỡ khổ rồi.

Không có quỹ 50K ai còn có hứng đấu tranh nữa? Gia đình nào ủng hộ và tiếp sức con, em mình nữa vì nếu nó vào tù thì ai chăm nom, ai phụ giúp gia đình những tháng ngày còn lại?

Tôi và các bạn, ai cũng ăn cơm nóng, ngủ máy lạnh. Không ai dám dầm nước lũ, leo dốc bản, vào trại giam, đến từng nhà tù nhân ủy lạo tinh thần họ đâu. Thế thì một là động viên khích lệ, hai là góp chút ủng hộ cho phong trào không sớm tắt.

Bây giờ muốn đi Mỹ người ta có nhiều cách lắm. Ai lại vào đồn công an, vào trại giam cho chúng vả dép vào mặt rồi chờ ngày lên máy bay đâu. Với khả năng kinh tế lẫn hiểu biết như chị Hạnh, ắt hẳn chị ấy không chọn cách đi Mỹ khổ sở như vậy.

Đã có ai đặt câu hỏi tại sao sau vụ cha Ngô Quang Kiệt thì cả 2 phía cộng sản và Giáo hội Công giáo Việt Nam đều im hơi lặng tiếng chưa?

Đã có ai đặt câu hỏi tại sao cha Nguyễn Duy Tân là cái gai trong mắt chính quyền nhưng sao “nó” không bứng đi chưa? Cho dù thích bứng là bứng cái một.

Đã có ai tìm ra câu trả lời tại sao trường cao đẳng nghề ở Trảng Bom –  Đồng Nai vẫn phải treo ảnh Thạch Cao 29 ngoại ngữ chưa?

Nếu bạn trả lời được những câu hỏi trên bạn sẽ hiểu tại sao trước khi ăn cơm tù cộng sản thì đấu tranh dân chủ, vào khám ra trở thành cuội.

Tôi nhớ có lần ai đó vào nhà chị Nguyễn Lai còm trái chiều về mẹ Nấm liền bị chị phản ứng ra mặt. Lúc ấy tình cảm chị dành cho mẹ Nấm vẫn còn son sắt lắm.

Sau này… Kể chuyện vậy để thấy chị Lai rất chung thủy với tình yêu và niềm tin của mình. Đơn giản thế thôi, cứ tin và cứ yêu. Khi nào không yêu, không tin nữa ta tìm chỗ khác, người khác. Niềm tin và tình yêu đó thực chất không thay đổi. Có chăng là con người và hoàn cảnh đổi thay.

Một ngày đẹp trời tôi đã hết yêu Trịnh Công Sơn nhưng những chiều buồn nhớ người yêu tôi vẫn nỉ non “Chiều nay còn mưa sao anh không lại”, bạn bè dạo ghi-ta tôi vẫn “Trời ươm nắng cho mây hồng”. Tôi hết yêu ông Sơn nhưng cái ngọt ngào và nét diễm tình trong tình ca của ông, chúng ta đâu thể chối cãi, đúng không?

Dù không ưa cái giẻ máu khi biết ra nguồn gốc của nó nhưng cho đến giờ này khi đi thi đấu các giải quốc tế từ khoa học, sắc đẹp cho đến thể thao nó vẫn đại diện cho tổ quốc ta. Vì vậy, khi muốn khẳng định “I’m from Việt Nam” bạn xài cờ gì?

Tôi không cần biết trong tù mẹ Nấm có bị cấm dùng băng vệ sinh thật hay không, nhưng sự căm phẫn của tôi lúc ấy là thật. Nó chính là cảm hứng cho tôi viết nhiều bài phản biện. Tôi cũng không cần tìm hiểu xem Thúy Nga có bị tạt mắm tôm không. Với tôi hình ảnh 3 mẹ con co ro trong giá lạnh ngoài đường làm tôi mạnh dạn lia ngón tay bấm like, bấm share.

Khi mẹ Nấm, Nga trở mặt, trên FB đầy rẫy những lời ca thán ai oán, hối tiếc, đau xót. Tôi thì không. Tôi lặng lẽ đem tình yêu và niềm tin của mình tạm cất, chờ gửi ở nơi khác.

Sau này nếu anh Thắng, chị Hạnh, anh Chênh trở mặt tôi có tiếc số tiền mình đã gửi gắm các anh chị không? KHÔNG. Tôi ủng hộ người nghèo, tù nhân, những người đấu tranh chứ có cho họ đâu mà tiếc.

Vậy ngộ nhỡ họ “ăn” tiền đó chứ không làm như họ nói thì sao? Kệ họ chứ. Khi cho đi là tôi đã được. Tôi được niềm vui và niềm tin rằng mình đang góp phần vào công cuộc đấu tranh của mọi người. Vậy thì tôi tiếc chi!

Mỗi lần chúng ta xem một trận bóng chúng ta la hét, gào thét, phẫn nộ, vỡ òa cảm xúc theo từng pha bóng. Chỉ là một trận bóng thôi, chúng ta dám thể hiện trọn vẹn cảm xúc của mình. Hà cớ gì công cuộc đấu tranh đòi dân chủ, bảo vệ quốc gia lại không dám tin, không dám yêu?

Đất nước này đã tang thương quá nhiều, lòng người chia rẽ và ly tán. Đâu đâu, giờ nào cũng nghe câu “bắc kỳ”. Nhiều người nói với tôi họ không bao giờ tin “bọn dân chủ miền ngoài”. Hễ nghe đến Thanh-Nghệ Tĩnh là chạy dài, nhưng thử nhìn lại những gương mặt đấu tranh gần đây xem họ xuất phát từ đâu.

Cộng sản đã quá thành công với chiêu chia để trị. Một nước Mỹ hùng cường và thịnh vượng nhất thế giới cũng không thoát khỏi nanh vuốt của cộng sản, cũng chia rẽ, ly tán, hận thù qua chiêu bài sắc tộc.

Hoa Kỳ có đến 3 – 4 sắc dân.

Dân tộc ta chỉ một màu da, mà xây dựng niềm tin và sự đoàn kết khó đến vậy sao?


Tin bài liên quan:

VNTB – Khi ‘quỹ dân sự’ đã bị nhà chức trách cố tình ‘chính trị hóa’

Phan Thanh Hung

VNTB – Những người vợ của những người bất đồng chính kiến.

Phan Thanh Hung

VNTB – Bắt bà Nguyễn Thúy Hạnh: Nhà nước muốn xóa bỏ quyền tự do ngôn luận

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.