Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tổ chức công đoàn nào đối với người lao động tự do?

Phương Nguyên

 

(VNTB) – Người lao động tự do được quyền lựa chọn có tham gia công đoàn hay không tuỳ thuộc vào mong muốn, nhu cầu của người đó.

 

Căn cứ theo Điều 170 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, có nội dung cụ thể như sau:

“1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.

2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.

3. Các tổ chức đại diện người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động”.

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 thì quyền công đoàn được quy định như sau:

“Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền”.

Từ căn cứ hai quy định nêu trên, có thể thấy việc thành lập, gia nhập công đoàn được xác định là một quyền của người lao động. Người lao động có thể thực hiện, hoặc không thực hiện quyền của mình mà không vi phạm pháp luật.

Tuy vậy có lưu ý là một tổ chức đại diện người lao động nào đó sẽ là tổ chức có vị trí quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Quyền tự do hiệp hội, hay còn gọi là quyền tự do liên kết của người lao động là một trong những quyền cơ bản trong phạm trù quyền con người, có giá trị lịch sử lâu đời trong pháp luật quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) 2019 có hiệu lực từ ngày 01-01-2021 quy định về tổ chức đại diện người lao động tại Chương XIII: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (từ Điều 170 đến Điều 178). Theo đó, người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và lựa chọn tham gia vào một trong các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp thay vì một tổ chức đại diện là tổ chức Công đoàn như quy định theo Bộ Luật Lao động 2012.

Và điều khoản trên có thể diễn giải suy rộng ra là pháp luật lao động đang mở rộng quyền tự do liên kết của người lao động được áp dụng ở cả cấp ngành và tại các cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, cá nhân có sử dụng lao động ngoài doanh nghiệp. Khi những người lao động tại đơn vị sử dụng lao động này được bảo đảm quyền tự do liên kết sẽ tạo nên sự bình đẳng giữa họ với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, phát huy được vai trò, vị thế của tổ chức đại diện người lao động.

Khi các tổ chức đại diện người lao động được mở rộng ra ở cấp ngành, với đặc thù là tập thể người lao động làm việc trong cùng ngành nghề, cùng chuyên môn lao động sẽ giúp cho việc thúc đẩy thương lượng tập thể được thực chất, nâng cao tiếng nói của người lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao lợi ích, bảo vệ người lao động.

Hiểu rộng hơn, đây còn là đòi hỏi của Công ước số 87 năm 1948 về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức – một trong mười công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) theo Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Nội dung cơ bản của Công ước 87 bao gồm: Quyền của mọi người lao động được tự do thành lập và gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn của chính mình mà không phải xin phép trước; quyền tự chủ, tự quản của tổ chức công đoàn trong việc quyết định những vấn đề nội bộ của mình như ban hành điều lệ và các quy định quản lý nội bộ khác, bầu người đại diện, xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; quyền tự do của các tổ chức công đoàn trong việc thành lập và gia nhập các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn, theo ngành nghề, vùng miền, cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn này cũng có các quyền và được bảo vệ như đối với tổ chức công đoàn tại cơ sở; các tổ chức của người lao động nêu trên không thể bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động bởi các cơ quan hành chính của Chính phủ…

Tính đến đầu năm Giáp Thìn này Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước số 87 của ILO, song theo Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, một quốc gia dù chưa phê chuẩn vẫn có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nội dung của công ước một cách thành ý.

Vấn đề là người ta vẫn chưa thấy được “thành ý” này của nhiệm kỳ hiện hành của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tin bài liên quan:

VNTB – Quỹ bảo hiểm xã hội kết dư nói lên điều gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Phát biểu Obama: Thắng lợi lớn cho công đoàn độc lập tại VN?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hoan hô bạn đình công vì mức lương tối thiểu quá thấp

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo