Cát Tường
(VNTB) – Trong cả ngàn lao động ở doanh nghiệp nếu có vài người không muốn khởi kiện thì sao?
Khái niệm đại diện cho tập thể và cá nhân người lao động vẫn chưa được hiểu một cách thống nhất, thủ tục cử đại diện như thế nào ở Luật công đoàn (sửa đổi)? Trong thực tế, khi khởi kiện thì tòa án yêu cầu tổ chức công đoàn thực hiện việc đại diện phải có hợp đồng ủy quyền, trong khi doanh nghiệp có cả ngàn lao động thì việc ủy quyền như thế nào? Trong cả ngàn lao động đó có vài người không muốn khởi kiện thì sao?
Theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015, “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
Trong đó, đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm “cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được tòa án chỉ định; người do tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện và người do tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”.
Đối với pháp nhân người đại diện theo pháp luật, là “người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ, người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật, người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án”.
Theo Điều 138 BLDS năm 2015,thì, “1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. 2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. 3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện”.
Theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của BLDS là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự”.
Điều 86 BLTTDS năm 2015, “1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện. 2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền”.
Quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015 đã xác định đối với cá nhân có quyền, lợi ích bị xâm hại là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì phải trực tiếp ký hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện và cho rằng đây là quyền nhân thân của người khởi kiện, không thể chuyển giao cho người khác.
Chỉ trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ mới ký hoặc điểm chỉ đơn khởi kiện vụ án. Nói cách khác, người có quyền, lợi ích bị xâm hại phải trực tiếp ký, điểm chỉ vào đơn khởi kiện và việc ủy quyền tham gia tố tụng giải quyết vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích của họ chỉ được thực hiện sau khi khởi kiện và Tòa án đã thụ lý vụ án.
Khoản 2 Điều 189 BLTTDS 2015 về việc làm đơn khởi kiện của cá nhân có quy định: “a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ”.
Quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015 đã xác định đối với cá nhân có quyền, lợi ích bị xâm hại là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì phải trực tiếp ký, hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện, và cho rằng đây là quyền nhân thân của người khởi kiện, không thể chuyển giao cho người khác.
Chính quy định trên nên khi người khởi kiện là người đại diện hợp pháp theo ủy quyền nộp đơn khởi kiện đến tòa án, thì một số tòa án đã không nhận đơn khởi kiện để thụ lý và yêu cầu bắt buộc người có quyền, lợi ích bị xâm hại phải trực tiếp ký, hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện chứ không phải thông qua người đại diện theo ủy quyền.
Do vậy ở Luật công đoàn sửa đổi lần này, có ý kiến là tổ chức công đoàn được đại diện cho tập thể và cá nhân người lao động để khởi kiện ở tòa án theo yêu cầu của người lao động, tức là chỉ cần có đơn yêu cầu mà không cần hợp đồng, giấy ủy quyền có công chứng. Đồng thời, quy định công đoàn cấp trên trực tiếp có quyền đại diện khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cán bộ công đoàn cơ sở khi cán bộ công đoàn bị người sử dụng lao động sa thải trái pháp luật.